Khó khăn trong khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu

Hương Giang - 08:11, 31/10/2022

TheLEADERTrường đại học, viện nghiên cứu là nơi trụ cột trong việc cung cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo tri thức khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới cũng như chuyển giao nguồn tri thức khoa học, công nghệ cho xã hội.

Khó khăn trong khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu
Các trường đại học, viện nghiên cứu là bộ phận trụ cột trong hoạt động đổi mới sáng tạo của nền kinh tế (Ảnh: Đại học Phenikaa)

Vai trò trụ cột của trường đại học, viện nghiên cứu trong hoạt động đổi mới sáng tạo

Theo thống kê của Bộ KH&CN, có trên 80% nhân lực khoa học và công nghệ đang làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Do đó, các trường đại học, viện nghiên cứu đóng vai trò là những trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Vì vậy, các trường đại học, viên nghiên cứu cần khai thác các sáng chế, tài sản trí tuệ thông qua việc thương mại hóa những kết quả nghiên cứu góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước.

Để triển khai các kết quả nghiên cứu thành công, hoạt động thương mại hóa những sản phẩm đổi mới sáng tạo thông qua việc thành lập các doanh nghiệp công nghệ là một việc không thể thiếu.

Hoạt động thành lập các công ty khởi nghiệp do chính nhà khoa học đồng sở hữu với cơ quan nghiên cứu chính là mô hình công ty spin-off. Công ty công nghệ spin-off là những công ty công nghệ triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học với hình thức đồng sở hữu của cơ sở nghiên cứu và nhà phát minh, và được quản lý độc lập với cơ sở nghiên cứu.

Đây là mô hình công ty đang được đầu tư mạnh ở nhiều quốc gia phát triển do đây là nơi được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đủ khả năng phục vụ cho cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển. Đồng thời, công ty spin-off có khả năng tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo việc làm tốt.

Còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, hiện nay, vai trò của các trường đại học đối với đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Theo PGS.TS. Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), cho biết, công tác nghiên cứu khoa học, nhất là các vấn đề liên quan đến sản xuất - kinh doanh, chưa được quan tâm đúng mức ở một số trường đại học.

Các cơ chế, chính sách liên quan đến nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Mức chi cho sự nghiệp khoa học - công nghệ còn chiếm tỷ lệ thấp và dàn trải ở các bộ, ngành, địa phương, chưa tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ trọng điểm, then chốt.

Thêm vào đó, nhiều trường đại học chưa thực sự quan tâm và nhận thức được tầm quan trọng, hiệu quả của việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tạo đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu.

Không chỉ vậy, các kết quả có tính ứng dụng và thương mại hóa tại nhiều trường đại học và cơ sở nghiên cứu bị bỏ qua vì không có tiền đầu tư làm thương mại hóa, hoặc được chuyển giao một cách vội vã và chưa tính đến lợi ích lâu dài cho chính nhà nghiên cứu và cơ sở nghiên cứu.

Hiện nay, hàng năm có rất nhiều đề tài được nghiệm thu; rất nhiều quy trình công nghệ, sản phẩm khoa học có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn, nhưng chỉ một số lượng rất khiêm tốn các công trình nghiên cứu được chuyển giao hay thương mại hóa, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Bên cạnh đó thủ tục đăng ký các tài sản trí tuệ còn phức tạp, việc phân chia quyền sở hữu trí tuệ còn chưa thống nhất, do đó nhiều nhà khoa học đang lựa chọn công bố bài báo khoa học mà không tính đến việc khai thác các tài sản trí tuệ lâu dài.

Để giải quyết tồn tại này, chính các trường đại học, viện nghiên cứu phải chuyển mình, nâng cao năng lực nghiên cứu, đáp ứng một cách thiết thực các nhu cầu của xã hội nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, song song với việc hoàn thiện cơ chế chính sách của Nhà nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết không chỉ về quản lý tài sản trí tuệ mà cả về quản lý con người, bởi nhân lực chất lượng cao chính là nguồn tài nguyên quan trọng để liên tục tạo ra tài sản trí tuệ.