Nguyên tắc chọn người kế nghiệp của nữ tướng Đại An

Đặng Hoa - 08:47, 04/11/2019

TheLEADERLà một trong ba nữ chủ nhân duy nhất của các khu công nghiệp tập trung ở Việt Nam hiện nay, doanh nhân Trương Tú Phương xác định xoá bỏ tư tưởng nối dõi để tìm và truyền cảm hứng cho người kế nghiệp đích thực có khả năng, trách nhiệm.

Nguyên tắc chọn người kế nghiệp của nữ tướng Đại An
Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đại An

Trải qua nhiều thăng trầm với những nỗ lực không ngừng nghỉ, luôn kiên định và khát khao cống hiến cho xã hội đã giúp bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đại An phát triển doanh nghiệp từ quy mô vỏn vẹn 25 tỷ đồng thành một khu công nghiệp rộng lớn 400ha với 93 dự án, tổng vốn trên 2 tỷ USD và 41.000 lao động.

Đầu năm nay, Đại An đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì đúng dịp kỷ niệm 15 năm thành lập và cũng là lần thứ tư đón nhận huân chương lao động, khẳng định sự ghi nhận của Nhà nước trước những đóng góp của Đại An với xã hội. Thế nhưng với nữ chủ nhân của khu công nghiệp “không bao giờ đóng cổng”, điều khó khăn nhất cõ lẽ vẫn là công tác chuyển giao thế hệ.

“Nói đơn giản nhưng không hề đơn giản, để mình có thể lui về không còn mệnh lệnh, mọi người không còn nhất nhất theo mình - một người đã xây dựng được chiến lược 20 năm trước và 20 năm sau vẫn đúng. Tôi không quan trọng doanh thu mà quan trọng truyền cảm hứng cho thế hệ kế nghiệp”, bà Phương cho biết.

Sinh ra ba người con nhưng không ai có xác định ban đầu là theo nghề giao thông, xây dựng của mẹ vì “chê vất vả”. Bà Phương cũng khẳng định, nghề này vất vả thật và chẳng ai là phụ nữ mà chạy ngoài công trường suốt ngày như bà nên bà không ép buộc mà cho phép các con chọn học nghề khác. Trong đó, một người con của bà học quản trị ở Pháp và một người khác học kinh tế ở Hà Lan.

Khi các con du học trở về vào năm 2009 cũng là thời điểm khủng hoảng kinh tế, bà không vận động mà truyền cảm hứng để các con tham gia phát triển công ty. Người con trai út của bà “xách cặp” ra thẳng Hải Dương - một mảnh đất thuần nông mặc dù sinh ra ở TP.HCM năng động, một nơi mà ai cũng muốn ở.

Đặc biệt, bà Phương có cái nhìn rất khác về hai chữ “gia đình”. Bà luôn xây dựng Đại An là một mái nhà chung, không chỉ có máu mủ ruột thịt mà còn có các cán bộ nhân viên và thế hệ con cháu của họ. Thành viên trong gia đình hay tập thể cộng đồng trong doanh nghiệp phải xác định đều ở trên một con thuyền và chung một ngôi nhà lớn. Gia đình không đủ yếu tố và điều kiện để hội nhập.

Chính vì vậy, bà chú trọng đào tạo con cháu của cán bộ công nhân viên không cùng huyết thống với bà để tìm ra những người có khả năng đảm đương công việc, và rồi bà coi họ như thành viên của gia đình.

Khi đánh giá một con người, bà Phương rất coi trọng tính trung thực, tinh thần lấy quyền lợi của cộng đồng, người dân và tập thể đặt lên trên lợi ích cá nhân. “Nếu đạt được điều đó, bất chấp là ai cũng có cơ hội được tôi bổ nhiệm”, bà Phương khẳng định tại Hội thảo Quản trị doanh nghiệp gia đình do TheLEADER tổ chức.

Đất nước đang hội nhập rất nhanh nhưng theo bà Phương là hoàn toàn chưa chủ động vì hệ thống luật còn chưa hoàn thiện nên không thể đòi hỏi các thế hệ sau làm thật tốt, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại được qua các thế hệ giảm mạnh là điều dễ hiểu. Bà xác định đào tạo thế hệ kế tục trong 10 năm thay vì chỉ 1-2 năm.

Sau bảy năm chuẩn bị, bà đang xây dựng một trung tâm văn hoá của Đại An, trong đó đào tạo thế hệ thứ hai với khoảng 200 người là con cháu cán bộ nhân viên để tìm ra những người có đủ yếu tố, điều kiện và khát khao lên nắm giữ các vị trí chủ chốt.

“Toàn bộ phải đi học, về làm việc, nghe tôi giao ban và giảng giải từ những sự vụ, vụ án kinh tế và bài học”, bà Phương cho biết và cho rằng đó là những điều các cán bộ chủ chốt tương lai cần được truyền lại chứ không phải là kết quả lao động.

Ở Đại An, muốn được bổ nhiệm phải qua thực tiễn, không lý luận, phải có năng lực và chứng minh bằng kết quả, xây được chương trình thay vì theo quy trình và dựa vào bằng cấp.

Bà Phương nhìn nhận, tư tưởng cha truyền con nối cũng như quan niệm con trai nối dõi dường như là một điều đương nhiên ở Việt Nam như một văn hoá đã tồn tại ngàn đời. Thế nhưng theo nữ doanh nhân này, các doanh nghiệp nên có một cái nhìn rộng ra, nếu con cái không đủ năng lực thì phải đào tạo người phụ giúp con mình làm.

“Tôi tin với một con người tử tế, lương thiện và có trách nhiệm với cộng đồng thì sản phẩm làm ra chắc chắn phải hoàn thiện”, bà Phương chia sẻ.

Bí quyết tìm người kế nghiệp của nữ tướng Đại An
Nữ tướng khu công nghiệp Đại An chia sẻ tại Hội thảo Quản trị doanh nghiệp gia đình do TheLEADER tổ chức

Bà Phương cũng nhìn nhận, doanh nghiệp nắm trong tay hệ trọng của 41.000 lao động ở thời điểm hiện tại và hai năm sau là 60.000 lao động cùng gia đình của họ, người sáng lập cần bỏ ngay tư tưởng nối dõi mà thực sự cần tìm người kế nghiệp đích thực để có trách nhiệm và truyền cảm hứng. Sự lương thiện, tinh thần trách nhiệm với đất nước và xã hội là kim chỉ nam bà luôn giữ vững từ trước đến nay.

“Chúng ta phát triển đừng nghĩ cái lớn vội mà phải chắc đôi chân và sáng suốt cái đầu nhưng đồng thời có trái tim thực sự yêu nước. Đến nay, tôi vẫn thực hiện tốt 5 điều bác hồ dạy. Nếu không yêu tổ quốc yêu đồng bào làm sao rời khỏi Sài Gòn hoa lệ để đến Hải Dương; không lao động tốt thì làm sao làm ra sản phẩm tốt cho xã hội; không thật thà, dũng cảm, không minh bạch, nộp thuế đầy đủ thì sẽ bị công an sờ đến ngay”, bà Phương nói.

Theo bà Phương, các thế hệ kế tục cần hiểu rõ và đặt quyền lợi, cuộc sống cộng đồng lên trên cuộc sống cá nhân bởi có tập thể thì mới có mình, đây là điều bà đã giáo dục con từ thủa nhỏ. Bà không để lại của cải và tài sản cho con cái mà chỉ để lại tri thức và đào tạo con trở thành người lượng thiện, có trách nhiệm với xã hội.

Bà cũng thừa nhận đã may mắn sinh ba người con đều là những người lương thiện, có khả năng và có tính cộng đồng. Thế hệ thứ hai đang làm tốt, phân mảng tài chính đang giao cho người ngoài được đào tạo bài bản và tin tưởng. Từ thực tiễn thông qua hội nhập hậu khủng hoảng, thế hệ thứ hai đã đứng vững nên bà cho biết đã có thể yên tâm chuyển giao thế hệ vào tháng sau. Bà xác định khi bàn giao phải rõ ràng sổ sách, phải hết công nợ, không thể để lại gánh nặng cho các con.

Sinh ra trong một gia tộc có truyền thống kinh doanh không hề dễ, là con của một nữ tướng trong một lĩnh vực được cho là thiên đường của nam giới với những yêu cầu rất cao có lẽ còn là một áp lực lớn hơn rất nhiều đối với các con của bà. 

Thế nhưng, như lời người con cả của bà - chị Tường Quỳnh Phương đã chia sẻ tại hội thảo Quản trị doanh nghiệp gia đình, đó cũng là động lực để cô và các em phấn đấu mỗi ngày, hôm nay phải tốt hơn hôm qua nhằm giữ vững và phát triển thanh danh của cả một gia đình đã “đổ máu và nước mắt để dựng nên”.