'Có công nhân nào muốn an nhàn, học tập khi tiền lương không đủ nuôi gia đình'

Kim Yến - 08:25, 27/09/2019

TheLEADERTheo ông Đỗ Long, Chủ tịch công ty Bita’s, trên thực tế, đại bộ phận công nhân đã có gia đình đều mong muốn có việc làm ổn định và tăng ca để kiếm thêm tiền lo cho gia đình.

'Có công nhân nào muốn an nhàn, học tập khi tiền lương không đủ nuôi gia đình'
Hàng triệu công nhân vẫn đang sống lay lắt vì lương thấp. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Hiện quốc hội đang thảo luận Luật Lao động liên quan đến cả người lao động và doanh nghiệp, trong đó có 6 nội dung lớn còn nhiều tranh luận bao gồm: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, mở rộng khung thoả thuận giờ làm thêm tối đa, tiền lương làm thêm giờ, tuổi nghỉ hưu, thời gì làm việc bình thường và tổ chức đại diện cho người lao động.

Về phía Tổng liên đoàn Lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động trong phần trả lời VnExpress ngày 23/9 vừa qua xung quanh đề xuất tăng thêm ngày nghỉ trong năm và giảm giờ làm từ 48 xuống còn 44 giờ/tuần lý giải như sau:

“Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ đề xuất tăng 1 ngày nghỉ vào 27/7, song quá trình thảo luận Chính phủ lại rút đề xuất này. Tổng liên đoàn Lao dộng đề xuất thêm ba ngày nghỉ để công nhân có điều kiện chăm lo sức khoẻ, học tập nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề.

Trong bối cảnh làm việc nhiều giờ hiện nay, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất đi làm từ khi chưa thấy mặt trời, tối lại làm thêm giờ nên cuộc sống hết sức nghèo nàn về vật chất và tinh thần. Nhiều gia đình bố mẹ đi làm thứ bảy, chủ nhật nên phải gửi con, cuối cùng tiền lương lại bù vào chi phí gửi con. Đây là cái vòng luẩn quẩn của làm thêm giờ”.

“Trên thực tế đại bộ phận công nhân đều mong muốn có việc làm ổn định và tăng ca”
Ông Đỗ Long, Chủ tịch công ty Bita’s

Phản biện lại ý kiến của đại diện Tổng liên đoàn Lao động, ông Đỗ Long, Chủ tịch công ty Bita’s cho rằng: “Nói giảm giờ làm cho người lao động là nhằm đảm bảo cho họ có được thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình là sai. Giúp cho họ có thời gian học tập nâng cao tay nghề cũng sai. 

Đem Việt Nam để so sánh các nước khác mà không đánh giá toàn bộ các yếu tố về chính trị, chính sách, bối cảnh, môi trường, tay nghề, năng suất thực tế, giá trị thực đồng tiền họ làm ra so với đồng tiền Việt Nam, mà chỉ căn cứ những số liệu của tổ chức ILO, hay những thăm dò chưa đủ bao quát chính sách để sửa đổi luật Lao động là sai nhiều hơn.

Trên thực tế đại bộ phận công nhân đã có gia đình đều mong muốn có việc làm ổn định và tăng ca để kiếm thêm tiền lo cho gia đình, đó là một thực tế trong nhiều công ty. 

Nếu như giảm giờ làm, thu nhập đương nhiên sẽ giảm, buộc họ phải đi tìm một việc khác bù vào, vì đa phần hiện nay các công ty có lao động nhiều họ đều thực hiện việc trả lương theo sản phẩm. Đương nhiên người làm 40 giờ với làm 48 giờ chắc chắn thu nhập có khác biệt, hỏi thử lao động nào muốn an nhàn, học tập trong khi thu nhập không đủ nuôi gia đình?". 

Theo ông Long, Tổng liên đoàn lao động có lý luận kiểu nào đi nữa thì tình trạng ổn định lao động tại các nhà máy ở Việt Nam đều bất cập, ngay cả cho công nhân làm 40 giờ cũng chưa chắc ổn định lao động, có quá nhiều yếu tố xã hội, tâm lý, đạo đức nghề nghiệp, đạo lý làm công nhân từ bản thân người lao động Việt Nam chưa ổn, chất bay nhảy, đứng núi này trông núi nọ vẫn là số đông.

Các ngành sản xuất căn bản như may mặc, giày dép luôn bị mắc kẹt giữa chính sách lao động với việc giải quyết cho những lao động có tay nghề ổn định cuộc sống, đảm bảo thu nhập khi họ bước khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn. 

Và phải lưu ý rằng hai ngành nghề này vẫn tạo ra giá trị GDP lớn của Việt Nam, giải quyết gốc của lao động Việt Nam chuyển đổi từ nông dân sang hoặc chưa có học lực, chưa có một nghề chắc chắn.

"Tôi đi nhiều quốc gia, ngay cả những người thân của tôi ở Mỹ và Canada đều ráng cày, mỗi ngày 10-12 giờ, làm một việc không đủ ráng cày thêm một việc nữa, sáng chiều công xưởng, tối chạy thêm Uber. Cái họ cần là tích lũy tiền bạc, mà nếu nghỉ ngơi nhiều không làm thêm thì lấy đâu tích lũy.

Đừng viển vông khi cho rằng chăm lo cho người lao động mà họ cũng không tích lũy được gì. Dẫn dắt lao động trong cân bằng, phù hợp bối cảnh, hoàn cảnh đất nước để làm cho doanh nghiệp mạnh lên, đất nước giàu có lên là gốc. 

Giải tán, giảm các cơ quan hành chính dư thừa, kiểm soát chi thu, tham nhũng, mua sắm công, loại bỏ những công chức bất tài, ăn bám ngân sách, các chính sách gây phiền phức, trì trệ để doanh nghiệp tự chủ hơn, tích lũy nhiều, họ sẽ chăm sóc cho công nhân trực tiếp tốt hơn Tổng Liên đoàn”, Chủ tịch Bita's khẳng định. 

Trong cuộc gặp gỡ với doanh nhân do Hội Doanh nghiệp TP. HCM tổ chức mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng lưu ý doanh nghiệp nên tập trung góp ý dự luật này và dự luật cho hộ kinh doanh cá thể.

Phương án một của Chính phủ là giữ nguyên thời gian làm việc 48 giờ/ tuần, thực hiện lương với giờ làm thêm không tính luỹ tiến theo giờ. Phương án hai giảm từ 48 giờ sang 44 giờ hoặc 40 giờ, không đồng ý tăng từ 44 giờ làm thêm với ngành thuỷ sản, dệt may, giày dép, vì trái với chính sách cải thiện đời sống cho người lao động, lương làm thêm quy định tính theo luỹ tiến.

"Quốc hội đang lấy ý kiến doanh nghiệp và toàn dân, tôi lưu ý các Hiệp hội Doanh nghiệp nên chủ động đưa ra những phân tích, cảnh báo cho hai phương án, tìm hiểu kỹ mong muốn thực sự của người lao dộng là muốn làm thêm giờ hay muốn giảm giờ làm để cải thiện đời sống. Trong ASEAN, chỉ có hai nước thực hiện 40 giờ/tuần, còn lại là 48 giờ. các nước khác làm việc trên 40 giờ. Cần đứng trên lợi ích của đất nước, của nền kinh tế để đóng góp", ông Lộc phân tích.

Thứ hai, về luật cho hộ kinh doanh cá thể, phải đưa các hộ kinh doanh vào đối tượng đăng ký, để tạo sự bình đẳng trong kinh doanh, coi họ là đối tượng của Luật Doanh nghiệp. 

5,1 triệu hộ kinh doanh đang tạo ra 1/3 GDP của nền kinh tế, làm sao nâng cấp hộ kinh tế gia đình, trở thành lực lượng rất đáng nể trong nền kinh tế Việt Nam, phải tạo ra khuôn khổ hoạt dộng thích hợp cho nó. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ mở rộng rất nhiều.

VCCI đang mời một số doanh nghiệp lớn đến thảo luận, đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp đóng góp cho đường lối của Đảng. 

Rà soát lại các văn bản của luật, VCCI thấy ít nhất 20 điểm chồng chéo gây bất lợi cho doanh nghiệp, như Luật Xây dựng và Luật Môi trường, phải làm cái gì trước? 

"Nếu không quy định rõ ràng thì doanh nghiệp làm kiểu gì cũng bị thổi còi. Doanh nghiệp tư nhân có là chính thống chưa, quan hệ thế nào với doanh nghiệp nhà nước và các thành phần doanh nghiệp khác?

Quả bóng đã đến chân doanh nghiệp, không chỉ nằm trong tay các ban tham mưu ngồi ở văn phòng ra chính sách nữa. Tôi đề nghị các doanh nghiệp cần tích cực phản biện chính sách kịp thời hơn nữa, vì đó là nghĩa vụ và quyền lợi của chính chúng ta”, ông Lộc nhận định.