Khơi thông để nguồn vốn tư nhân ‘chảy vào’ vận tải thủy

T.Minh - 15:08, 15/11/2017

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, để lĩnh vực vận tải thủy phát triển, phải thay đổi tư duy, bỏ những đề xuất lạc hậu, cũ kỹ như bố trí tiền để duy tu, nạo vét, đầu tư để tập trung đưa ra những giải pháp, khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này.

Khơi thông để nguồn vốn tư nhân ‘chảy vào’ vận tải thủy
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại cuộc họp chiều 14/11 về vận tải thủy.

Rẻ nhưng ít khách

Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đường thủy phía bắc đã hình thành 3 hành lang vận tải chính (Quảng Ninh-Hải Phòng-Việt Trì qua sông Đuống, Hải Phòng-Ninh Bình qua sông Luộc, Hà Nội-Lạch Giang). Phía nam có 6 trục dọc và 2 trục ngang trong khi miền Trung và Tây Nguyên có 27 tuyến sông, kênh.

Hiện nay, đường bộ đang đảm nhận khoảng 77% thị phần vận tải trong khi đường thủy chỉ chiếm khoảng 17,2% dù giá vận tải hàng hóa bằng đường thủy hiện chỉ bằng 1/4 vận tải đường bộ, 1/2 đường sắt.

Một số nguyên nhân khiến vận tải đường thủy chưa phát triển có thể kể đến là kết cấu hạ tầng (đường sắt, đường bộ, luồng vào cảng) kết nối đến cảng, bến thủy chưa đồng bộ; nhiều bến thủy hoạt động không phép gây cạnh tranh không lành mạnh; đoàn phương tiện lạc hậu, chi phí vận tải dưới sông thấp nhưng trung chuyển cao hơn đường bộ; nguồn vốn đầu tư cho đường thủy thấp dẫn đến khó khăn trong công tác duy tu, bảo trì, cải tạo kết cấu hạ tầng; việc huy động vốn xã hội hóa đầu tư vào kết cấu hạ tầng khó khăn...

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 47 ngày 5/10/2015 với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa, mới chỉ một số cơ chế (như tăng vốn bảo trì) được triển khai, còn lại những cơ chế ưu đãi để phát triển vận tải, đội tàu (thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi suất) chưa được cụ thể hóa.

Loại bỏ tư duy lạc hậu, đề xuất cũ kỹ

Theo quy hoạch phát triển đường thủy, mục tiêu đến năm 2020 vận tải thủy đạt 18,6-21,5% tổng thị phần vận tải toàn ngành. Để nâng thị phần vận tải so với hiện nay, đường thủy cần tăng sức cạnh tranh, thu hút hàng hóa chuyển xuống đường thủy.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể được Báo Giao thông dẫn lời cho biết, để nâng được thị phần vận tải, trước hết cần thay đổi tư duy quản lý, tư duy phát triển theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân trong lĩnh vực đường thủy.

Bộ trưởng cũng quán triệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 vừa qua đã xem kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế, cởi trói cho kinh tế tư nhân phát triển, trong đó có doanh nghiệp đường thủy. Vì vậy, cần khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân đầu tư vào đường thủy bằng chính các cơ chế, chính sách thông thoáng.

Theo đó, ông Thể yêu cầu lãnh đạo các vụ, cục thay đổi tư duy, từ nay về sau tham mưu, đề xuất tập trung về tháo gỡ khó khăn để kinh tế tư nhân phát triển. Tư tưởng là tham mưu các thông tư, nghị định, dự thảo luật, đề xuất cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển, để đưa hàng hóa xuống đường thủy.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Cục Đường thủy nội địa bỏ hẳn suy nghĩ, tư tưởng dùng ngân sách Nhà nước đầu tư công trình, dự án trong phát triển vận tải thủy. Ông Thể cũng cho rằng những đề xuất kiểu bố trí tiền để duy tu, nạo vét hay để đầu tư công trình này, dự án kia là “lạc hậu, cũ lắm rồi”.

Lấy ví dụ về cơ chế khuyến khích phát triển, Bộ trưởng cho biết, cách đây 2 năm, lần đầu tiên ngành đường thủy nội địa được hưởng cơ chế theo Quyết định 47 của Thủ tướng và được kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá. “Quyết định 47 của Thủ tướng rất kịp thời, nhưng các bộ, ngành liên quan chưa có hướng dẫn thực hiện nên các địa phương chưa áp dụng được, cơ chế khuyến khích chưa đi vào cuộc sống”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu và chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa sơ kết thực hiện Quyết định 47, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm; cũng như sơ kết triển khai đề án tái cơ cấu vận tải thủy để khắc phục những vướng mắc.