'Không có quốc gia nào áp dụng phương án 3 tại chỗ như Việt Nam'

An Chi - 09:40, 11/09/2021

TheLEADERNhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có chiến lược sống chung với dịch bệnh và kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa lại nền kinh tế ngay từ bây giờ để cứu nền kinh tế và các doanh nghiệp.

'Không có quốc gia nào áp dụng phương án 3 tại chỗ như Việt Nam'
Nếu giãn cách xã hội kéo dài, những thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ là rất lớn.

Với quy mô 12 nghìn cán bộ công nhân viên, trải khắp 7 tỉnh thành phố trên cả nước, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 thừa nhận, những tháng vừa qua thực sự là thời gian vô cùng khó khăn, vất vả của doanh nghiệp.

Do đặc thù của ngành dệt may sử dụng rất nhiều lao động và sản xuất phân tán, trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Việt cho biết, khó khăn trước hết của doanh nghiệp đến từ những quy định chống dịch của các địa phương. Theo đó, cùng áp dụng Chỉ thị 16 nhưng mỗi tỉnh thành lại khác nhau.

"Đơn cử như từ ngày 23/7, Hà Nội giãn cách xã hội 45 ngày nhưng chúng tôi vẫn được hoạt động nhờ áp dụng phương án '3 tại chỗ' hoặc '1 cung đường 2 điểm đến'. Tuy nhiên, tại Quảng Bình, các nhà máy của May 10 đã buộc phải đóng cửa toàn bộ suốt hơn 10 ngày qua do giãn cách xã hội, thiệt hại kinh tế là rất lớn", ông Việt nói.

Đáng nói hơn, ngay cả trong trường hợp doanh nghiệp áp dụng 3 tại chỗ để được duy trì sản xuất kinh doanh thì chi phí tăng cao cũng là bài toán nan giải. Cụ thể, nếu áp dụng 3 tại chỗ, số lượng công nhân đi làm chỉ đạt 30 - 50% nhưng chi phí tăng 4 - 5 lần và doanh thu giảm một nửa; do đó, rất khó để tiếp tục thực hiện phương án này.

Phương án "1 cung đường 2 điểm đến" cũng gặp những khó khăn tương tự khi nhiều chốt kiểm dịch tại các địa phương yêu cầu người dân "ai ở đâu, ở yên đó", không được đến công ty làm việc.

Khó khăn chồng chất, chi phí sản xuất lớn trong khi rủi ro luôn rình rập, ông Việt thừa nhận rằng, việc đóng cửa ngủ đông lúc này tốt hơn là duy trì chiến đấu để sản xuất kinh doanh. 

Song, là một doanh nghiệp có 76 năm hình thành và phát triển, trải qua rất nhiều thế hệ, là một biểu tượng của ngành may mặc và một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu với trên 66 nhà nhập khẩu và nhà cung cấp trên toàn thế giới, May 10 vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động để không đứt gãy chuỗi cung ứng và đảm bảo đời sống cho người lao động.

Trong hoàn cảnh tương tự, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa cũng cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn rất lớn. Trong đó, vấn đề báo động nhất là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp ngủ đông trong thời gian ngắn thì tốt nhưng nếu ngủ đông quá dài, sẽ rất khó có thể tỉnh lại. Doanh nghiệp sẽ đánh mất luôn thị trường và các cơ hội kinh doanh", ông Ngữ nhấn mạnh.

Theo ông Ngữ, đây đang là vấn đề lớn, khó khăn chung đặt ra với tất cả các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam đã sống chung với giãn cách xã hội trong suốt một thời gian dài.

Nếu không sớm có giải pháp giúp các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh, nguy cơ phá sản sẽ là rất cao. Đằng sau đó là hệ luỵ rất lớn đối với an sinh xã hội, đói nghèo và bất ổn xã hội sau này.

Cần từng bước mở cửa lại nền kinh tế

Tại diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam: "Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ - Asean cho rằng, từ kinh nghiệm chống dịch và phát triển kinh tế của nhiều nước trên thế giới, không có quốc gia nào áp dụng phương án 3 tại chỗ như Việt Nam.

Theo ông Thành, Việt Nam cần có chiến lược sống chung với dịch bệnh và bắt buộc phải có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa lại nền kinh tế ngay từ bây giờ. Việc "tắt - bật" liên tục hoạt động của nền kinh tế và các doanh nghiệp như hiện nay đã không không còn phù hợp với bối cảnh dịch bệnh mới. Nếu còn kéo dài, những thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ rất lớn.

Bàn về giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19, ông Thành cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp đều chưa có nhiều kinh nghiệm, nguồn lực cũng như thời gian để xây dựng quy trình sản xuất an toàn. Đa số các doanh nghiệp bây giờ mới bắt đầu bắt tay vào thực hiện.

Để nâng cao năng lực thích ứng với điều kiện sản xuất an toàn cho doanh nghiệp, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, Chính phủ cần phân loại các doanh nghiệp theo năng lực đáp ứng tiêu chí về sản xuất an toàn.

Qua đó, Chính phủ cần tập trung nguồn lực nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp bị đuối. Làm sao để khi mở cửa trở lại, tất cả các doanh nghiệp đều đáp ứng được tiêu chuẩn đã đề ra. Có như vậy, nền kinh tế mới có thể vận hành. Còn nếu mở cửa mà có doanh nghiệp sản xuất tốt, doanh nghiệp không thì rất khó.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc May 10 cũng cho rằng, doanh nghiệp rất đồng tình với cách nhìn mới của Chính phủ trong chống dịch: "Chúng ta không thể chống dịch một cách tuyệt đối, mà phải xác định sống chung với dịch nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân".

Ông Việt đề xuất, trước mắt các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần tạo điều kiện, ưu tiên cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp được tiêm vaccine phòng Covid-19. Việc tiêm vaccine không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho người lao động mà còn giúp doanh nghiệp giảm được rất nhiều các chi phí như 3 tại chỗ, test sàng lọc ca nhiễm.

Hiện nay, mỗi tuần, doanh nghiệp đều tiến hành test Covid-19 cho toàn bộ cán bộ công nhân viên. Với quy mô hơn 10 nghìn lao động, chi phí cho mỗi lần test lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Hiện 90% người lao động của May 10 ở Hà Nội đã được tiêm 1 mũi vaccine, ở các tỉnh thành khác như Thái Bình, Thanh Hoá, Bắc Ninh chưa được tiêm do nguy cơ lây nhiễm không cao. Tuy nhiên, nếu được Chính phủ tạo điều kiện đi trước một bước trong chiến lược vaccine cho doanh nghiệp sẽ là thuận lợi lớn. Nếu đợi dịch bùng phát mới tiêm vaccine sẽ không kịp, ông Việt nhìn nhận.

Mặt khác, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho rằng, Chính phủ nên giao trách nghiệm cho mỗi doanh nghiệp, mỗi người lao động trong việc chống dịch. Mỗi doanh nghiệp là một pháp đài chống dịch. Nếu làm tốt công tác này, nó sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo sản xuất kinh doanh mà còn góp phần phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả cho xã hội.

Dưới góc độ dịch tễ, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân Y cũng cho rằng: "Chiến lược chống dịch của Việt Nam cần theo hướng sống chung với dịch bệnh. Bởi xã hội loài người sẽ không bao giờ chấm dứt được virus. Nếu người dân còn thở, còn giao lưu với thế giới bên ngoài thì sớm hay muộn, dịch bệnh vẫn sẽ bùng phát. Chỉ là chỉ là trong một giai đoạn nào đó, chúng ta ưu tiên phương án chống dịch nào hơn để chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để mở cửa trở lại".

Theo ông Lượng, việc duy trì sức khỏe bền vững cho doanh nghiệp cũng là duy trì sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Ba giải pháp được vị chuyên gia này đưa ra để Việt Nam sống chung với dịch. Thứ nhất là chiến lược vaccine. Muốn chung sống với dịch bệnh, chiến lược vaccine toàn dân cần được thực hiện càng sớm càng tốt, càng nhanh càng tốt. 

Bên cạnh việc tìm kiếm các nguồn vaccine bên ngoài, về lâu dài Chính phủ cần ưu tiên cho nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước bằng cách tự nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ.

Thứ hai là cá nhân hoá công tác phòng chống dịch. Mỗi cá nhân an toàn chính là giúp cộng đồng an toàn. Hơn nữa, "thân cường thì bệnh nhược", mọi người cần có ý thức tăng cường sức đề kháng và phòng chống dịch bệnh.

Thứ ba, Chính phủ cần có chính sách bảo vệ đối tượng yếu thế, người già, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo mọi người dân gặp khó khăn đều được hưởng hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua đại dịch.