Kinh doanh hậu Covid-19: Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn 'chờ đợi và theo dõi'

Quỳnh Chi - 13:50, 17/07/2020

TheLEADER40% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát của Tập đoàn phần mềm SAP cho biết vẫn giữ quan điểm “chờ đợi và theo dõi”, chưa có bất kỳ sự chuyển đổi đáng kể nào trong bối cảnh của đại dịch Covid-19.

Kinh doanh hậu Covid-19: Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn 'chờ đợi và theo dõi'
60% doanh nghiệp Việt tham gia khảo sát của SAP đã bắt đầu thay đổi chiến lược kinh doanh. Ảnh minh hoạ

Có tới 63% trong số 4.500 lãnh đạo doanh nghiệp tại Đông Nam Á tham gia một khảo sát mới đây của SAP đã nhận thấy những thay đổi về hành vi cũng như động lực mua sắm của khách hàng kể từ đầu năm nay.

Mặc dù 21% doanh nghiệp không chắc chắn hoặc thiếu hiểu biết về những thay đổi liên quan đến nhu cầu của khách hàng. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại Đông Nam Á vẫn khá thận trọng và bảo thủ về việc chuyển đổi số, với rất nhiều doanh nghiệp áp dụng chính sách phòng thủ cùng quan điểm cho rằng những gián đoạn đến từ Covid-19 sẽ dần biến mất trong thời gian tới.

Tại thị trường Việt Nam, có tới 61% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát đã nhận thấy những thay đổi về hành vi cũng như động lực mua sắm của khách hàng kể từ đầu năm nay. 

Trong khi đó, có 22% doanh nghiệp cho biết chưa thấy bất kỳ thay đổi nào, 16% vẫn không chắc chắn về những thay đổi liên quan đến nhu cầu của khách hàng.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu làm quen với nền tảng thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến, các doanh nghiệp nhỏ hơn vẫn lo lắng về chi phí triển khai của các nền tảng số và điều chỉnh hoạt động để đáp ứng nhu cầu đột ngột gia tăng. 

SAP cho biết, khoảng 20% ​​doanh nghiệp tại Đông Nam Á nhận thấy họ cần phải điều chỉnh các chiến lược về trải nghiệm khách hàng để đáp ứng sự mong đợi và nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng trên các nền tảng.

Chuỗi cung ứng và vận hành cũng là những vấn đề mà các doanh nghiệp đang theo dõi chặt chẽ, với 22% doanh nghiệp cho rằng sẽ có sự thay đổi đáng kể trong tương lai. 

Bên cạnh việc thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng, chuỗi cung ứng đã thay đổi đáng kể khi áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp xúc trong thời gian giãn cách xã hội, dẫn đến việc đình trệ các hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp.

Khi các doanh nghiệp dần dần làm quen với trạng thái kinh tế mới sau đại dịch, những lo lắng và bất ổn về khả năng sống sót và triển vọng tăng trưởng dài hạn đã trở thành mối quan tâm hàng đầu. 

Hơn 80% nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đông Nam Á được khảo sát cho rằng sẽ có những tác động lớn dẫn đến thay đổi đáng kể trong mô hình kinh doanh hoặc hoạt động của họ, trong khi chỉ 1% cho rằng doanh nghiệp vẫn sẽ hoạt động như trước đây về lâu dài.

Tại Việt Nam, có tới 60% doanh nghiệp được khảo sát đã bắt đầu thay đổi chiến lược kinh doanh nhằm đối phó với “thực tế mới” do Covid-19 gây ra. 

Tuy nhiên vẫn còn 40% doanh nghiệp giữ quan điểm “chờ đợi và theo dõi”, với hy vọng mọi thứ sẽ trở lại bình thường như cũ mà chưa có bất kỳ sự chuyển đổi đáng kể nào trong doanh nghiệp.

Bà Rachel Barger, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SAP Đông Nam Á cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến cho nền kinh tế thế giới phải trải qua giai đoạn "tạm dừng” trước khi bắt đầu giai đoạn “hồi phục”. 

Cuộc đua về năng lực cạnh tranh đã tái khởi động và các quốc gia sẵn sàng tăng tốc ngay bây giờ sẽ khiến nhiều đối thủ bị bỏ lại phía sau.

“Đối với các quốc gia và doanh nghiệp vẫn còn chủ quan và thụ động, họ sẽ bị bỏ lại phía sau, và thậm chí sẽ trở nên lạc lõng trong một thế giới mới. Khi các doanh nghiệp tính toán lại chiến lược dài hạn, điều quan trọng là họ phải tránh xa kỳ vọng trở lại trạng thái bình thường như trước đây", bà Rachel Barger nhìn nhận. 

Lãnh đạo SAP cũng cho rằng, trong trạng thái thực tế mới, các doanh nghiệp thông minh có thể "làm nhiều hơn, tốn ít sức hơn", mang lại sự trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc, đồng thời phát minh ra các mô hình kinh doanh và nguồn thu mới.

SAP: Doanh nghiệp chủ quan sẽ bị lạc lõng trong một thế giới mới 1
Bà Rachel Barger, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc SAP Đông Nam Á

Kỷ nguyên số đang phát triển thành một kỷ nguyên "thông minh”, trong đó các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức mới khi các sáng tạo số đang phá vỡ những phương thức kinh doanh truyền thống và hình thành các quy tắc mới trên thương trường. 

Các công ty chiến thắng là những công ty đã dũng cảm chuyển đổi và đổi mới. Điều này càng được khẳng định rõ nét hơn trong thế giới “đột phá số thức” (digitally disruptive) hiện nay, và đại dịch Covid-19 đã góp phần đẩy mạnh xu hướng này.

Khi không thể quay trở lại với trạng thái kinh doanh như trước đây, các lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực đang điều chỉnh những ưu tiên của tổ chức với hướng đến chuyển đổi kinh doanh, tăng cường sự tương tác với khách hàng, nâng cao hiệu quả của các quy trình hoạt động, đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh, và gia tăng khả năng chịu đựng và tái định hình chuỗi cung ứng.

Theo Tập đoàn tư vấn Boston, các doanh nghiệp có hiệu suất cao đồng thời có khả năng giải quyết thành công các cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế lớn đều áp dụng một mô hình tương tự, cho phép họ chiến thắng trong và sau thời kỳ suy thoái trong quá khứ.

Các công ty có hiệu suất cao đã thành công trong việc cải thiện doanh thu và lợi nhuận thông qua những phương pháp chủ động, đồng thời coi thời kỳ suy thoái như một cơ hội để đẩy mạnh công tác chuyển đổi quy mô lớn như chuyển đổi số.

Trước cuộc khủng hoảng Covid-19, công nghệ được ứng dụng chủ yếu với mục đích cắt giảm chi phí và gia tăng năng suất, hướng tới mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. 

Khi doanh nghiệp thích nghi với thực trạng mới do dịch bệnh gây ra, vai trò của công nghệ sẽ phải phát triển. 

Nhờ đó, doanh nghiệp có thể nâng cao khả năng phục hồi nhờ sự nhanh nhạy; tăng trưởng kinh doanh và nâng cao năng suất với sự minh bạch về doanh thu và lợi nhuận; hành động bền vững bằng cách giảm lượng khí thải carbon, giảm thiểu chất thải và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.