Kon Tum đề nghị giảm hơn 54.000ha quy mô khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y

Nguyễn Cảnh - 08:58, 06/09/2021

TheLEADERSau 20 năm thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (quy mô khoảng 70.430ha), tỉnh Kon Tum kiến nghị Chính phủ điều chỉnh giảm quy mô dự án còn 16.000ha.

Kon Tum đề nghị giảm hơn 54.000ha quy mô khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y
UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy mô Khu kinh tế giảm còn 16.000 ha

Cụ thể, quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y được phê duyệt với quy mô 70.438ha (theo Quyết định 225/QĐ-TTg ngày 8/2/2007 của Thủ tướng). 

Các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng đã được lập và phê duyệt đã góp phần tạo điều kiện để thực hiện đầu tư phát triển Khu kinh tế Bờ Y.

Tuy nhiên, sau 20 năm thực hiện, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay một số chỉ tiêu theo quy hoạch không khả thi, các chỉ tiêu cơ bản không còn phù hợp với một số quy hoạch khác. 

Do đó, để thuận lợi trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng... cũng như tránh chồng chéo giữa các quy hoạch của địa phương và quy hoạch khu kinh tế, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy mô khu kinh tế giảm còn 16.000ha, để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm.

Về cơ sở hạ tầng, hạ tầng khu kinh tế chủ yếu được đầu tư từ ngân sách nhà nước và được bố trí cho các công trình thiết yếu như: Giao thông, điện, nước và khu kiểm soát cửa khẩu (từ năm 1999 đến năm 2020, vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho hạ tầng Khu kinh tế là 1.630,8 tỷ đồng) và đầu tư của doanh nghiệp (đường Ngọc Hồi - Dốc Muối đầu tư theo hình thức BOT 18 tỷ đồng). Cơ bản hệ thống hạ tầng bước đầu đáp ứng được nhu cầu giao thông đi lại và các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Liên quan tới kết quả thu hút đầu tư, khu kinh tế Bờ Y hiện có 69 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư do BQL khu kinh tế tiếp nhận, theo dõi và quản lý, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.454 tỷ đồng, vốn thực hiện 581,3 tỷ đồng; diện tích đất khoảng 148ha. 

Trong đó, 35 dự án đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 794 tỷ đồng, vốn thực hiện 409 tỷ đồng; 21 dự án đang triển khai, vốn đầu tư đăng ký 487,8 tỷ đồng, vốn thực hiện 66,3 tỷ đồng; 12 dự án tạm dừng hoạt động, 1 dự án hoàn thành nhưng chưa hoạt động.

Tổng số lao động sử dụng của các dự án đang hoạt động là 1.255 người; doanh thu hoạt động năm 2020 đạt khoảng 1.224 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước khoảng 44,8 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động hơn 6,1 triệu đồng/người/tháng.

Trong khu kinh tế còn có 133 doanh nghiệp, hợp tác xã và khoảng 1.350 hộ kinh doanh hoạt động và một số dự án khác do Sở Kế hoạch và đầu tư tiếp nhận, theo dõi và quản lý.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện đầu tư phát triển khu kinh tế như sau: Quy mô và các mục tiêu về đầu tư phát triển khu kinh tế theo Quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt là rất lớn và trong một thời gian ngắn (đến năm 2025 phát triển thành đô thị loại II vùng biên giới, với hướng phát triển hiện đại, bền vững, môi trường thân thiện, văn minh, gồm các khu đô thị và nhiều khu chức năng…).

Vốn đầu tư hạ tầng Khu kinh tế từ ngân sách nhà nước thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu theo quy hoạch (khoảng 3,9% quy hoạch), do đó việc đầu tư phát triển Khu kinh tế không đạt được mục tiêu đề ra.