Lạm phát có khả năng vượt trần trong nửa cuối năm

Hoài Anh - 17:09, 18/06/2022

TheLEADERDưới áp lực của giá năng lượng tiếp tục tăng cao thời gian tới, lạm phát của Việt Nam được dự báo nhiều khả năng sẽ có lúc vượt qua trần 4% trong nửa sau của năm 2022, nhưng chỉ là tạm thời, theo HSBC.

Bộ phận nghiên cứu toàn cầu HSBC trong phân tích mới nhất nhận định lạm phát tại Việt Nam vẫn tương đối trong tầm kiểm soát, nhưng nhiều khả năng sẽ sớm tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh giá năng lượng tăng lên.

Cụ thể, lạm phát giá năng lượng đã kéo dài một thời gian, và giá vận tải tăng cao kỷ lục, vượt qua lạm phát thực phẩm để trở thành động lực chính thúc đẩy lạm phát toàn phần của Việt Nam.

Bên cạnh giá dầu thế giới tăng, nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt càng khiến tình trạng khan hiếm năng lượng của Việt Nam nghiêm trọng hơn.

Từ tháng 1 năm nay, nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam – lọc hoá dầu Nghi Sơn đã giảm công suất và gần như không hoạt động vào tháng 2, trước khi nâng công suất lên khoảng 80% vào tháng 3. Tình hình này buộc các cơ quan chức năng phải tìm kiếm nguồn thay thế nhằm giảm nhẹ áp lực năng lượng.

Cùng với đó, kể từ 1/4, chính phủ đã cắt giảm thuế bảo vệ môi trường – chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại thuế phí đánh vào nhiên liệu, xuống 2.000 đồng đối với xăng và 700 – 1.000 đồng đối với các loại nhiên liệu khác.

Bất chấp giá năng lượng tăng lên, lạm phát thực phẩm ở mức vừa phải, vốn chiếm tỷ trọng lớn hơn trong rổ CPI, đã giúp kiểm soát mức tăng chung của lạm phát toàn phần tính tới thời điểm này.

So với các nước trong khu vực ASEAN, tình hình ở Việt Nam được đánh giá tốt hơn trong bối cảnh sản xuất thực phẩm chính yếu trong nước tương đối ổn định. Yếu tố này đã khiến HSBC giảm nhẹ mức dự báo lạm phát 2022 của Việt Nam, từ 3,7% trước đó xuống mức 3,5%.

Dù vậy, bộ phận nghiên cứu cũng cảnh báo tình trạng giá năng lượng cao còn kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả nói chung lên, từ đó khiến lạm phát nhiều khả năng sẽ có lúc vượt qua trần 4% trong nửa sau của năm 2022, nhưng chỉ là tạm thời.

Tình hình đó có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2022, trước khi tăng lãi suất ba lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2023, HSBC dự đoán.

Nhiều tổ chức, chuyên gia thời gian qua cũng lưu ý về khả năng lạm phát gia tăng tại Việt Nam trong những tháng tới.

Đơn cử, World Bank (Ngân hàng Thế giới) trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô mới nhất khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên. Rủi ro này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng lạm phát sẽ tăng sát ngưỡng mục tiêu, đạt 3,9% vào thời điểm cuối năm.

Tại diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022 – 2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính”, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, dự báo lạm phát Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4 – 4,5%.

Với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, đặt trong bối cảnh năm 2023 khi lạm phát vẫn ở mức cao ở các nền kinh tế là đối tác quan trọng của Việt Nam, lạm phát trong nước có thể vượt qua ngưỡng 5%.

Ba yếu tố chính tác động đến mức lạm phát trong thời gian tới bao gồm những bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, và nền kinh tế trong nước bước vào giai đoạn phục hồi kéo theo tổng cầu tăng đột biến.

Tại phiên chất vấn bộ trưởng trong kỳ họp Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá Việt Nam hiện tự chủ được lương thực thực phẩm – vốn chiếm 40% rổ hàng hóa tính CPI, nên áp lực lạm phát ít hơn.

Các nước trên thế giới có lạm phát cao, nhưng Việt Nam có độ trễ do tự chủ được tiêu dùng trong nước. Đây cũng là thời điểm vàng để bứt phá phát triển, nếu tận dụng được cơ hội này chắc chắn sẽ bật lên phát triển mạnh mẽ.

Về giải pháp kiểm soát lạm phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, trước hết là các giải pháp về tiền tệ, thu tiền trong lưu thông về, bằng các biện pháp về lãi suất và phát hành công cụ khác.

Về tài khóa, cần thực hiện chính sách tài khóa vừa giảm thuế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiết kiệm chi đầu tư, chi thường xuyên; quản lý chặt giá cả.

Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Trước tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược cần được theo dõi cụ thể, trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó.