Làm thế nào để dệt may Việt hái quả ngọt từ CPTPP?

Nhã Nam - 16:27, 02/05/2019

TheLEADERCPTPP không phải chỉ toàn màu hồng, để có thể tận dụng lợi ích từ hiệp định này, doanh nghiệp dệt may Việt cần nghiên cứu nó thật kỹ.

Làm thế nào để dệt may Việt hái quả ngọt từ CPTPP?
Dệt may Việt Nam lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay, tiếp sau WTO, không chỉ bởi tầm vóc quy mô mà còn về độ sâu cam kết xóa bỏ hàng rào thuế quan, đơn giản hóa các thủ tục, thiết lập các tiêu chuẩn cao để hoạt động kinh doanh và cải thiện thể chế, giúp tăng cường giao thương, phát triển kinh tế bền vững.

Hiệp định này tạo ra một không gian giao thương tự do trong 11 quốc gia, quy mô dân số gần 500 triệu người, tổng GDP vượt 10.000 tỷ USD, quy mô giao dịch thương mại gần 5.000 tỷ USD.

Theo kết quả nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và đầu tư, CPTPP có thể giúp GDP tăng 1,32%, xuất khẩu tăng hơn 4% và nhập khẩu thêm 3,8% đến năm 2035.

Với ưu đãi từ CPTPP, nhiều ngành hàng như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hoá chất, sản phẩm da và nhựa sẽ được hưởng lợi và tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, để được hưởng lợi từ CPTPP, doanh nghiệp Việt cũng gặp không ít khó khăn.

Trong tất cả các mặt hàng, dệt may là một trong số những ngành được nhắc đến nhiều nhất khi phân tích thách thức và cơ hội của CPTPP.

'CPTPP là xương sống của ngành dệt may Việt Nam'

Tại phiên hiến kế doanh nghiệp và CPTPP diễn ra trước phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 sáng nay, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, CPTPP là 'xương sống' của ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, 'xương sống không lôi được cả cơ thể' nếu thiếu nền tảng.

Ông Giang cho rằng quy hoạch ngành này hiện đã lỗi thời và không được ai đả động đến. Vai trò của Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường là rất quan trọng vì nếu không thống nhất, cán cân trong quy hoạch ngành là hiệp định sẽ không mang lại lợi ích. Bởi những nước thành viên như Singapore, Malaysia không phải những nước dệt may.

Hàng dệt may được đánh giá là ngành được CPTPP ‘chăm sóc’ đặc biệt về các quy định trong quy tắc xuất xứ, thông qua việc dành hẳn một chương riêng trong bản nội dung của Hiệp định.

Thường thì với các FTA khác, chỉ cần các doanh nghiệp dệt may Việt làm 1 hoặc 2/3 công đoạn sản xuất ra thành phẩm như tạo xơ, xe sợi - dệt hay hoàn thiện vải – cắt may thì hàng hóa đó đã được công nhận có xuất xứ từ Việt Nam, nhưng với CPTTP, các doanh nghiệp Việt phải tự làm hết cả 3 công đoạn, bắt đầu từ sợi.

Tuy phát triển nhanh trong những năm qua, nhưng dệt may Việt Nam lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. 99% bông được nhập khẩu. Xơ sợi tuy sản xuất được 2,2 triệu tấn, song nhập khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Về vải, Việt Nam phải nhập đến trên 80%, chủ yếu không phải từ các nước CPTPP.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết nếu mua vải trong nước phải mất thêm 10% VAT, trong khi nhập khẩu vải thì lại không mất. Giá của ngành dệt may Việt Nam không tăng giá 5 năm nay nhưng mà chi phí về y tế, xuất khẩu... tăng. Giờ lao động càng ngày bị thắt chặt. Đây là một bài toán rất khó cho doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, các phương thức may và xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang có tỷ lệ CMT (65%); FOB (25%); ODM (9%); OBM (1%). Số liệu này cho thấy, ngành dệt may Việt Nam gần như chỉ tham gia vào khâu cắt may sản phẩm, được đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất. 

Xuất khẩu tuy có tạo ra giá trị gia tăng cao nhưng chỉ thực sự cao khi tự thiết kế, sản xuất và bán, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gia công. Ở sân chơi CPTPP, chúng ta phải gia tăng tỉ lệ FOB trong xuất khẩu.

Làm sao để dệt may Việt hái quả ngọt từ CPTPP?
CPTPP tạo ra một không gian giao thương tự do trong 11 quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, trong 18 năm vừa qua ngành dệt may đạt tốc độ phát triển 15%. Đối với doanh nghiệp, nhiệm vụ sống còn là phải tăng giá trị, phải có vải, chứ không thể mãi dừng lại ở bước gia công.

Theo ông Tuấn, nếu không có CPTPP thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không thể vào Việt Nam vì quy mô dệt may của Trung Quốc quá lớn. Nhưng hiệp định này, vừa là thách thức, vừa là cơ hội.

Vì vậy, nhà đầu tư trong nước cần làm chủ tình hình. Bởi hiện nay, ngành dệt may tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 70%. Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ tạo công ăn việc làm, thúc đẩy giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn.

"Chúng ta cần quy hoạch cụ thể, cần đất, nhà máy công suất lớn tại các vùng miền. Chúng ta cũng cần thống nhất từ Trung ương tới địa phương các thủ tục pháp lý cho đầu tư, thúc đẩy đầu tư. Ban hành chính sách cụ thể, thống nhất xử lý nước thải, chất thải rắn. Bộ Công thương cần hỗ trợ kéo sợi, nhà phát triển khu công nghiệp đầu tư nước thải....", ông Tuấn cho biết.

Đặc biệt, ông Vũ Đức Giang cho biết, ngành dệt may đang thiếu trầm trọng lực lượng kỹ sư ngành hoá nhuộm. Đây là vấn đề sống còn, nếu không có đội ngũ kỹ sư ngành hoá nhuộm thì ngành dệt may nói chung không có điều kiện phát triển.

Rõ ràng, CPTPP không phải chỉ toàn màu hồng, để có thể tận dụng lợi ích từ hiệp định này, doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu nó thật kỹ. 

Hoá giải những lo lắng của ngành dệt may

Để ngành dệt may Việt Nam tận dụng được cơ hội từ CPTPP, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra ba kiến nghị. Thứ nhất, xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035-2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm.

Thứ hai, Bộ Công thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may da giày.

Thứ ba, cần sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý nhưng khi triển khai hiệp định các cơ quan quản lý, địa phương cần thực sự thấm nhuần để ngành phát triển bền vững.

Ngoài ra, nhằm hoá giải những lo lắng của ngành dệt may, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, CPTPP đưa ra quy tắc xuất xứ chặt nhưng về lâu dài lại gia tăng giá trị nội địa cho hàng xuất khẩu.

Theo ông Khánh, trong thời gian dài Việt Nam phải đi nhập khẩu sợi, vải. Ngành dệt may xuất khẩu nhiều nhưng chưa đủ lớn đầu tư vào dệt, cần vài trăm triệu USD. Nếu đầu tư như thế mà không có đầu ra, không bán được vải thì sẽ phá sản. Đây là khó khăn lớn.

“Việt Nam cần thị trường lớn để các nhà đầu tư nhìn ra tiềm năng. Cần có mối liên hệ với những người mua hàng ở nước ngoài để họ chỉ định mua hàng của chúng ta", ông Khánh nhận định.

Thêm nữa, Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, thị trường lớn sắp tới của ngành là Liên minh châu Âu. Nếu có được hiệp định từ Liên minh châu Âu, không cần Nhà nước khuyến khích, ngành dệt may vẫn sẽ nhận được những sự đầu tư lớn từ tư nhân.