Lo Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi làm mất sức cạnh tranh

Kiều Mai - 15:43, 02/04/2024

TheLEADERNhiều doanh nghiệp lo ngại một số điều chỉnh trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ làm giảm sức cạnh tranh trong khu vực chế xuất và xuất khẩu dịch vụ.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong kỳ họp sắp tới.

Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý là bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với nhiều dịch vụ xuất khẩu.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ sự lo ngại nghiêm trọng về quy định bãi bỏ áp dụng mức thuế GTGT 0% đối với dịch vụ tiêu dùng trong khu phi thuế quan (điểm a khoản 1 Điều 9).

Việc áp thuế cao hơn được đánh giá sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư chuyên xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

“Các khu chế xuất, các công ty chuyên xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức bởi sức cạnh tranh đầu ra là giá cả bị ảnh hưởng. Nếu sản phẩm ở Việt Nam đắt hơn thì doanh nghiệp không cạnh tranh được nữa”, ông phân tích.

Bên cạnh đó, không chỉ các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu mà còn cả những doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ, đang cung cấp dịch vụ cho những công ty này cũng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, cả luật hiện hành và dự thảo sửa đổi đều không có quy định về việc hoàn thuế GTGT đối với dịch vụ này. Do đó, không tránh khỏi việc gia tăng gánh nặng lớn cho doanh nghiệp chế xuất vì gánh nặng thuế GTGT.

Do đó, đại diện KoCham kiến nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành là áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ được tiêu dùng trong khu phi thuế quan.

Lo Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi làm mất sức cạnh tranh
Tăng thuế GTGT theo dự thảo sẽ giảm sức cạnh tranh cho cả chuỗi cung ứng của Việt Nam. Ảnh: HA

Không chỉ có các doanh nghiệp Hàn Quốc, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng mong muốn mức thuế này được giữ nguyên như hiện nay.

Cụ thể, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) nhấn mạnh, doanh nghiệp chế xuất đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu sản phẩm.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường chuỗi cung ứng, Việt Nam cần duy trì các điều kiện cạnh tranh cho doanh nghiệp chế xuất và các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đang được xem xét áp thuế GTGT đối với hầu hết dịch vụ dành cho doanh nghiệp chế xuất và dịch vụ cho các tập đoàn nước ngoài.

Điều này có thể dẫn đến lo ngại về sự suy giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp chế xuất và xuất khẩu dịch vụ.

“Chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ sửa đổi để các dịch vụ dành cho doanh nghiệp chế xuất hoặc các tập đoàn nước ngoài sẽ được hưởng thuế GTGT 0% bất kể nơi tiêu thụ”, JCCI khuyến nghị tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây.

Ở góc độ chuyên gia, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết thêm, dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đã giới hạn phạm vi và chỉ liệt kê một số loại hình dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế GTGT 0% là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Những dịch vụ này bao gồm dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; dịch vụ vận tải quốc tế; dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế.

Ông đánh giá, việc giới hạn phạm vi nêu trên đồng thời làm thay đổi chính sách quản lý thuế GTGT và hải quan đối với doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ cho nước ngoài (bao gồm trường hợp dịch vụ gắn với hàng hóa xuất khẩu) và cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất trong khu phi thuế quan.

Theo đó, thuế suất thuế GTGT cho các trường hợp này tăng từ 0% đối với dịch vụ xuất khẩu thành 5 – 10% như dịch vụ kinh doanh thông thường.

Điều này đồng nghĩa rằng, doanh nghiệp nội địa sẽ phát sinh thêm thuế GTGT phải nộp đối với hoạt động cung ứng dịch vụ ra nước ngoài và/hoặc cho doanh nghiệp chế xuất.

Đồng thời, doanh nghiệp chế xuất phải ghi nhận thuế GTGT đầu vào phát sinh vào chi phí trong kỳ, làm tăng giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.

Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh cho cả chuỗi cung ứng của Việt Nam vì sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp chế xuất thường được xuất khẩu ra nước ngoài.

Với thực tiễn đã áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% cho dịch vụ xuất khẩu nhiều năm nay, việc thay đổi có thể cũng làm ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, tác động trực tiếp đến chi phí và vận hành của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế còn đang dự đoán có nhiều khó khăn như hiện nay.

Với những vướng mắc như vậy, ông Tuấn kiến nghị cần xem xét thận trọng để điều chỉnh quy định phù hợp tại dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, đảm bảo hài hòa từ cả góc độ quản lý thuế và chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.