Nhiều doanh nghiệp viễn thông đang phải chịu cảnh "một cổ, hai tròng" với gánh nặng thuế phí trong bối cảnh kinh doanh đầy thử thách.
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 vừa được tổ chức tại Hà Nội, khá nhiều thách thức được đặt ra đối với doanh nghiệp viễn thông trước cơ hội bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguy cơ tụt hậu nếu không chịu thay đổi
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC
"Hiện Nhà nước đã có chủ trương Việt Nam mạnh về công nghệ thông tin, bằng công nghệ thông tin và coi công nghệ thông tin như một phương thức phát triển mới, tuy nhiên, chúng ta không thể thực hiện được các mục tiêu này nếu vẫn còn những rào cản như hiện nay.
Chúng ta sống trong thế kỷ 21, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến mọi mặt của đời sống. Năm 2016, kinh tế số có trị giá 3.000 tỷ USD chiếm 3,8% nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế số có mức tăng trường 17%/năm. Hiện đang có 8 tỷ thiết bị thông minh được kết nối, dự báo đến năm 2020 là 50 tỷ thiết bị thông minh được kết nối, gấp 5 lần dân số thế giới.
Năm 2006, thương mại điện tử đóng góp 900 triệu USD cho nền kinh tế Việt Nam, ước đạt 5 tỷ USD vào năm 2020, tăng 54%/năm. 60 triệu người Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh.
Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước thách thức không hề nhỏ, nếu quốc gia, doanh nghiệp không chịu thay đổi, chúng ta sẽ tụt hậu và bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ. Trong đó, thách thức lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa có cơ chế chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp mới theo các mô hình kinh doanh mới, chưa thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh tế số.
Do đó, để đẩy mạnh các yếu tố số trong hoạt động xã hội, kinh tế, nhà nước cần có chính sách hạn chế sử dụng tiền mặt, hỗ trợ thương mại điện tử phát triển, từng bước chấp nhận hợp đồng điện tử, yêu cầu đẩy mạnh sử dụng chữ ký số, tạo hạ tầng thanh toán mạnh cho các giao dịch điện tử.
Các doanh nghiệp và các tổ chức đẩy mạnh tin học hóa, số hóa các hoạt động và phải có các văn bản quy phạm chuẩn về lĩnh vực này. Đặc biệt, cần có lộ trình cụ thể với các mốc theo các giai đoạn, các mức độ, cấp bậc của dịch vụ công trực tuyến và dành ngân sách thỏa đáng cho các chương trình này.
Về nguồn lực cho phát triển kinh tế số, cần tăng chỉ tiêu đào tạo sinh viên ICT và ạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp số được phát triển tại Việt Nam. Nhà nước cần có chính sách thuế ưu đãi với ngành phần mềm, với các khu công nghệ cao, các công viên phần mềm mà doanh nghiệp phần mềm triển khai hoạt động tại đó. Quan trọng nhất là phải tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi tiếp cận các dự án ICT trong lĩnh vực sử dụng vốn nhà nước".
Băn khoăn gánh nặng thuế phí
Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT
"Nghị quyết 36a của Chính phủ mới đây được ban hành có câu rất tường minh là: “Bộ Thông tin truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông có vốn Nhà nước là chủ đạo để thực hiện”.
Trong đó, trong lĩnh vực công nghệ chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, rõ ràng là không công bằng đối với các doanh nghiệp tư nhân.
Về thuế dịch vụ và thu công ích, hiện nay doanh nghiệp viễn thông phải đóng hai loại phí vào ngân sách là phí thương quyền 0,5% trên tổng doanh thu và phí viễn thông công ích 1,5% doanh thu. Do đó, doanh nghiệp phải chịu “một cổ hai tròng”, quá sức với doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực công ích, các doanh nghiệp sau khi đóng đầy đủ các loại thuế và phí theo quy định, thì phí công ích phải là sự tự nguyện. Trong khi hiện nay, doanh nghiệp đang cần rất rất nhiều vốn cần đầu tư, đáng lẽ doanh nghiệp phải được hỗ trợ, được khuyến khích thì lại bị “đè” ra để nộp thuế 2%".
"Không có gì tồn tại mãi mà không điều chỉnh"
Trả lời kiến nghị của ông Bùi Quang Ngọc, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, về Nghị định 36a của Chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân vẫn hoàn toàn được tham gia vào các lĩnh vực đầu tư.
Nếu có vướng mắc, các doanh nghiệp có thể cùng ngồi với cơ quan quản lý Nhà nước để cùng thảo luận trước khi đưa ra những kiến nghị để sửa đổi những điều khoản chưa hợp lý trong nghị định.
Về lĩnh vực thu phí công ích, ngành viễn thông đạt được nhiều thành tựu như hiện nay là nhờ những đóng góp của quỹ công ích. Qua đó, lấy nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng của các vùng sâu vùng xa, rút ngắn khoảng cách giữa thành phố và vùng kinh tế nông thôn còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, không có gì tồn tại mãi mà không điều chỉnh, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Bộ Thông tin và truyền thông đã khiến nghị thủ tướng cho phép giảm phí công ích từ 3% xuống còn 1,5% như hiện nay và tới đây sẽ điều chỉnh xuống còn 0,7 %, để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Song, phí này là không thể bỏ vì mục đích phát triển lâu dài của đất nước, ông Hưng cho biết.
Đại diện Bộ Thông tin và truyền thông cũng cho biết, hiện Bộ Thông tin và truyền thông đang cùng các đơn vị liên quan phối hợp với Nhà nước xây dựng bộ tiêu chuẩn thành phố thông minh cho phù hợp với tình hình Việt Nam.
Trong đó, các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích tham gia vào xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh vì mục tiêu phát triển kinh tế, bắt kịp cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Việc số hóa sản xuất và cung cấp dịch vụ chắc chắn sẽ có các hệ quả bao rộng đối với cách chúng ta làm việc trên toàn cầu và Việt Nam cũng không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi các hệ quả của cuộc cách mạng này, theo báo cáo của Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017.
Mục tiêu giải ngân đầu tư công năm nay vẫn trên 95% kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ đưa ra sáu giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy mạnh giải ngân vào cuối năm.
WinMart triển khai loạt hoạt động mừng sinh nhật 10 tuổi khởi động bằng chương trình khuyến mại “10 năm gắn kết - Trọn vẹn tin yêu” trên toàn hệ thống.
Không chỉ đồng hành cùng chính quyền tỉnh Hà Nam trong công cuộc phát triển kinh tế, Tân Hiệp Phát còn thường xuyên phối hợp cùng địa phương triển khai các hoạt động chăm sóc cộng đồng, đặc biệt các chương trình khuyến học khuyến tài.