Tiêu điểm
Lời cảnh tỉnh cho giới đầu tư blockchain
Blockchain về bản chất như một con dao. Nếu dùng đúng có thể nấu ra món ăn thơm ngon mà cả đầu bếp lẫn người thưởng thức đều hạnh phúc. Ngược lại, con dao đó có thể trở thành một loại vũ khí gây hại cho nhiều người.
Bài học từ những lần ‘đứt tay’
“Blockchain là một trò lừa đảo, toàn scam, lừa thiên hạ, lùa gà, đầu cơ…”, chắc hẳn những ai từng tìm hiểu về blockchain cũng đã từng nghe qua câu nói tương tự thế này. Một phần nào đó, tôi cảm thông được với những người này sau những trải nghiệm thất bại đau đớn.
Năm 2021, khi thị trường gamefi (trò chơi điện tử kèm theo yếu tố tài chính) nổi như cồn, nhiều dự án mọc lên rất nhanh và tâm lý thị trường đều tập trung ở đây, dòng tiền đổ về rất nhiều và được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng. Tôi cũng như nhiều người đã tham gia đầu tư vào một số dự án với hy vọng kiếm lời.
Với vốn hiểu biết ít ỏi khi mới tham gia vào thị trường, cộng với tâm lý FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) và sự tham lam của bản thân, tôi đã không tìm hiểu kĩ về những dự án blockchain mà xuống tiền một cách nhanh chóng. Tôi không xem xét kĩ về uy tín của đội ngũ nhà sáng lập, chất lượng dự án và nhiều yếu tố khác.
Thiếu kinh nghiệm thẩm định dự án, thiếu kiến thức và các phương pháp thẩm định, tôi ra quyết định chỉ đơn thuần dựa trên cảm tính và tâm lý muốn làm giàu nhanh. Hậu quả là rơi vào các bẫy dự án scam, lừa đảo. Trang web của dự án không còn vào được, các đồng token không thể bán ra và thậm chí bị mất thanh khoản, đội ngũ nhà sáng lập biến mất.
Số dự án lừa đảo trong cộng đồng blockchain không hề ít và đa số các dự án lừa đảo thành công vì đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư. Các hình thức lừa đảo thì muôn hình vạn trạng, trong đó có ba cách thức phổ biến.
Một là Phishing. Đây là hình thức kẻ tấn công sẽ giả mạo thành một đơn vị uy tín để dụ người dùng vào trang web giả nhằm dụ người dùng cung cấp thông tin cá nhân. Thông thường, mục tiêu sẽ nhắm vào lấy 12 seed phrase (ký tự dùng để truy cập ví tiền điện tử) của người dùng. Bên lừa đảo sẽ gửi cho người dùng đường dẫn vào một trang web và yêu cầu nhập 12 seed phrase để được hỗ trợ về mặt kĩ thuật. Một khi đã bị lọt thông tin ra ngoài, tài khoản trong ví ngay lập tức sẽ bị lấy hết.
Hai là Rug pull. Đây là hình thức một dự án được lập ra và được đẩy truyền thông rất mạnh, khiến cộng đồng bị cuốn theo và bỏ tiền vào đầu tư dự án.
Nhưng ngay khi chủ dự án đã gom đủ tiền, họ sẽ biến mất, lấy hết tiền trong dự án theo và nhà đầu tư không kịp trở tay cũng như không biết được chủ đầu tư là ai, ở đâu để đòi tiền hay kiện tụng.
Ba là một bên thứ ba yêu cầu cấp quyền cho phép họ truy cập ví điện tử. Khi được cấp quyền truy cập, bên lừa đảo có sẵn những dòng mã để chuyển toàn bộ tài sản sang một ví khác chỉ trong vài giây.
Dùng “dao” đúng cách
Nếu blockchain xấu xí đến như vậy thì tại sao thế giới và ở Việt Nam, rất nhiều dự án vẫn phát triển, nhiều sự kiện mang tầm quốc tế, các cuộc thi kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài vẫn diễn ra mà không bị thế giới quay lưng? Những tranh cãi luôn nổ ra khi một thứ mới xuất hiện, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo hay gần đây là vũ trụ ảo (metaverse).
Câu trả lời rất đơn giản, vì bản chất blockchain là một giao thức, một sản phẩm công nghệ và bản thân nó vô hại.
Blockchain có thể được ví như một con dao. Tùy vào mục đích của người sử dụng, con dao có thể trở thành công cụ góp phần tạo ra những món ăn vô cùng thơm ngon hoặc trở thành một vũ khí vô cùng nguy hiểm mà ai cũng e sợ.
Nhìn ở mặt tích cực, trên thế giới đã và đang có rất nhiều dự án ứng dụng blockchain thành công, góp phần tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và xã hội. Ví dụ điển hình có thể kế đến mô hình tài chính phi tập trung (Decentralized Finance) giúp chuyển tiền trực tiếp ở mọi phạm vi địa lý trong thời gian rất ngắn mà không cần bên thứ ba nhờ vào công nghệ blockchain.
Xét về ứng dụng blockchain với các ngành nghề trong nước, tôi nghĩ ngay đến ngành nông nghiệp nước nhà. Với tính không thể thay đổi và khả năng truy xuất nguồn gốc, blockchain sẽ giúp nâng tầm giá trị sản phẩm, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, xuất nhập khẩu.
Chẳng hạn, startup Drinkizz của doanh nhân Tyna Huỳnh (Huỳnh Đinh Hà Giang) ứng dụng công nghệ số hóa dữ liệu và blockchain để minh bạch tất cả dữ liệu qua mô hình “từ trang trại hữu cơ đến lon thông minh”.
Với mã QR trên vỏ lon O.N.E, Drinkizz trở thành một sản phẩm thông minh khi chỉ bằng một thao tác quét đơn giản trên điện thoại, khách hàng có thể truy xuất toàn bộ dữ liệu liên quan đến sản phẩm, từ nguồn gốc của các nguyên liệu hữu cơ, quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm, hương vị thức uống, cho đến các thông số dinh dưỡng cho cơ thể, quy trình quản lý, tái chế rác thải của Drinkizz.
Học cách sử dụng ‘dao’
Những lần tiếp xúc với những người muốn ứng dụng blockchain vào doanh nghiệp, tôi nhận thấy họ rất hứng thú với những lợi ích mà blockchain có thể mang lại như: nâng tầm thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệp khách hàng tốt hơn….
Tuy nhiên, khi bàn đến kế hoạch triển khai, hầu hết ý tưởng họ chia sẻ chỉ nằm trên giấy mà không triển khai. Lý do là bản thân các doanh nghiệp thiếu một vị trí đủ kiến thức và am hiểu về blockchain để có thể phối hợp với đơn vị triển khai công nghệ blockchain và đào tạo lại cho đội ngũ để sử dụng quy trình mới.
Vì dự án blockchain sẽ tiếp cận khá sâu vào quy trình, hệ thống nên chủ doanh nghiệp khá e ngại vì quá trình chuyển giao công nghệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động công ty. Cũng vì không có ai ở phía doanh nghiệp có thể tham vấn và chịu trách nhiệm chính cho quá trình này nên rủi ro quá cao để họ chấp nhận.
Đây là một rào cản mà tôi thấy khá giống với các dự án triển khai ERP vào trong doanh nghiệp đã xuất hiện trước đây. Có một thời gian mà đi đâu cũng nghe thấy hệ thống ERP và các doanh nghiệp đua nhau áp dụng triển khai hệ thống ERP nhưng rất nhiều dự án triển khai không thành công, cũng vì bản thân doanh nghiệp thiếu một vị trí đủ kiến thức để am hiểu và vận hành hệ thống ERP. Đây là thách thức lớn để mang blockchain lại gần với các doanh nghiệp, nhưng đây cũng là một cơ hội lớn cho những đơn vị thi công dự án blockchain.
Để có thể đánh giá blockchain một cách khách quan hơn và bảo vệ bản thân khỏi những dự án lừa đảo có sử dụng công nghệ blockchain, đồng thời có thể tham gia vào các dự án blockchain đầy nhiệt huyết và mang lại những giá trị thiết thực cho xã hội, con đường trước tiên và duy nhất chỉ có thể là học hỏi.
Đó có lẽ là bài học đầu tiên mà tôi rút ra được, nhưng khá đắt vì phải đánh đổi bằng rất nhiều tiền. Tôi đã từng bực bản thân, từng nghĩ blockchain chỉ là một trò lừa đảo. Nhưng đâu đó, tôi vẫn biết về những giá trị thực tế mang lại từ các dự án blockchain.
Mông lung giữa những nguồn thông tin khác nhau, tôi quyết định phải học và hiểu đủ sâu về công nghệ blockchain và các ứng dụng của nó để từ đó có thể đưa ra được những nhận định khách quan mà không bị lệ thuộc vào một bên nào khác.
Trong thế giới phẳng cùng sự phổ biến của công nghệ, nguồn tri thức và bài học kinh nghiệm được chia sẻ cho tất cả mọi người, từ youtube, sách, podcast, web, đồng nghiệp và cộng đồng. Người có năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh sẽ tiếp cận được lượng kiến thức khổng lồ hơn.
Ngoài ra, tôi còn tham gia các sự kiện blockchain trực tiếp lẫn trực tuyến, giao lưu với các dự án, đội ngũ, nhà đầu tư. Đồng thời, tôi còn dấn thân sâu hơn khi cùng các đồng nghiệp xây dựng các dự án blockchain. Chỉ có ‘skin in the game’ (tạm dịch: dấn thân) mới thật sự cho tôi góc nhìn sâu sát. Cộng với các kênh thông tin ở ngoài, tôi sẽ có được một cái nhìn đa chiều về blockchain và tự đưa ra đánh giá của bản thân cho các dự án blockchain đã, đang hay sắp ra mắt thị trường.
Hiện tại, tôi cũng đang tham gia xây dựng cộng đồng OffChain Sài Gòn có kết nối với cộng đồng OffChain ở 52 thành phố trên khắp thế giới. Chúng tôi đặt mục tiêu giúp các quỹ đầu tư, các dự án, cộng đồng ở nước ngoài có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu trao đổi với các dự án blockchain ở Việt Nam và từ đó hình thành nên những mối quan hệ hợp tác thương mại, mang các dự án blockchain này ra tầm quốc tế.
CEO Binance: Blockchain sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế số
Sẽ có nhiều Kỳ lân Việt Nam sinh ra từ blockchain, metaverse
Chủ tịch FPT đánh giá, Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á phát triển thị trường blockchain, metaverse tiềm năng một cách rất hiệu quả, tạo ra một niềm đam mê trong việc phát triển dự án.
Việt Nam đang khát nguồn nhân sự blockchain
Việt Nam đang được nhìn nhận như một điểm nóng của ngành blockchain, tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề thách thức đối với các doanh nghiệp làm về lĩnh vực này.
Blockchain Việt Nam lọt vào mắt xanh của các quỹ đầu tư
Năm 2021 đánh dấu sự thành công của ngành blockchain toàn cầu nói chung khi lượng vốn kỷ lục đổ vào thị trường. Con số 25 tỷ USD, tăng gần 700 % so với 2020 đã chứng minh sức hút của blockchain đối với giới đầu tư, trong khi đó nhiều doanh nghiệp và các quỹ trong nước cũng không đứng ngoài cuộc chơi.
Liệu có thể ứng dụng blockchain vào nền kinh tế truyền thống?
Blockchain xuất hiện khá sớm ở nước ta, nhiều dự án của người Việt phát hành thậm chí tạo được tiếng vang trên toàn cầu. Tuy nhiên việc ứng dụng blockchain vào nền kinh tế truyền thống vẫn đang còn khá chậm.
Tập đoàn Sanofi nỗ lực đẩy lùi bệnh cúm mùa
Tập đoàn Sanofi đã tổ chức chuỗi hội thảo khoa học nhằm nâng cao nhận thức về bệnh cúm và giải pháp tiêm ngừa.
Công nghệ số giải bài toán chuyển đổi xanh
Công nghệ số được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp thúc đẩy hiệu quả các giải pháp chuyển đổi xanh.
Phát triển bền vững có tính kế thừa giữa các 'ông chủ' doanh nghiệp
Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.
Doanh nghiệp nhà nước phải vận hành theo cơ chế thị trường
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Kotler Award Việt Nam 2024 vinh danh nhà tiếp thị xuất sắc
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia tiếp thị, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc.
Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.