Lực đẩy cho bất động sản ‘thành phố Thủ Đức’

Hà Linh - 11:29, 15/10/2020

TheLEADERViệc thành lập "thành phố Thủ Đức” trên cơ sở sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức được đánh giá là cú hích khiến thị trường bất động sản khu vực này càng hấp dẫn hơn.

Lực đẩy cho bất động sản ‘thành phố Thủ Đức’
Giá bán các dự án chung cư mới ở phía Đông TP. HCM đã tăng mạnh

Theo phương án đang được chính quyền TP. HCM hoàn thiện, "thành phố Thủ Đức” sẽ được thành lập trên cơ sở sắp xếp ba quận phía Đông là Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức với tổng diện tích hơn 211km, dân số hơn một triệu người. Phương án này đã chính thức được thông qua tại kỳ họp thứ 21 của HĐND TP. HCM khóa IX thông qua ngày 12/10.

Giá bất động sản tăng mạnh

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thành lập ‘thành phố Thủ Đức’ đang là lực đẩy để bất động sản tại khu Đông TP. HCM tiếp tục tăng trưởng. 

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 khiến giao dịch trên thị trường chậm lại nhưng giá bất động sản ở khu vực này vẫn tăng từ đầu năm đến nay. Không chỉ các dự án hiện hữu, nhiều dự án đang triển khai cũng bắt đầu đưa ra mặt bằng giá bán mới cao hơn so với giai đoạn trước đó.

Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, giai đoạn từ quý I/2017 đến hết quý IV/2019, giá căn hộ được chào bán tại ba quận phía Đông tăng mạnh nhất thị trường TP. HCM, đặc biệt ở dòng sản phẩm chung cư cao cấp. Nếu quý I/2017, giá bán căn hộ trung bình tại khu vực này vào khoảng 29 triệu đồng/m2 thì con số này tăng lên 38 triệu đồng/m2 vào quý IV/2018 và tiệm cận 41 triệu đồng/m2 vào quý cuối năm 2019. Theo đó, giá bán căn hộ bình quân tăng gần 45% trong ba năm.

Tại Quận 9, một dự án biệt thự và nhà vườn đang được chủ đầu tư chào bán từ 45 triệu đồng/m2 và sau khi có thông tin về việc thành lập thành phố Thủ Đức dự án này ghi nhận lượng khách cao gấp ba lần so với trước đó. Ngoài ra, nhiều căn hộ hiện hữu có giá khởi điểm 30-35 triệu đồng/m2 ở năm 2019 hiện đã leo lên 37-40 triệu đồng/m2. Giá chung cư thứ cấp trên các tuyến Đồng Văn Cống, Xa Lộ Hà Nội cũng có xu hướng tăng lên 300 -400 triệu đồng/căn so với đầu năm 2019.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam dự báo, các dự án sắp được ra mắt vẫn tập trung ở khu Đông và khu vực này tiếp tục dẫn dắt thị trường. Lý do chính xuất phát từ vị trí đặc biệt của khu Đông, nơi cửa ngõ nối thành phố với các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đô thị TP. HCM. Đồng thời, khu Đông được định hướng quy hoạch là khu đô thị sáng tạo. Ngoài ra, một yếu tố khác kích thích thị trường khu Đông là sự tập trung đầu tư bài bản, chất lượng… của các chủ đầu tư lớn trong và ngoài nước.

“Đề án thành phố Thủ Đức được thông qua đang tác động giúp thị trường bất động sản khu vực này nóng lên. Nhiều chủ đầu tư tận dụng thông tin trên làm lợi thế gia tăng quảng cáo, thu hút người mua, nhiều dự án thuộc khu vực nhờ vậy cũng tranh thủ đẩy mặt bằng giá lên một mức mới. Trên thực tế, ba quận 2, 9 và Thủ Đức thời gian qua vốn đã có nhiều dự án trọng điểm ra đời, việc xây dựng thành phố mới sắp tới được xem là cú bồi thêm giúp giới đầu tư kỳ vọng giá bất động sẽ tăng vọt”, ông Hoàng nói.

Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc EXIMRS nhận định, đây là phản ứng bình thường của thị trường trước một thông tin tích cực. Theo bà Tú, khi có đề án thành lập thành phố Thủ Đức, một mô hình đô thị mới sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố rất lớn. Do đó, nhà đầu tư nào cũng sẽ kỳ vọng giá bất động sản tăng lên.

“Tuy nhiên, quan trọng là nhà đầu tư có chọn được sản phẩm phù hợp với khả năng của mình để sinh lợi hay không. Giá tăng càng nhiều càng có lợi cho nhà đầu tư cũ nhưng vẫn còn cơ hội cho nhà đầu tư mới tham gia”, bà Tú phân tích.

Hạ tầng kích giá bất động sản

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, "thành phố Thủ Đức" tương lai chính là khu vực năng động nhất ở cửa ngõ phía Đông của TP. HCM. Không chỉ nhờ vị trí thuận lợi mà còn được Nhà nước và các địa phương đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ từ cảng biển nước sâu, sân bay, hệ thống đường cao tốc, đường vành đai, các khu công nghiệp lớn trong vùng…

Khu vực này cũng đã và đang được đầu tư về hạ tầng, dịch vụ, TP. HCM cũng sẽ chuyển hướng về đây những lĩnh vực công nghệ cao, mang tính thân thiện môi trường, do đó tiềm năng phát triển sẽ là rất lớn.

Với thế mạnh về vị trí và cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bài bản từ nhiều năm qua, khu Đông đang tập trung và thu hút hàng loạt chủ đầu tư bất động sản lớn với những đô thị đã, đang được triển khai quy mô, số lượng vượt trội so với các khu vực khác. Hàng loạt nhà đầu tư bất động sản lớn, uy tín đã và đang đầu tư dự án ở khu vực này như Vingroup, Khang Điền, Nam Long, Novaland, Hưng Thịnh, Phúc Đạt, Thăng Long Real và Kiến Á.

Với vị trí là cửa ngõ phía đông của TP. HCM, "thành phố Thủ Đức" có được rất nhiều lợi thế vốn có về hạ tầng giao thông kết nối trực tiếp với các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Nơi đây cũng được kết nối hệ thống hạ tầng đồng bộ như tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, Cao tốc Long Thành - Dầu Giây, các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 1, Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng…

Đây cũng là vùng kinh tế năng động, phát triển nhất cả nước với hàng trăm khu công nghiệp lớn hàng đầu được tập trung về đây. Đồng thời với đó là sự gắn liền với các tuyến hàng hải quốc tế như cửa sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Vải và Cụm cảng biển số V, chiếm hơn 50% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của cả nước.

Ngoài ra, một trong những điểm đặc biệt được các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ là lợi thế rất lớn để "thành phố Thủ Đức" có thể phát triển và đạt được những kỳ vọng với ba trục chủ lực về công nghệ, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính lớn hàng đầu thế giới. Đó là khu công nghệ cao - SHTP (Quận 9) rộng 913ha, hiện đã lấp đầy khoảng 90% với 156 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, tổng vốn đầu tư khoảng 7,1 tỷ USD. 

Khu vực này còn có Đại học Quốc gia TPHCM với diện tích khoảng 643ha, có hơn 10.000 giảng viên và khoảng 100.000 sinh viên. 

Các trục chủ lực này sẽ tạo nên một "thành phố Thủ Đức" là đô thị thông minh, sáng tạo, có tính tương tác cao.