Mang công nghệ Việt Nam đi mở cõi

Việt Hưng - 10:46, 19/12/2022

TheLEADER"10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số và nhất là từ gia công phần mềm sang Make in Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII đã chính thức coi chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới, có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thực tế, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở rộng mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel về viễn thông đạt 3 tỷ USD; của FPT về công nghệ thông tin và chuyển đổi số đạt 1 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đặt mục tiêu nâng số lượng tài khoản từ các nền tảng số Việt Nam lên ít nhất 50%. Về công nghiệp công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nhằm tạo ra sự cộng hưởng trong nước và đi ra nước ngoài.

Năm 2023, Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi "mở cõi".

"10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số và nhất là từ gia công phần mềm sang Make in Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Mang công nghệ Việt Nam đi mở cõi
Mang công nghệ Việt Nam đi mở cõi

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu, đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân, công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối chia sẻ, là an toàn dữ liệu.

Chia sẻ về những thành quả trong năm vừa qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, ngành TT&TT đã và đang thực hiện mục tiêu kép, đó là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh để vươn ra thế giới.

Năm 2022, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021.

Tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành TT&TT (tính theo đóng góp vào GDP) ước đạt khoảng 648 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động đạt 6,7% so với năm 2021.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.328 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.342 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,33 triệu người dân (tương ứng 6,8% người dùng internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng

Lĩnh vực kinh tế số đóng góp cho GDP năm 2022 ước đạt 14,26%, trong đó, kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,18%. Doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.

Đóng góp vào GDP của lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 34.336 triệu USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.