‘Mở cửa du lịch không chỉ là đứng dậy thật nhanh’

Kiều Mai - 18:43, 23/03/2022

TheLEADERTheo PGS.TS Trần Đình Thiên, mở cửa du lịch không chỉ là thời điểm phục hồi mà còn là cơ hội cho du lịch Việt Nam bứt phá, định vị lại vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.

PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, đánh giá trong hai năm qua kể từ khi Covid-19 xuất hiện, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, như chống dịch hiệu quả khi chưa có vaccine, hay triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, rộng rãi vào giai đoạn sau. Những hành động này đã giúp đưa Việt Nam trở thành một trong những đất nước an toàn nhất vào thời điểm hiện nay.

“Tuy nhiên, hình như chúng ta vẫn chưa đủ quyết liệt cho hành động được chờ đợi”, ông Thiên nhận định tại hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch Việt Nam mới đây.

Theo ông, Việt Nam dường như vẫn còn rụt rè, dò dẫm, chưa có thái độ quyết đoán trong việc mở cửa. Vấn đề quan trọng hiện nay là một lộ trình rõ ràng hơn, chủ động hơn từ phía Chính phủ, các cơ quan quản lý liên quan thay vì bị động dưới áp lực từ phía doanh nghiệp, để tuyên bố với thế giới Việt Nam là đất nước thật sự an toàn, sẵn sàng đón tiếp khách quốc tế.

Sự rõ ràng trong lộ trình còn giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc lên kế hoạch và thực hiện mở cửa.

“Mặc dù tuyên bố 15/3 mở cửa nhưng Việt Nam vẫn cần một chương trình quốc gia được thông báo rõ ràng với một lộ trình được xác định thì mới có hiệu quả cao – điều mà hiện nay chưa đạt đến”.

“Việt Nam hiện nay phải đứng dậy thật nhanh, nhưng điều quan trọng hơn là phải nhìn xa hơn nữa: đứng dậy với vị thế khác”, ông nhấn mạnh.

Theo đó, mở cửa du lịch là cơ hội để Việt Nam có thể bứt phá, tái định vị vị thế trên bản đồ du lịch thế giới, cơ hội để thay đổi cấu trúc du lịch theo hướng đẳng cấp và bền vững hơn.

Để làm được điều này, một trong những giải pháp quan trọng là vấn đề miễn thị thực và thời hạn miễn thị thực – điều hiện nay được đánh giá là số lượng nước được miễn quá ít và thời gian miễn ngắn.

Ông Thiên phân tích: “Mặc dù ngành du lịch hiện nay đang bị áp lực về chi phí dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, có thể đã đầu tư, duy trì nhưng chưa có khách, nhưng chúng ta phải chấp nhận bỏ ra chi phí trước để có hiệu quả về sau. Phải có tầm nhìn xa hơn, thay đổi cách tiếp cận về mặt lợi ích và chi phí bởi lợi ích thu về có thể lớn hơn rất nhiều”.

Chia sẻ đồng quan điểm tại hội thảo mở cửa trở lại hoạt động du lịch tại Việt Nam mới đây, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh việc mở cửa là thông tin rất tốt lành, nhưng phải đi kèm các chính sách cụ thể, chứ không chỉ dừng lại ở việc tuyên bố.

Theo đó, Việt Nam cần có các chính sách rõ ràng, thông thoáng, đơn cử như áp dụng yêu cầu thị thực như thời điểm trước dịch, tiến hành ngay vấn đề hộ chiếu vaccine và đưa đây thành hoạt động chính thức.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết đã gặp nhiều khó khăn khi mặc dù Việt Nam đã có quyết định và lộ trình mở cửa, các cơ quan liên quan lại thiếu thống nhất chi tiết, cụ thể thời gian về các vấn đề quan trọng như visa, thủ tục nhập cảnh, số lần xét nghiệm Covid, cách ly bằng các văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn, cũng như chưa có hành động quyết liệt đồng bộ tại các địa phương.

Tình thế dùng dằng này đẩy doanh nghiệp vào “tiến thoái lưỡng nan”, khó xác định thời điểm cụ thể để thông tin đến các đối tác.

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TienPhong Travel, nhận định 15/3 là thời điểm phù hợp để Việt Nam chuẩn bị đón khách quốc tế, phục vụ khách du lịch một cách an toàn nhất.

Bởi lẽ, Việt Nam đã chuẩn bị đủ mọi điều kiện như độ phủ vaccine, kinh tế ổn định, an ninh quốc phòng tốt, đồng thời đây cũng là thời điểm trước mùa cao điểm du lịch hè. Chính phủ cởi mở, nhưng cũng phải nói thật rằng, khó lòng đón ngay được lượng khách kỳ vọng như những năm 2019 trở về trước, ông chia sẻ.

“Ngành công nghiệp không khói phải phục hồi dần. Khách hàng cũng vậy, họ phải phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện ở nước sở tại, nếu các nước sở tại nới lỏng điều kiện thì họ mới có thể dễ dàng sang Việt Nam”.

Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp du lịch phải luôn trong tâm thế sẵn sàng cho những điều tốt đẹp nhất trong tương lai. Có như vậy, mới đón trọn làn sóng hồi phục hậu Covid-19, ông nhấn mạnh.