Moderna kiện Pfizer vi phạm bằng sáng chế vắc xin Covid-19

Hường Hoàng - 15:31, 21/09/2022

TheLEADERModerna đã kiện đối thủ Pfizer với li do vi phạm bằng sáng chế vắc-xin Covid-19. Năm 2020, Moderna đã cam kết rằng họ sẽ không thực thi các bằng sáng chế của mình khi nhiều công ty đua nhau phát triển vắc xin. Nhưng từ tháng 3 năm nay, họ đã quyết định sửa đổi cam kết này và chính thức kiện Pfizer thời gian gần đây.

Moderna kiện Pfizer vi phạm bằng sáng chế vắc xin Covid-19
Vắc xin điều trị Covid-19 của Moderna (Ảnh: Iryna Veklich/Getty Images)

Tầm quan trọng của bằng sáng chế trong ngành dược phẩm

Khởi nghiệp trong thời kỳ đại dịch năm 2020, Moderna từng là kẻ yếu thế trong cuộc đua sản xuất vắc xin chống Covid. Còn giờ đây, Moderna đã phát triển vượt bậc và có được sự công nhận trên toàn thế giới. Vị thế này cũng được thể hiện mạnh mẽ qua việc Moderna nộp đơn kiện Pfizer vi phạm bằng sáng chế của hãng thời gian gần đây.

Tin tức này đã tạo ra không ít bất ngờ đối với những người ngoài ngành, bởi vào năm 2020, Moderna đã cam kết không thực thi các bằng sáng chế trong thời kỳ đại dịch. Tuy vậy, vào tháng 3 năm 2022, hãng đã sửa đổi cam kết này với nội dung rằng họ sẽ bắt đầu thực thi bằng sáng chế của mình ở những quốc gia có thu nhập cao hơn, trong đó có Hoa Kỳ.

Tuy vậy, những động thái của Moderna lại được những người trong ngành cho là điều bình thường. Phóng viên Peter Loftus của tờ Wall Street Journal, tác giả của cuốn sách nổi tiếng gần đây viết về Moderna mang tên The Messenger: Moderna, the Vaccine, and Business Gamble That Changed the World, cho rằng: “Vụ kiện này chẳng có gì đáng để ngạc nhiên đối với những người theo sát tình hình bằng sáng chế Covid-19 trên thế giới”.

Theo ông Loftus, chi phí kiện tụng về quyền sở hữu trí tuệ trong ngành dược phẩm là một trong những chi phí kinh doanh đáng để đầu tư. Các công ty chỉ có một khoảng thời gian giới hạn để thu lợi từ bằng sáng chế trước khi nó hết hạn, thường là khoảng 20 năm. Một khi bằng sáng chế hết hạn, thuốc gốc (thuốc gốc hay thuốc generic bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự nhau. Thuốc gốc được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của thuốc biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ) với chi phí thấp có thể thổi bay hàng tỷ đô la doanh thu của nhà sản xuất ban đầu, chỉ sau một đêm.

Ví dụ, sau khi bằng sáng chế cho thuốc điều trị cholesterol Lipitor của Pfizer hết hiệu lực, vào năm đầu tiên sau khi thuốc gốc được tung ra thị trường, Pfizer đã mất đi khoản doanh thu 5 tỷ USD. Vì vậy, các nhà sản xuất và phát triển thuốc coi đây là một khoản đầu tư đáng giá để bảo vệ bằng sáng chế để chống lại những thuốc gốc có chi phí thấp, từ đó họ có thể mở rộng độc quyền bán thuốc khi bằng sáng chế của họ còn hiệu lực.

Tuy nhiên, trường hợp này hơi khác một chút ở chỗ Moderna không bảo hộ bằng sáng chế chống lại thuốc gốc, mà là kiện một sản phẩm cạnh tranh ra mắt gần như cùng thời điểm với hãng. Nếu Moderna có thể chứng minh được Pfizer đã sử dụng một phần bằng sáng chế của Moderna để sản xuất vắc-xin, thì việc khởi kiện sẽ giúp Moderna nhận được tiền phí sử dụng sáng chế đối với tất cả những liều vắc-xin của Pfizer bán ra sau tháng 3 năm 2022. Mặc dù tỉ lệ phí sử dụng sáng chế có thể tương đối nhỏ, doanh số vắc-xin của Pfizer từ khoảng thời gian đó vẫn tiếp tục lên đến hàng tỷ đô la.

Ngoài ra, Moderna và hầu hết những công ty dược phẩm khác thấy rằng họ buộc phải nộp đơn kiện vi phạm bằng sáng chế để bảo vệ hoạt động đổi mới sáng tạo của mình, đồng thời ngăn các công ty khác tung ra những sản phẩm vi phạm bằng sáng chế của họ trong tương lai.

Ngoài Moderna, các đối thủ của hãng như Pfizer, BioNTech cũng đã nghiên cứu mRNA trong vài năm gần đây. Nhưng nếu Moderna đã bảo hộ một số bằng sáng chế quan trọng trước thì hãng sẽ có ưu thế hơn từ góc độ pháp lý. Nói chung, trong một vài trường hợp, một số công ty dược phẩm đang sử dụng cùng một loại kĩ thuật, công nghệ để sản xuất thuốc hoặc vắc-xin, và sau đó họ sẽ trả tiền phí sử dụng sáng chế cho công ty hoặc trường đại học nắm giữ bằng sáng chế, trước hoặc sau khi việc kiện tụng hoặc thương lượng xảy ra.

Nhận được hỗ trợ lớn từ chính phủ, Moderna có nên khởi kiện?

Mặc dù phải gánh chịu không ít chỉ trích từ công chúng, với sự tiến bộ vượt bậc trong phát triển công nghệ mRNA những năm qua, Moderna vẫn vững vàng theo đuổi vụ kiện. Và họ tin rằng Pfizer, BioNTech đã dựa trên những tiến bộ này để nghiên cứu và phát triển vắc xin của riêng mình.

Những người chỉ trích Moderna cho rằng Moderna đã được hưởng lợi từ hàng tỷ đô la tài trợ phát triển và các hợp đồng do chính phủ liên bang trao tặng. Hãng đã thu được lợi nhuận khổng lồ được đóng góp trực tiếp từ tiền thuế, do đó một số nhà phê bình cho rằng việc Moderna kiện tụng đòi phí sử dụng sáng chế sau khi đã thu hàng tỷ lợi nhuận là một điều phi lý.

Đáp lại, Moderna cho biết, vụ kiện chống lại Pfizer lần này không liên quan đến bất kỳ quyền bằng sáng chế về vắc xin nào được tạo ra trong quá trình hợp tác của Moderna với Viện Y tế Quốc gia. Tuy vậy, mối quan hệ hợp tác của Moderna với chính phủ cũng đã dẫn đến những tranh chấp khác về bằng sáng chế.

Đầu năm nay, Moderna đã yêu cầu tòa án liên bang bác bỏ đơn kiện bằng sáng chế do một công ty khác, Arubutus, đệ trình. Trong đó tuyên bố vắc xin Covid-19 của Moderna vi phạm bằng sáng chế của Arbutus. Moderna cho biết tòa án nên bác bỏ vụ kiện đó vì Moderna đang hoạt động với vai trò một nhà thầu liên bang trong việc cung cấp vắc xin Covid. Trong đó, luật bằng sáng chế liên bang bảo vệ các nhà thầu chính phủ khỏi một số vụ kiện về bằng sáng chế. Và trường hợp này vẫn đang trong thời gian chờ xử lý.

Từ công ty khởi nghiệp "còi cọc" vươn lên thành ông lớn

Từ một công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học suy yếu, vào năm 2020 nhờ công nghệ mARN, Moderna đã lên đến đỉnh cao ngày hôm nay. Lực lượng lao động của Moderna đã tăng gấp bốn lần, doanh thu và lợi nhuận đạt hàng tỷ đô la. Đây là một sự biến chuyển cực lớn đối với một công ty chưa từng có sản phẩm trên thị trường trước năm 2020. Vào mùa thu này, Moderna đang chuẩn tung ra hàng chục triệu liều thuốc tăng cường Covid đã được phát triển thêm để điều trị biến thể Omicron.

Đã có những lúc các nhà lãnh đạo của Moderna cảm thấy kiệt sức vì đại dịch, đặc biệt là các biến thể mới xuất hiện đã khiến cho công việc sản xuất vắc xin Covid-19 của Moderna vẫn phải tiếp tục. Họ phải liên tục nghiên cứu và phát triển những mũi tiêm vắc-xin tăng cường để phù hợp các với biến thể mới. Tập trung vào vắc xin Covid đồng nghĩa với việc những dự án khác của Moderna như cá nhân hóa vắc-xin ung thư sẽ phải gác lại.

Tuy nhiên, gần đây, lợi nhuận từ việc bán vắc xin Covid-19 cũng đã giúp cho Moderna có thể đầu tư nhiều hơn vào hoạt động R&D, thuê những nhà khoa học mới và mở rộng nghiên cứu của mình. Họ đang phát triển một vài loại thuốc thử nghiệm chống lại các bệnh truyền nhiễm khác, ung thư và các bệnh hiếm gặp. Một trong những dự án tiếp theo sử dụng công nghệ mRNA của Moderna là dự án phát triển mũi tiêm phòng cúm hiệu quả hơn. Nếu nghiên cứu của Moderna thành công, họ sẽ tung sản phẩm này ra thị trường trong khoảng một hoặc hai năm tới.

Hiện tại, Moderna cũng đang phát triển các loại vắc-xin chống lại virus cytemegalovirus (hay còn gọi là CMV) - một loại vi-rút có thể gây dị tật bẩm sinh của những trẻ em được sinh ra bởi những bà mẹ nhiễm bệnh.