'Một nền kinh tế khỏe mạnh thì mua bán doanh nghiệp phải thật sôi động'

Kim Yến - 08:15, 28/09/2018

TheLEADERDoanh nhân Lý Quí Trung cho rằng, trước làn sóng M&A đang diễn ra sôi động ở Việt Nam chúng ta nên nhìn nó với cặp mắt bình tĩnh hơn một chút. Suy cho cùng thì thương hiệu Việt vẫn là thương hiệu Việt bất kể ai đang và sẽ đứng đằng sau, vấn đề là thương hiệu đó có tiếp tục thành công hay không?

'Một nền kinh tế khỏe mạnh thì mua bán doanh nghiệp phải thật sôi động'
Ông Lý Qúi Trung, CEO AKA Furniture Group, nhà sáng lập Phở 24

Khởi nghiệp với số vốn 1 tỷ đồng, ông Lý Quí Trung và những người đồng sáng lập đã đưa thương hiệu Phở 24 trở thành một hình mẫu về nhượng quyền, với chuỗi 60 cửa hàng trong và ngoài nước và trở thành niềm tự hào của người Việt. 

Tiên phong trong mua bán - sáp nhập (M&A), thương vụ Việt Thái Quốc tế mua Phở 24 trị giá nhiều triệu đô la đã để lại nhiều bàn cãi trong giới kinh doanh và đích thân ông Lý Quí Trung đã viết tác phẩm “Bầu trời không chỉ có màu xanh”, để chia sẻ về tâm sự của mình đằng sau thương vụ này. 

Sau 5 năm cùng gia đình sang Úc định cư, tham gia giảng dạy tại Đại học Tây Sydney University và Đại học Griffith, ông đã trở về Việt Nam khởi nghiệp lần thứ hai với vai trò CEO của AKA, một tập đoàn nội thất hàng đầu Việt Nam. 

Là tác giả của nhiều cuốn sách kinh doanh như Chỉ có niềm đam mê, Xây dựng thương hiệu dành cho doanh nghiệp Việt Nam đương đại, Franchise Bí quyết thành công bằng mô hình nhượng quyền kinh doanh… ông đã chia sẻ với TheLEADER về những được mất của thương hiệu Việt sau 30 năm đổi mới và làn sóng M&A dưới góc nhìn mới mẻ hơn

Ông đánh giá thế nào về làn sóng M&A dưới góc nhìn về sức mạnh của doanh nghiệp, của quốc gia sau 30 năm đổi mới?

Ông Lý Quí Trung: Có thể nói sức mạnh kinh tế của một quốc gia thể hiện qua sự thành công của các doanh nghiệp nằm bên trong nền kinh tế đó, quốc gia nào càng có nhiều tập đoàn lớn, thương hiệu lớn thì nền kinh tế quốc gia đó càng vững mạnh. 

Vì đơn giản, các thương hiệu lớn này thường tuyển dụng nhiều hơn, hoạt động hiệu quả hơn và có khả năng cạnh tranh quốc tế hơn, nên đóng góp cho nền kinh tế nhiều hơn. Các thương hiệu lớn ở Hàn Quốc và Nhật đã chứng minh điều đó.

Với Việt Nam, công cuộc đổi mới dù đã 30 năm nhưng vẫn còn rất non trẻ so với nhiều nền kinh tế, kể cả so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, đặc điểm non trẻ này đã tạo nên một số đặc thù mà trong đó có câu chuyện về các thương vụ M&A.

Nhiều người cho rằng làn sóng M&A ở Việt Nam trong thời gian qua có cái gì đó không ổn vì đa số các thương hiệu lớn đều có vẻ như bị lọt vào tay các công ty có vốn chủ sở hữu nước ngoài một phần hay phần lớn. Đó là điều ngoài mong đợi nhưng lại khá logic và phản ảnh tương đối đúng với tình hình thực tế.

Con số 30 năm tuy là dài so với đời người nhưng lại khá ngắn so với đời một nền kinh tế. Với ngần ấy thời gian nền kinh tế Việt Nam gần như chỉ đủ sản xuất ra các thương hiệu, các doanh nhân thuộc loại F1, những người có kỹ năng và niềm đam mê gầy dựng chứ không phải đi thu tóm cơ đồ của người khác. Nói nhẹ nhàng hơn là khả năng mở rộng bờ cõi, khả năng quản trị sự thay đổi, khả năng sáp nhập và tiếp tục phát triển cơ đồ của người khác sau thương vụ.

Cho nên cũng không lấy gì làm lạ khi cái vế “mua” hiện nay tại thị trường M&A của Việt Nam thường thấy các gương mặt có dính dáng quốc tế hơn là nội địa. Nhưng điều này không có nghĩa là mười năm hay hai chục năm nữa các doanh nghiệp Việt sẽ đứng mãi bên cái vế “bán”.

Các thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân Việt mới với đầy đủ thời gian, kinh nghiệm và kỹ năng quản trị mang tầm quốc tế hơn sẽ làm cho cán cân nội - ngoại trong thị trường M&A cân bằng hơn. Lúc đó các doanh nghiệp Việt Nam mặc chiếc áo của người mua không chỉ nhắm đến thị trường trong nước mà còn có khi nhắm đến thị trường ngoài nước, giống như những gì người ta đang đến đây làm với mình. Thế giới phẳng hay không là chỗ này.

Cho nên, trước làn sóng M&A đang diễn ra sôi động ở Việt Nam chúng ta nên nhìn nó với cặp mắt bình tĩnh hơn một chút. Suy cho cùng thì thương hiệu Việt vẫn là thương hiệu Việt bất kể ai đang và sẽ đứng đằng sau, vấn đề là thương hiệu đó có tiếp tục thành công hay không? Có tiếp tục đóng góp cho xã hội và nền kinh tế nước nhà hay không? Có làm rạng danh người Việt hay không? Bao nhiêu thương hiệu khổng lồ làm nên bộ mặt nước Mỹ thực tế đâu phải hoàn toàn sở hữu bởi người Mỹ.

Nhưng làm thế nào để nhận diện nó, nếu tình trạng M&A tiếp tục kéo dài thì sao?

Ông Lý Quí Trung: M&A bản thân nó không có gì là sai cả, ngược lại nữa là khác. Một nền kinh tế khoẻ mạnh thì thị trường M&A phải thật sự sôi động, vấn đề là có thăng bằng thì sẽ tốt hơn. Một vài chục năm nữa mà phe mặc áo “người mua” vẫn toàn là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì không thăng bằng chút nào, nếu không muốn nói là thất sách.

Để mặc được chiếc áo người mua một cách hiệu quả, đội ngũ doanh nhân Việt cần trưởng thành hơn nữa và có một tầm nhìn rộng lớn. Tôi thấy 5-7 năm gần đây đã xuất hiện thế hệ thứ hai lãnh đạo doanh nghiệp vừa trẻ lại vừa được trang bị đầy đủ kiến thức, có khả năng hội nhập quốc tế rất cao, nên chỉ cần một thời gian nữa thôi bộ mặt của lực lượng các doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi. 

Chính họ sẽ là những người chạy những chặng thứ hai, thứ ba trong các cuộc chạy đua tiếp sức đường trường của các doanh nghiệp Việt.

Nhìn vào các thương vụ M&A đình đám như Thaibev mua Bia Sài Gòn, CJ mua Cầu Tre, Mondelez Internationnal mua Kinh Đô… ông có lo ngại nhiều không khi các đại gia ngoại đang chiếm lĩnh những thương hiệu trọng yếu của Việt Nam? Đằng sau đó là gì, thôn tính thương hiệu hay nắm hệ thống phân phối?

Ông Lý Quí Trung: Tất cả doanh nghiệp dù ở quốc gia nào đi nữa, đến một giai đoạn nào đó cũng sẽ cần ai đó giúp sức để thay da đổi thịt, để chuyển mình vươn xa, hay thậm chí chỉ để tồn tại, vượt qua giai đoạn khó khăn khi đã bước chân vào một cuộc chơi lớn; đó là một thực tế rất bình thường.

Nhưng như đã nói, nền kinh tế Việt Nam còn khá non trẻ nên lực lượng đứng ra giúp sức cho các doanh nghiệp nổi tiếng đó không còn ai khác hơn là các doanh nghiệp có dính dáng đến yếu tố đầu tư nước ngoài. Vì chỉ có các đại gia ngoại này mới có một tầm vóc lớn hơn, một nguồn tài chính dồi dào hơn và một bề dày kinh nghiệm vượt trội. Thử hỏi nếu một đại gia nội mà sở hữu đầy đủ những yếu tố trên thì đại gia ngoại có thể cạnh tranh nổi hay không?

Còn chuyện gì xảy ra khi thị trường M&A cứ tiếp diễn xảy ra một chiều mãi, nghĩa là người mua vẫn cứ là người nước ngoài?

Thiết nghĩ, lúc đó không còn là câu chuyện vi mô của các doanh nghiệp mua bán lẫn nhau nữa, mà đã trở thành câu chuyện của những nhà điều hành nền kinh tế, câu chuyện của nhà nước, của vĩ mô. 

Bởi vì tình trạng “độc quyền” hay “monopoly” chưa bao giờ tốt cho môi trường kinh doanh của một nền kinh tế cả; thử nghĩ chuyện gì xảy ra khi cả một hệ thống phân phối của một nền kinh tế lại rơi vào tay của một vài tập đoàn nước ngoài? Quá rủi ro!

Chính phủ Úc đã từng tung ra những đạo luật mới để điều chỉnh số lượng bất động sản, số lượng đất nông nghiệp rơi vào tay các nhà đầu tư, đầu cơ nước ngoài. Nhất là số lượng đó lại tập trung vào một hai quốc gia cụ thể nào đó thì làm sao cả nền kinh tế, chính trị không bị ảnh hưởng vào các quốc gia đó. Nên sự can thiệp đúng lúc đúng chỗ cũng là cái hay của mỗi quốc gia, giống như vai trò của trọng tài trong một trận cầu đang hồi gay cấn.

Ông nghĩ sao khi nhìn vào top đầu các thương hiệu mạnh, chiếm phần lớn là các đại gia bất động sản trong khi các thương hiệu sản xuất chiếm tỷ trọng khá nhỏ?

Ông Lý Quí Trung: Bất động sản luôn là lãnh vực lớn hàng đầu của hầu hết các nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam có lẽ do đặc thù phát triển kinh tế ở giai đoạn này, bất động sản có vẻ lấn lướt quá nhiều so với các lãnh vực khác, không khéo dẫn đến tình trạng mất thăng bằng, gây ra nhiều rủi ro lớn cho sự ổn định của cả một nền kinh tế.

Rõ ràng là một khi quá nhiều người đầu tư hay tham gia vào kinh doanh bất động sản thì các lãnh vực khác sẽ bị xem nhẹ, nhất là lãnh vực sản xuất và nông nghiệp chẳng hạn. Những lãnh vực này mới chính là cái xương sống của nền kinh tế Việt Nam, giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn.

Thấy các toà nhà, các dự án bất động sản mọc lên khắp nơi mà vừa vui vừa lo; vui vì thành phố, đất nước nay phát triển giàu đẹp hơn, lo vì không biết cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển đó có được qui hoạch và đáp ứng tương xứng hay không. Một cái lo khác nữa là nó kéo theo cả một đội ngũ đầu cơ mua đi bán lại không đem lại lợi ích gì nhiều cho nền kinh tế, ngoài việc tạo nên một bong bóng rủi ro luôn rình rập phình to hơn mỗi ngày.

Quan sát sự chuyển động của các đại gia khi nhảy sang đầu tư nông nghiệp, đang có hai luồng dư luận, một bên mừng vì người dân sẽ được hưởng lợi từ các sản phẩm sạch, một bên lo vì không hiểu nông pháp họ sử dụng là gì, sạch thật hay sạch sơ sơ? Hay có phải là một cuộc chiếm dụng đất, hưởng ưu đãi về chính sách hay không?

Ông Lý Quí Trung: Vấn đề này tôi không nắm rõ lắm nhưng nhìn chung nó đụng đến công tác định hướng của Nhà nước thông qua các qui định về luật. Nếu thấy nông nghiệp sạch là tốt cho đất nước thì nên ra các luật định khuyến khích cho ai đầu tư vào phân khúc này, mức thuế ưu đãi chẳng hạn. 

Vần đề là phải phân minh rõ ràng, nhất là khi đụng đến việc cấp đất, cấp chính sách cho các doanh nghiệp đầu tư, đây là mảng dễ phát sinh tiêu cực cần được giám sát chặt chẽ.

Ông nghĩ gì khi các mô hình tập đoàn một lần nữa đang trỗi đậy, tạo ra “hệ sinh thái” với rất nhiều ngành nghề khác hẳn nhau như Vingroup, TTC, Trường Hải?

Ông Lý Quí Trung: Các tập đoàn đa ngành nghề xuất hiện và phát triển trong thời gian gần đây cũng là điều dễ hiểu vì cơ hội quá nhiều và chúng ta chưa có được một cơ chế tốt để giới thiệu cho nhiều người tham gia hơn nữa.

Trên thế giới cũng có rất nhiều tập đoàn đa ngành nghề nhưng có khác một chút là khi họ đã lão luyện một ngành này rồi thì mới lấn sân sang ngành khác, thời gian có khi trải dài nhiều chục năm cho mỗi lần như vậy. Còn ở Việt Nam mình thì có vẻ gấp rút hơn, có khi trong vài năm mà đã chào sân mấy lãnh vực hoàn toàn mới, giống như chân vừa chạy mà tay vừa phải làm cùng lúc nhiều thứ.

Trở về sau 5 năm, tâm trạng của ông thế nào khi thấy Phở 24 không còn phong độ như xưa? Ông có lo ngại không khi một số thương hiệu Việt dần teo tóp và mất đi thương hiệu sau khi M&A?

Ông Lý Quí Trung: Tôi thấy thời gian gần đây Phở 24 có nhiều nỗ lực để cải tiến và tồn tại trong một môi trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Mỗi thời mỗi khác, lúc trước Phở 24 gần như một mình một chợ, tiệm nào mở ra cũng đông nghẹt, có khi trong một khu vực nhỏ mà có đến 2 - 3 tiệm.

Tình hình bây giờ rất khác, các thương hiệu Việt có cách làm và tiêu chuẩn na ná Phở 24 mọc lên khắp, phải nói là như nấm. Vì nhà nhà đều rủ nhau khởi nghiệp và cái món ăn uống F&B này có vẻ như là một một những món khoái khẩu nhất của các bạn trẻ. Nên nhìn thấy số lượng cửa hàng Phở 24 thu gọn lại tôi vừa hơi buồn nhưng vừa lo lắng, thông cảm cho người đi sau tiếp nối mình.

Trong các thương vụ M&A ai cũng muốn thương hiệu tiếp tục phát triển vượt bậc, cả người bán lẫn người mua, nếu không thì thương vụ đã không xảy ra. Còn kết quả kinh doanh, phát triển ra sao thì còn tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thị trường, yếu tố cạnh tranh, sức khoẻ của nền kinh tế rất là quan trọng. Kinh doanh sau M&A cũng là kinh doanh nên cũng chứa đựng đầy rủi ro.

Các thương hiệu ẩm thực nổi tiếng thế giới như McDoanald’s, KFC, Starbucks… mà không có các câu chuyện M&A tiếp sức thì đâu được như ngày hôm nay, nhưng bên cạnh những sự thành công này còn biết bao nhiêu các thương hiệu, thương vụ khác không được thành công như vậy thì không ai biết cả. Thành công lúc nào cũng hiếm hơn thất bại nên nó mới được gọi là thành công.

Có điều ở các thương vụ M&A thành công thì khả năng quản trị sự sáp nhập đóng một vai trò rất quyết định. Làm sao để điều hành một doanh nghiệp mới với một văn hoá hoàn toàn mới là một thách thức không nhỏ, chưa kể trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sau M&A đã không giữ được sự đóng góp tiếp tục của nhà sáng lập - cái linh hồn của thương hiệu mà mình vừa sáp nhập.

Bởi vậy ở nhiều nước có nền kinh tế phát triển, vai trò của các đơn vị tư vấn, các chuyên gia tư vấn về mua bán sáp nhập thời hậu M&A rất quan trọng. Ở Úc mà mở cuốn niên giám điện thoại ra là thấy hằng hà sa số các công ty tư vấn chuyên làm công việc này. Nó nói lên một điều là, đây là một kỹ năng vô cùng đặc thù mà không phải doanh nghiệp nào kinh doanh thành công là mua bán sáp nhập cũng thành công. Hai thứ hoàn toàn khác nhau, giống như cầu thủ trung phong chuyên tìm cách đá vô lưới đối thủ thì có khác với cầu thủ hậu vệ hay thủ môn làm công tác phòng thủ, dọn dẹp là chủ yếu.

Nói điều này để cho thấy ở Việt Nam nền tảng cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác M&A vẫn còn rất thiếu, chủ yếu còn tập trung vào việc tìm kiếm và thực hiện các thương vụ M&A, hơn là giúp được gì, phục vụ được gì sau đó. Và chính cái đoạn sau này mới làm nên sự thành bại, đóng góp nhiều hay ít cho nền kinh tế, hay nói rộng ra - mới tạo được uy tín của các câu chuyện về M&A.

Sang Úc giảng dạy đại học và mở nhà hàng, cuộc sống của anh có vẻ khá bình yên, vì sao ông chọn trở về?

Ông Lý Quí Trung: Tôi đã hoàn thành điều mà mình mong muốn làm bấy lâu nay là có cơ hội bỏ nhiều thời gian cho gia đình, con cái hơn. Trong 5 năm vừa qua tôi gần như không làm gì (mở một hai tiệm ăn đối với tôi gần như là không làm gì!), còn việc dạy đại học cũng chỉ là thỉnh giảng và chủ yếu là tham gia trong công tác cố vấn cho trường.

Sau thời gian 5 năm này tôi bắt đầu muốn quay trở lại làm việc, kinh doanh và Việt Nam dĩ nhiên là nơi tôi có thể đóng góp hữu hiệu nhất.

5 năm vừa qua có giống như 5 năm trước ông từng đi du học cách đây mấy chục năm?

Ông Lý Quí Trung: Giống và khác, giống ở chỗ cũng là 5 năm, cũng đi để mở rộng kiến thức, tầm nhìn; khác ở chỗ 5 năm lần này là “du học doanh nhân”, học những thứ xung quanh hay những thứ hay ho ở xứ người để một ngày nào đó áp dụng ở Việt Nam. 

Đi để thấy những gì mình có ở quê nhà là quí giá, để biết trân trọng hơn những điều mà trước đây mình chẳng để ý tới và đi cũng để thấy Việt Nam mình còn yếu cái gì, còn thiếu xót cái gì để góp ý, xây dựng; giống như đi du học là vậy.

Còn nhớ trong một lần nghe cô Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế mà tôi rất kính trọng) phát biểu trên báo chí đại ý rằng rất buồn và lo lắng khi thấy đội ngũ doanh nhân Việt đi ra nước ngoài ngày càng nhiều, còn ai ở lại để phục vụ đất nước. 

Tôi chợt thấy ở một góc độ khác, là chính đội ngũ doanh nhân này sẽ một ngày nào đó giúp ích rất nhiều cho đất nước một khi họ quay trở về - sau thời gian “du học doanh nhân” và họ sẽ quay trở về vì là lúc nào cũng rụng về cội.

Đảm nhận vị trí CEO một công ty chuyên về nội thất hàng đầu Việt Nam, công việc mới có gì thú vị và thách thức với riêng ông?

Ông Lý Quí Trung: Tôi cảm thấy vô cùng hứng thú và mỗi ngày, chỉ chờ đến sáng để bắt tay vào việc. Tập đoàn AKA Furniture Group tuy đã hình thành từ lâu nhưng đây mới là giai đoạn then chốt để trở mình, thành một tập đoàn lớn mạnh. 

Tôi muốn thương hiệu Nhà Xinh hay các thương hiệu nội thất quốc tế trực thuộc tập đoàn AKA như Boconcept, Calligaris, Bellavita, Baxter, Savio… phải gần gũi hơn nữa với người tiêu dùng.

Ngoài những công việc liên quan đến kinh doanh, ông cũng đang triển khai một dự án thư viện chuyên môn dành cho kiến trúc và trang trí nội thất dự kiến khai trương vào tháng 12 năm nay?

Ông Lý Quí Trung: Einstein có một lần được hỏi làm thế nào cho trẻ em trở nên thông minh hơn; ông trả lời là, hãy đọc truyện cổ tích cho chúng nghe; còn nếu muốn trẻ thông minh hơn nữa thì sao, thì đọc thêm nhiều truyện cổ tích hơn nữa!

Nhà bác học vĩ đại này hay nói chơi nhưng mà là thiệt. Ông biết giá trị của sự đọc, của sự tưởng tượng; không phải chỉ đúng cho trẻ em mà còn đúng cho người lớn, bao nhiêu năm vẫn đúng.

Một xã hội thông minh chắc chắn phải cần đến sự đọc rất nhiều, đó là lý do vì sao tại các nước văn minh, phát triển, người dân ở đó có thói quen đọc sách nhiều hơn so với các nước kém phát triển hơn như Việt Nam.

Nhưng nếu nghĩ ngợi thêm một chút, có thể thấy do người Việt mình chưa có đầy đủ điều kiện như người ta, thiếu sách hay để đọc như người ta, sách quý, sách chuyên môn thì rất đắt và khan hiếm. Hệ thống thư viện thì quá ít ỏi, nghèo nàn, nếu không muốn nói là gần như không có gì so với số lượng tòa nhà và căn hộ cao cấp mọc lên như nấm.

Nên mỗi lần bước chân vô các nhà sách ngoại văn để tìm mua mấy cuốn sách về trang trí nội thất là tôi buột miệng sao ít sách quá, giá cũng cao quá so với túi tiền của người bình dân, nói chi đến sinh viên.

Như một cơ duyên, tôi lại đang được đứng trước cơ hội có thể làm được một điều nhỏ nhoi, để góp phần thực hiện điều ước khơi dậy và nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho người Việt. 

Tôi muốn bắt đầu bằng một thư viện sách cho ngành kiến trúc, thiết kế nội thất cho tất cả những ai quan tâm đên lãnh vực này đều có thể đến đọc, mượn sách, trao đổi với nhau một cách vui vẻ, bổ ích. Sinh viên các ngành này cũng có thể coi đây là thư viện nhà của mình.

Thư viện trong mơ này đã được xây dựng tại quận 2, lấy nguyên một tầng của tòa nhà mới tập đoàn nội thất AKA Furniture Group, dự kiến khai trương đầu tháng 12.2018. Về cơ sở hạ tầng và tổ chức, quản trị thư viện có thể an tâm rồi nhưng nội dung phong phú vẫn còn là cả một thách thức, nên ngoài phần đầu tư trực tiếp của công ty để mua sách nhập khẩu về, rất cần sự chung tay góp sức ủng hộ của nhiều người nữa cho dự án thư viện này. 

Mỗi cuốn sách tặng sẽ được trân trọng ghi nhận tên người tặng ngay bên trong cuốn sách, dù chỉ là một cuốn sách cũ. Các bạn trẻ không chỉ cầm trên tay một cuốn sách, mà cả một tấm lòng mong mỏi đất nước và con người Việt Nam mỗi ngày mỗi giỏi giang hơn.

(*) Mời độc giả đón đọc các bài cùng chuyên đề trong những kỳ đăng tới