Nên tập trung cứu doanh nghiệp có tiềm năng

Phạm Sơn - 10:43, 06/12/2020

TheLEADERChính sách hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng cần được tiến hành nhanh, đúng đối tượng và đúng liều lượng.

Nên tập trung cứu doanh nghiệp có tiềm năng
Triển vọng kinh tế tới năm 2021 vẫn còn phụ thuộc vào hiệu quả công tác phòng chống dịch, khả năng ổn định sản xuất kinh doanh, diễn biến kinh tế thế giới và phương án hỗ trợ của Chính phủ. Ảnh: Báo Thanh niên.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực tới thương mại và đầu tư.

Trong bối cảnh khủng hoảng nặng nề, Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong công tác phòng chống dịch cũng như ổn định các chỉ tiêu về vĩ mô. Nhờ đó, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia giữ được mức tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, bà Thu nhận xét, tác động của đại dịch Covid-19 vẫn có độ trễ nhất định, đặc biệt khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn và đang bùng phát trở lại.

Đánh giá về tình hình kinh tế, xã hội, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, những giảm sút trong tổng cung, tổng cầu dẫn tới thất nghiệp gia tăng, kéo theo những nguy cơ về bất ổn xã hội.

Đặc biệt, tình trạng doanh nghiệp phá sản hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh đạt con số kỷ lục 93,5 nghìn trong 10 tháng đầu năm là mối nguy lớn cho nền kinh tế.

Ông Tuấn nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 vẫn sẽ tiếp tục gây ra những tác động dài hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của nhóm dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức, lao động di cư và các hộ sản xuất, kinh doanh do nữ giới làm chủ.

Trước những thách thức trên, Chính phủ đã đưa ra các phản ứng chính sách với mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.

Cùng với các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới và các thành tựu về chuyển đổi số, các chuyên gia dự đoán khả năng cao nền kinh tế sẽ hồi phục với kịch bản hình chữ V.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế tới năm 2021 vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm hiệu quả công tác phòng chống dịch, khả năng ổn định sản xuất kinh doanh, diễn biến kinh tế thế giới và quan trọng nhất là những phương án hỗ trợ của Chính phủ.

Nhanh, đúng và đủ

Phục hồi kinh tế hậu đại dịch: Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp có tiềm năng
PGS.TS Bùi Quang Tuấn phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia Tác động của đại dịch COVID-19 tới thương mại và đầu tư ở Việt Nam. Ảnh: Đại học Thương mại.

Nhận xét về chính sách hỗ trợ nền kinh tế, ông Tuấn cho biết, các gói cứu trợ được tung ra trong thời gian qua rất kịp thời nhưng lại chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, do công tác thực thi phát sinh nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

“Chính sách cứu trợ nền kinh tế nói chung cần đảm bảo tính kịp thời nhưng đồng thời cũng phải xác định đúng đối tượng và liều lượng”, ông Tuấn nhận định.

Theo lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam, không gian can thiệp chính sách của Chính phủ đang hạn chế do thiếu năng lực tài khóa, hệ quả của thâm hụt ngân sách kéo dài trong nhiều năm, vì vậy các gói cứu trợ cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh gây thêm gánh nặng nợ công, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển lâu dài.

Như vậy, để tránh gây ra hao phí ngân sách, nhà nước nên tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm lực nhất định, không nên cứu những doanh nghiệp quá yếu, không có khả năng thích ứng, không thể tạo ra giá trị lâu dài.

Đồng quan điểm với ông Tuấn, TS. Vũ Thanh Hương, Khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất các chính sách hỗ trợ theo hướng nâng cao năng lực của nền kinh tế.

Cụ thể, Chính phủ nên tạo ra những ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh hoặc thay thế một số công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Mặt khác, tăng cường tính liên kết giữa doanh nghiệp nội với khu vực FDI cũng là phương án hiệu quả để đảm bảo tính cạnh tranh các doanh nghiệp nội.