Ngành du lịch chậm phục hồi

An Chi - 10:00, 25/12/2022

TheLEADERTrong khi phần lớn các nước trên thế giới đã ghi nhận sự hồi phục gần với mức trước đại dịch của ngành du lịch, thị hoạt động kinh doanh khách sạn tại Việt Nam mới đạt khoảng 50 - 60% công suất của năm 2019.

Ngành du lịch chậm phục hồi
Thị trường khách nội địa vẫn đang là động lực chính của ngành du lịch Việt Nam.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, mức độ khôi phục hoạt động kinh doanh của các khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam không đồng đều. 

Các dự án trước đây vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn khách quốc tế đang gặp nhiều khó khăn để quay lại mức trước đại dịch. Các điểm đến như Nha Trang – Cam Ranh và Đà Nẵng chỉ mới đạt được 50% mức công suất của năm 2019. 

Các khách sạn tại Hà Nội và TP.HCM ghi nhận mức độ hồi phục tốt hơn nhờ nguồn khách công vụ, khách lưu trú dài hạn cũng như đoàn khách MICE. Dẫu vậy, giá phòng bình quân tại hai thị trường này vẫn thấp hơn so với năm 2019 từ 15% - 20%. 

Ngành du lịch chậm phục hồi
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc, Savills Hotels APAC.

Nguyên nhân của thực trạng này được Savills chỉ ra rằng, trước khi đại dịch xảy ra, Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn nhất thế giới khi thực hiện hơn 150 triệu chuyến du lịch nước ngoài trong năm 2019. Do việc đóng cửa biên giới và các quy định về cách ly tại Trung Quốc đã tác động lớn đến sự khôi phục hoạt động du lịch tại nhiều quốc qua Đông Nam Á, đặc biệt là các điểm đến phụ thuộc nhiều vào nguồn khách này như Việt Nam.

Đến nay, thị trường khách sạn Việt Nam mới ghi nhận công suất phòng đạt hơn 60% so với cùng kì 2019. Tính đến tháng 11 năm 2022, Việt Nam mới chào đón 2,95 triệu lượt khách quốc tế. Với việc vắng bóng khách Trung Quốc, thị trường Hàn Quốc đang dẫn đầu về lượng khách quốc tế đến Việt Nam; trong 11 tháng đầu năm 2022, thị trường này đã đạt gần 764.000 lượt khách và chiếm 26% tổng lượt khách quốc tế. 

Bên cạnh đó, thị trường khách Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với 109.000 lượt khách tính từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2022. Trong đó chỉ tính riêng tháng 11 đã có 27.000 lượt khách Ấn Độ, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường khách nội địa vẫn đang là động lực chính của ngành du lịch Việt Nam. Tính đến tháng 11 năm 2022, hoạt động du lịch nội địa ghi nhận mức tăng trưởng với 96,3 triệu lượt khách nội địa, vượt mức 85 triệu tổng lượt khách nội địa của cả năm 2019.

Tín hiệu khả quan cho năm 2023

Những ngày cuối năm 2022, Trung Quốc đang thực hiện điều chỉnh chính sách “Zero Covid”, cân nhắc nới lỏng các yêu cầu kiểm soát sau thời gian dài thực hiện, đồng thời, nhiều hãng hàng không cũng đã thông báo khôi phục các đường bay giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đây được xem là một tín hiệu tích cực, giúp đẩy nhanh quá trình khôi phục của ngành nghỉ dưỡng Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo ông Mauro, quá trình khôi phục của các khách sạn thuộc phân khúc cao cấp – hạng sang khả quan hơn. Đặc biệt phân khúc hạng sang (luxury) ít chịu biến động hơn so với các phân khúc khác trong thời kỳ đại dịch và cũng ghi nhận tốc độ khôi phục giá phòng tốt hơn bình quân thị trường. 

Cùng với việc nối lại các đường bay thường lệ đi và đến thị trường Trung Quốc, ông Mauro kỳ vọng hoạt động của các khu nghỉ dưỡng tại các điểm đến du lịch ven biển, đặc biệt tại những thị trường vốn phụ thuộc vào nguồn khách này sẽ cải thiện hiệu quả hơn trong năm tới.

Một yếu tố khác đóng vai trò quan trọng trong sự hồi phục của ngành du lịch được bà Uyên Nguyễn, Trưởng bộ phận Tư vấn của Savills Hotels APAC chỉ ra là do sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng cùng với đơn vị vận hành chuyên nghiệp giúp mang đến giá trị cho dự án và thu hút khách du lịch.

Được đánh giá là quốc gia còn nhiều dư địa để phát triển hoạt động du lịch, các tập đoàn quản lý khách sạn khu vực và quốc tế ngày càng chú trọng tăng cường sự hiện diện và mở rộng danh mục thương hiệu tại Việt Nam. Bên cạnh các thị trường trọng điểm như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, các nhà điều hành quốc tế và khu vực cũng đang dành nhiều sự quan tâm đến các điểm đến đang phát triển như Hồ Tràm, Quy Nhơn và Phú Yên. 

Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam có khoảng 132 khách sạn và khu nghỉ dưỡng mang thương hiệu các tập đoàn điều hành đang hoạt động. Trong vòng ba năm tới, thị trường dự kiến ghi nhận thêm khoảng 80 khách sạn và khu nghỉ dưỡng thuộc chuỗi nhà điều hành đi vào vận hành.

Trong năm 2023, một vài dự án nổi bật dự kiến đi vào khai thác như Angsana & Dhawa Hồ Tràm, JW Marriott Cam Ranh, Hyatt Regency Nha Trang, La Festa Phú Quốc Curio Collection by Hilton, và Voco Ma Belle Hotel Đà Nẵng.

Bà Uyên cho rằng, các dự án nghỉ dưỡng lựa chọn thương hiệu phù hợp với bài toán khả thi sẽ giúp dự án tiếp cận được với hệ thống phân phối, mạng lưới marketing toàn cầu và các tư vấn chuyên môn đến từ nhà điều hành, từ đó gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường và tiếp cận được tệp khách hàng rộng hơn. 

Trong bối cảnh đó, sự gia tăng nhóm du khách thuộc thế hệ millennials và sự hình thành mô hình làm việc từ xa là một trong số các xu hướng định hình sự phát triển của ngành du lịch nghỉ dưỡng hiện nay. 

Để tiềm năng thị trường được khai thác hiệu quả, hướng đến hành trình phát triển bền vững, ông Mauro cho rằng, các dự án nghỉ dưỡng cần nghiên cứu kỹ xu hướng thị trường để có thể đưa ra mô hình kinh doanh phù hợp với nhu cầu thế hệ khách du lịch mới.

Trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều thách thức, hoạt động mở bán và đưa vào khai thác của một số dự án sẽ bị chậm tiến độ hơn so với dự kiến, tuy nhiên đây cũng là cơ hội để chủ đầu tư xem xét, đánh giá lại, từ đó tinh chỉnh mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, bền vững hơn. 

"Chúng tôi vẫn lạc quan về tiềm năng thị trường cũng như mong đợi một năm nhiều tín hiệu khởi sắc cho ngành nghỉ dưỡng, đặc biệt sẽ có những chuyển biến tích cực hơn sau quý I/2023”, ông Mauro chia sẻ.