Người đi làm muốn gì?

Đặng Hoa - 08:23, 15/04/2024

TheLEADERNhững mong muốn của người lao động trên thị trường đã và đang làm thay đổi cơ bản cách thức hoạt động kinh doanh và góp phần hình thành nhiều xu hướng nhân sự mới.

Người đi làm muốn gì?
Mong muốn của người đi làm có nhiều biến động trong một thập kỷ vừa qua. Ảnh minh họa ROX

Thu nhập là "ưu tiên số 1"

Suốt một thập kỷ qua, các mục tiêu nghề nghiệp được người đi làm quan tâm có sự thay đổi nhất định, phản ánh nhu cầu theo từng hoàn cảnh. 

Bất chấp những biến động của thị trường, ba mục tiêu nghề nghiệp hàng đầu của người đi làm vẫn luôn là: cân bằng, thu nhập và ổn định. 

Trong đó, "thu nhập" luôn là yếu tố được ưu tiên hàng đầu kể từ năm 2018 đến nay, theo kết quả Anphabe thu được từ cuộc khảo sát 60 nghìn người đi làm mỗi năm trong vòng một thập kỷ qua.

Tuy nhiên, vẫn luôn tồn tại sự chênh lệch giữa mức thu nhập thực tế và kỳ vọng. 

Khảo sát của Anphabe với những người được tăng lương trong ba năm qua cho thấy, mức tăng lương thực tế của họ thấp hơn so với trung bình mức tăng họ kỳ vọng. 

Khi đối mặt với nguy cơ mất việc giai đoạn doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh chung, mức giảm mà họ sẵn lòng chấp nhận thấp hơn một nửa so với mức tăng lương mà họ mong muốn. 

Nơi làm việc lý tưởng

Nơi làm việc lý tưởng trong quan điểm của người đi làm là một nơi làm việc toàn diện. Mặc dù có sự thay đổi về tỉ lệ ưu tiên, cả 6 yếu tố gồm: tưởng thưởng, cơ hội phát triển, văn hóa môi trường, lãnh đạo quản lý, chất lượng công việc – cuộc sống và danh tiếng công ty vẫn luôn giữ vững vị thế quan trọng. 

Tuy nhiên Anphabe lưu ý, chất lượng công việc - cuộc sống và văn hóa - môi trường công ty là hai yếu tố doanh nghiệp sẽ cần phải đầu tư nhiều vào năm nay nếu có dự định cắt giảm tưởng thưởng của nhân viên.

Trong đó, danh tiếng công ty bao hàm các tiêu chí như: hướng về khách hàng và lấy khách hàng làm trọng tâm, quy mô và tiềm lực tài chính lớn, minh bạch và tuân thủ pháp luật. 

Điều này cho thấy, không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp mà cả người lao động cũng đặt trọng tâm vào việc xây dựng và làm việc tại những doanh nghiệp có triển vọng bền vững.

Văn hóa công ty cũng phản ánh sự chuyển dịch từ môi trường “thân thiện, cởi mở” sang môi trường mà “tin cậy, minh bạch” được đặt lên hàng đầu. 

Cùng với đó là các tiêu chí về chất lượng công việc và cuộc sống như “môi trường làm việc an toàn” và “công việc linh hoạt” cũng ngày càng được quan tâm. 

Trong khi đó, lãnh đạo và quản lý không chỉ cần năng lực và tầm nhìn mà còn phải có quy trình làm việc, liên kết phòng ban hiệu quả.

Người đi làm muốn gì?
Định nghĩa về nơi làm việc lý tưởng.

Làm việc linh hoạt đã thành tiêu chuẩn mới

Mặc dù xu hướng này có phần "hạ nhiệt" sau đại dịch, nhưng sự mong đợi về một môi trường làm việc linh hoạt vẫn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là đối với Gen Z. 

Có 71% người lao động thuộc thế hệ này sẽ cân nhắc công việc khác nếu công ty không có chế độ này.

Mặt khác, trong bối cảnh nguồn lực doanh nghiệp hạn chế, 47% người lao động có thể cân nhắc yếu tố làm việc linh hoạt để quyết định tiếp tục gắn bó nếu công ty chưa thể tăng lương năm nay, sau “thưởng nóng/thưởng một lần khi đạt thành tích”. 

Bên cạnh đó, theo Anphabe, cái gọi là "ổn định" giờ đây không còn chỉ là gắn bó lâu dài với một nơi làm việc mà là khả năng duy trì sự vững vàng và thích nghi với biến động, thông qua việc tham gia vào nhiều loại công việc và hoạt động tạo giá trị khác nhau và có nhiều nguồn thu nhập đa dạng. 

Tổng cộng, đã có khoảng 57% nguồn nhân lực trí thức tại Việt Nam tham gia vào nền kinh tế tự do.

Chống kiệt sức (burn-out)

Người bị cắt giảm có thể trải qua giai đoạn khó khăn và hụt hẫng, nhưng áp lực lớn hơn vẫn đang đè nặng lên vai những người được doanh nghiệp giữ lại. 

Khảo sát của Anphabe trong năm 2023 đã chỉ ra, trung bình cứ mười người đi làm bị stress (áp lực) thường xuyên thì có bốn người đã chuyển sang trạng thái burn out (kiệt sức). Trong đó, nhóm 'sống sót' sau cắt giảm cũng là nhóm có tỷ lệ chuyển sang kiệt sức cao nhất.

Tình trạng này phản ánh qua sự gia tăng áp lực công việc mà người lao động gặp phải và khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Trong bối cảnh đó, an sinh cho nhân viên trở thành trọng trách của doanh nghiệp. Khảo sát của Anphabe từ 2014 – 2023 cũng cho thấy, các yếu tố như “chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân viên tốt” và “môi trường làm việc an toàn” ngày càng thăng hạng trong danh sách tiêu chí về nơi làm việc lý tưởng do người đi làm bình chọn.

Người lao động có nhu cầu ngày càng cao đối với các phúc lợi liên quan đến gia đình, phúc lợi về thời gian và hỗ trợ làm việc. 

Mặc dù doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, số lượng nhân viên được huởng các phúc lợi này vẫn ít hơn nhiều so với kỳ vọng, và phần lớn vẫn chưa hài lòng với các lợi ích mà công ty đang cung cấp.

"Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đến nay đều đang tập trung vào các phúc lợi đào tạo, phát triển hơn là phúc lợi về thời gian và hỗ trợ làm việc", Anphabe chỉ ra.