Người rẽ sóng ở Gỗ An Cường

Hường Hoàng - 14:50, 12/04/2024

TheLEADERTin tưởng vào chính bản thân và tin vào người khác cũng như tập trung vào chuyên môn và tối ưu hoá quy trình tạo sức mạnh cộng hưởng để ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Gỗ An Cường rẽ những con sóng lớn của cuộc đời.

Từng trải qua thời niên thiếu cơ cực, tự bươn chải trong khó khăn, ông Nghĩa luôn quan niệm rằng bất cứ khủng hoảng nào cũng có thể được hóa giải khi chúng ta luôn sẵn sàng thách thức bản thân, làm những điều mới, tiên phong rẽ những con sóng mới.

Thành lập công ty Gỗ An Cường năm 1994 khi mới 22 tuổi, ông Nghĩa làm nhiều người ngạc nhiên vì đâu một cậu thanh niên quá trẻ lại có thể sớm bắt đầu sự nghiệp, nhất là trong thời đại nền kinh tế thị trường ở Việt Nam mới bắt đầu bén rẽ.

Trên thực tế, trước khi khởi nghiệp, ông Nghĩa đã làm nhiều nghề để kiếm sống. Sinh ra trong một gia đình khó khăn có hai anh em trai ở Phú Thọ, ông Nghĩa nhường lại suất đi học đại học cho em trai và vào Nam kiếm sống từ năm 16 tuổi.

“Bằng ngoại ngữ, rồi sau này là bằng về quản trị kinh doanh của tôi đều là bằng học tại chức chứ không được đầu tư và đào tạo bài bản. Lúc đó tôi làm nhiều nghề lắm, vất vả, khó khăn nhưng nhiều trải nghiệm”, ông Nghĩa bùi ngùi kể về khoảng thời gian đó tại tọa đàm "Rẽ sóng đón bình minh" của JCI Thăng Long vào ngày 10/4.

Giỏi tiếng Anh, ông Nghĩa làm hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài và bén duyên với ngành gỗ khi gặp và làm việc cùng một ông chủ người Đức ở TP. HCM chuyên kinh doanh và sản xuất đồ nội thất. Nhờ chăm chỉ và chăm học hỏi, ông Nghĩa được cử sang Đức học về ngành nội thất và sau đó trở về xây dựng sự nghiệp của riêng mình.

Chuyện của người rẽ sóng ở Gỗ An Cường
Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Gỗ An Cường chia sẻ hành trình kinh doanh tại toạ đàm 'Rẽ sóng đón bình minh'. Ảnh: JCI Thanglong

Rẽ con sóng mới

Trong 12 năm đầu tiên kinh doanh, ông Nghĩa làm thương mại, tức là chỉ mua đi rồi bán lại. Nhưng rồi đến năm 2006, hiểu rằng thương mại rất dễ nhưng không bền, ông Nghĩa quyết định thành lập nhà máy sản xuất, vì tin rằng chỉ có làm như vậy mới có thể đi bền vững và có chiều sâu.

Để làm được điều đó, ông Nghĩa đã phải rẽ con sóng đầu tiên - con sóng của cái mới và khó khăn. “Thời kỳ này rất khó khăn, vì làm sản xuất rất khó mà chúng tôi lại chỉ có khoảng chục nhân viên. Chúng tôi bắt đầu bằng cách mua lại những máy móc cũ của Đức, của Ý và mời những chuyên gia từ nước ngoài sang đây chuyển giao công nghệ”.

Cũng với kinh nghiệm làm việc với người Đức, ông Nghĩa quan niệm làm gì cũng cần phải làm chuẩn chỉnh, bài bản ngay từ đầu, không đại khái, qua loa. An Cường tập trung vào xây dựng sản phẩm chất lượng, theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Thành lập doanh nghiệp không lâu, ông đã mời công ty kiểm toán quốc tế PwC để làm chuẩn và rõ ràng tính minh bạch hoạt động tài chính công ty.

Học tập và làm việc nhiều năm tại Đức, lại xây dựng doanh nghiệp trong thời kỳ nền tảng Internet còn chưa phát triển, ông Nghĩa có lợi thế lớn trong am hiểu về mẫu mã và chất lượng của các sản phẩm gỗ và nội thất phương Tây. 

Đi cùng với sự chuẩn chỉnh, đầu tư có bài bản, An Cường nhanh chóng phát triển thành công ty dẫn đầu thị trường, đặc biệt trong mảng sản xuất đồ gỗ cao cấp.

Thế nhưng, để An Cường thực sự mở rộng với quy mô hiện tại với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng năm ngoái, ông Nghĩa cũng đã rẽ con sóng dám tin tưởng những con người, những tổ chức khác và chính bản thân mình để chuyển sang một giai đoạn mới.

Tin tưởng vào người khác và chính bản thân mình

Mười năm trước, đang kinh doanh tương đối ổn, ông Nghĩa mong muốn mở rộng sản xuất trên quy mô lớn và nhanh hơn nữa. Nhưng ngặt nỗi không có vốn. Những người xung quanh khuyên ông vay vốn ngân hàng, vay tiền của anh em, họ hàng, nhưng ông không đồng ý. Thay vì thế, ông quyết định gọi vốn từ quỹ đầu tư.

Thời điểm đó, nhiều người can ngăn ông vì cho rằng quỹ đầu tư là những bên lừa đảo, đầu tư tiền để chiếm quyền sở hữu công ty. Vượt ra khỏi những e ngại đó, ông Nghĩa quyết định tìm đến và nhận sự đồng hành từ quỹ đầu tư VinaCapital.

Ông hiểu và tin tưởng rằng các quỹ đầu tư quốc tế là những tổ chức minh bạch, mong muốn thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và cùng thịnh vượng thay vì giữ suy nghĩ rằng các doanh nghiệp trên thị trường chỉ toàn cá lớn nuốt cá bé, không có sự hỗ trợ lẫn nhau.

Năm 2014, khi vào khảo sát Gỗ An Cường, VinaCapital định giá doanh nghiệp trị giá 70 triệu USD. Đây là một con số gây bất ngờ với chính ông Nghĩa, bởi số tiền đầu tư cho nhà xưởng và nhân công của Gỗ An Cường tính đến thời điểm đó chỉ vào khoảng vài trăm tỷ đồng.

Ngoài mức định giá cơ bản của VinaCapital, PwC định giá Gỗ An Cường lên đến 110 triệu USD với những giá trị tăng thêm của doanh nghiệp do nhiều hạng mục.

Những hạng mục này bao gồm: 10 triệu USD do đây là doanh nghiệp hàng đầu thị trường có bằng chứng, chứng cứ kèm theo; 10 triệu USD do sự minh bạch về tài chính của công ty – là một công ty nhỏ và mới chỉ bốn năm thành lập nhưng đã có kiểm toán nước ngoài.

Ngoài ra, định giá này của PwC cũng bao gồm 10 triệu USD do đây là doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ở Việt Nam bới có những năm, Gỗ An Cường tốc độ tăng trưởng từ 30-50% và 10 triệu USD do năng lực quản trị tốt của người lãnh đạo.

“Lúc đó, tôi có rất nhiều rào cản. Rất nhiều người khuyên là tôi không nên nhận 30 triệu USD từ VinaCapital để tránh bị chiếm công ty. Nhưng điều này là hoàn toàn sai, cả một thập kỷ qua, chúng tôi và VinaCaptial vẫn cơm lành canh ngọt, chưa gặp vấn đề gì với nhau cả. Thậm chí, khi ấy có người còn bảo tôi mua đất. Việc này thì dễ đấy, nhưng không phải là cái tôi đam mê”, ông Nghĩa hài hước chia sẻ.

Với số vốn đầu tư của VinaCapital, Gỗ An Cường xây dựng được một nhà máy mới hoàn toàn, tạo ra được doanh thu tốt hơn rất nhiều, tạo được nguồn lợi cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.

“Các quỹ đầu tư là những người luôn đi trước chúng ta một cái đầu. Họ có kiến thức đa ngành và vững về vấn đề quản trị. Vì vậy, nguồn vốn của Vina Capital và sau đó là quỹ đầu tư Sumitomo Forestry của Nhật đã đem đến một làn sóng mới cho sự phát triển của An Cường.

Nếu không gọi được vốn, hiện nay chúng tôi sẽ chỉ có khoảng 500 công nhân, và mặc dù tôi có thể nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống nhưng sẽ không có được một An Cường như ngày hôm nay”, ông Nghĩa chia sẻ.

Theo ông Nghĩa, khi làm việc với quỹ đầu tư, doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, cụ thể, thực hiện theo đúng thỏa thuận đầu tư, làm đúng, làm minh bạch thì hai bên sẽ hợp tác với nhau hiệu quả.

“Đây cũng là một điểm mà chúng tôi rẽ sóng. Thay vì tôi làm một mình, tôi đi cùng nhà đầu tư và cùng nhau phát triển”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Gỗ An Cường: Câu chuyện của người rẽ sóng 1
Tối ưu hóa công suất và nguồn lực giúp Gỗ An Cường vượt qua những cơn sóng mạnh của thời cuộc. Ảnh: An Cường

Tập trung vào chuyên môn và tối ưu hóa quy trình

Bên cạnh đó, một trong những bí quyết giúp Gỗ An Cường phát triển bền vững, vượt qua nhiều cơn khủng hoảng đó là sự tập trung vào chuyên môn của doanh nghiệp mình.

Có những lần An Cường nhận được những đơn hàng của đối tác trị giá hàng trăm tỷ đồng, nhưng thay vì nhận toàn bộ hợp đồng và về thuê ngoài những phần không phải chuyên môn, An Cường chỉ nhận đúng những phần mà doanh nghiệp làm tốt và tập trung phục vụ khách hàng và giới thiệu những đối tác làm tốt ở những phần còn lại.

“Có người bảo tôi gàn dở, vì cơ hội lớn nhưng lại không ôm hết. Nhưng tôi hiểu chúng tôi có thể mang lại điều gì tốt nhất cho khách hàng. Đã giỏi cái gì thì cần rất tập trung, rất nét vào phần đó”, ông Nghĩa chia sẻ.

Với sự tập trung, làm chắc đó của mình, Gỗ An Cường đã xây dựng được hệ thống nhà xưởng có công suất hoạt động tối ưu, hoạt đồng 22 tiếng một ngày và chạy suốt gần 300 ngày trong năm.

“Thay vì cố gắng làm tất cả những ngành nghề có liên quan mà không dành thời gian để chú trọng vào chuyên môn, chúng tôi tối ưu tất cả máy móc, công suất và con người.

Thêm vào đó, chúng tôi tập trung nguồn lực. Thay vì việc cho rằng xuất khẩu, bán hàng ở đâu thì mở nhà máy sản xuất ở đấy, chúng tôi sản xuất trên quy mô lớn và tập trung ở một khu vực để có thể kiểm soát chất lượng hiệu quả hơn. Và đó chính là lí do mà chúng tôi có thể trở thành doanh nghiệp đầu ngành gỗ”, ông Nghĩa chia sẻ.