Nguồn thu mới cho Quỹ Bảo vệ môi trường

Phạm Sơn - 09:57, 21/01/2022

TheLEADERNhững sản phẩm độc hại, không có khả năng tái chế theo quy định tại điều 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ phải chịu mức phí đóng góp bắt buộc vào Quỹ Bảo vệ môi trường.

Mức phí này được sử dụng để hỗ trợ hoạt động quản lý chất thải rắn, bao gồm các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn từ hộ gia đình; nghiên cứu phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn và thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Nhà sản xuất, nhập khẩu các hàng hóa trong diện thực thi phải tự kê khai số tiền đóng góp theo mẫu về Quỹ Bảo vệ môi trường trước ngày 31/3 hàng năm và thực hiện nộp tiền trước ngày 20/4 hàng năm. Nếu nộp 2 đợt, đợt 2 phải nộp trước ngày 20/10.

Mức phí đóng góp sẽ được điều chỉnh tăng dần mỗi 5 năm một lần, do Thủ tướng Chính phủ quyết định, dưới đề xuất của Bộ Tài nguyên và môi trường.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, điều 55 của Luật Bảo vệ môi trường là một phần của công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Mức phí đóng góp cho Quỹ Bảo vệ môi trường không mang tính chất tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp mà nhằm mục đích khuyến khích thay đổi thiết kế sản phẩm theo hướng có khả năng tái chế, tái sử dụng, không chứa chất độc hại, thân thiện hơn với môi trường.

Điều 54 của Luật Bảo vệ môi trường cho phép doanh nghiệp lựa chọn tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường, tuy nhiên được lùi thời hạn thực thi cho các ngành, sớm nhất là năm 2024 đối với ngành hàng bao bì.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, việc tiếp nhận và sử dụng khoản đóng góp tài chính phải minh bạch và đúng mục đích. Quỹ Bảo vệ môi trường phải công khai việc tiếp nhận, sử dụng khoản đóng góp này hàng năm.

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ môi trường cũng sẽ nhận thêm khoản ký quỹ từ hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, có giá trị từ 10 – 20% giá trị lô hàng nhập khẩu, tùy theo khối lượng và loại phế liệu.

Khoản ký quỹ này sẽ được chi trả để xử lý rủi ro, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có thể xảy ra từ lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Trước đây, vốn điều lệ của Quỹ Bảo vệ môi trường chỉ rơi vào khoảng 1 nghìn tỷ đồng, con số quá nhỏ để giải quyết thực trạng môi trường đang ngày càng ô nhiễm. Thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, trách nhiệm chi trả cho môi trường được san sẻ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, nguyên tắc này giúp công tác bảo vệ môi trường được vận hành theo cơ chế thị trường. Đây là bước tiến bắt buộc để tránh những tác động tiêu cực lên môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.