Mức phí đóng góp cho công cụ thu gom, tái chế bắt buộc sẽ được sử dụng như thế nào?

Phạm Sơn - 18:14, 04/11/2021

TheLEADERTheo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, mức phí đóng góp cho hoạt động thu gom, tái chế và xử lý rác thải nguy hại bắt buộc để nhằm mục đích khuyến khích doanh nghiệp thay đổi thiết kế sản phẩm cũng như phương thức sản xuất, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường.

Mức phí đóng góp cho công cụ thu gom, tái chế bắt buộc sẽ được sử dụng như thế nào?
Mục đích của EPR là khuyến khích doanh nghiệp tối ưu thiết kế sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường.

Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định ở điều 54 và điều 55. Trong đó, điều 54 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn giữa việc tự thực hiện, ủy quyền thực hiện hoặc đóng góp tài chính để thực hiện trách nhiệm thu gom, tái chế bắt buộc.

Điều 55 quy định đóng góp tài chính bắt buộc để thực hiện hoạt động thu gom, xử lý các loại rác thải nguy hại, khó xử lý, không có giá trị tái chế.

Hiện nay, dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang được xây dựng, chỉnh lý, bổ sung trước khi trình Chính phủ phê duyệt, có quy định chi tiết về mức độ thực hiện EPR đối với doanh nghiệp.

Trước băn khoăn của nhiều doanh nghiệp về khoản đóng góp tài chính sẽ tạo ra áp lực về chi phí, theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, dự thảo nghị định đang đặt ra mức phí cao hơn chi phí của hoạt động tái chế. Điều này nhằm khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức thu gom, tái chế, đồng thời thay đổi thiết kế sản phẩm theo hướng giảm vật liệu nguy hại, tăng khả năng thu gom, tái chế.

Ông Hùng khẳng định, mục đích của mức phí EPR không phải là để “thu nhiều tiền hơn”, mà công cụ chính sách EPR chỉ thực sự thành công khi các nhà sản xuất, nhập khẩu không phải đóng phí EPR nữa.

“Chi phí đóng góp lớn hơn chi phí tái chế thông thường để doanh nghiệp tự tối ưu hóa. Chúng tôi không mong doanh nghiệp đóng tiền, đóng tiền chỉ là giải pháp cuối cùng”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh.

Ghi nhận quan điểm của ban soạn thảo dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) nhận xét, để đạt được hiệu quả như kỳ vọng, tỷ lệ thu gom, tái chế bắt buộc cần phải được đặt ra một cách hợp lý và khoa học.

“Nếu đặt chỉ tiêu thu gom, tái chế quá cao, doanh nghiệp sẽ chọn cách đóng góp tài chính để “đỡ phải suy nghĩ nhiều”, thay vì tìm cách tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Fausto nhận xét.

Sử dụng tiền EPR như thế nào?

Việc sử dụng tiền đóng gớp từ công cụ EPR cũng được nhiều doanh nghiệp và các bên có liên quan hết sức quan tâm. Các doanh nghiệp mong muốn mức phí đóng góp được sử dụng một cách minh bạch, công bằng, hiệu quả, tránh tạo điều kiện cho cơ chế xin – cho.

Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, khoản đóng góp EPR sẽ chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ hoạt động thu gom, tái chế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế, một ngành công nghiệp vô cùng quan trọng và đầy tiềm năng nhưng vẫn đang ít được chú trọng.

Đặc biệt, ông Vượng cho biết, không chỉ các nhà tái chế chính thức mà cả nhóm tái chế, thu gom phi chính thức cũng sẽ nhận được hỗ trợ. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ sẽ chỉ tập trung cho những cơ sở tái chế, thu gom có cam kết đạt chuẩn chất lượng, đảm bảo hiệu quả tái chế và không gây hại tới môi trường.

Trao đổi với TheLEADER, ông Hùng cho biết, mức phí đóng góp theo công cụ EPR, cụ thể là theo quy định của điều 55 Luật Bảo vệ môi trường, bên cạnh mục đích thu gom, xử lý rác thải, còn có một phần chi cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sáng kiến đổi mới sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nguy hại, khó thu gom, không có giá trị tái chế.

Bà Fanny Quertamp, đại diện Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp cũng cho biết, một phần khoản đóng góp tài chính cho EPR sẽ được chi trả cho các hoạt động như nâng cao nhận thức cộng đồng và đổi mới thiết kế sản phẩm theo hướng sinh thái, bên cạnh các hoạt động mang tính kỹ thuật về thu gom, tái chế.