Nhìn lại cuộc chiến thương mại 'ăn miếng trả miếng' của Mỹ - Trung

Kiều Mai - 11:15, 18/06/2019

TheLEADERLiên tiếp các “miếng” thuế quan được Mỹ và Trung Quốc đưa ra và chiến tranh thương mại thậm chí đang phủ bóng lên nhiều lĩnh vực khác.

Nhìn lại cuộc chiến thương mại 'ăn miếng trả miếng' của Mỹ - Trung
Hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị gia tăng thuế quan. Ảnh: Mike Blake/Reuters.

Sau quãng thời gian gần 1 năm qua, chiến tranh thương mại, căng thẳng thương mại đã trở thành cụm từ quen thuộc.

'Ăn miếng trả miếng'... không khoan nhượng

Bắt đầu từ khoảng nửa đầu 2018, đối đầu thương mại xuất hiện khi Mỹ tiến hành áp thuế nhập khẩu lên mặt hàng thép, nhôm từ phần lớn các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.

Theo đó, mức thuế nhập khẩu vào Mỹ đối với sản phẩm thép sẽ được nâng lên ngưỡng 25% và nhôm là 10%.

Cuộc chiến gia tăng thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu của nhau giữa Mỹ và Trung Quốc từ đó leo thang.

Ngày 2/4/2018, đáp trả việc Washington gia tăng thuế nhôm, thép, Bắc Kinh áp thuế nhập khẩu từ 15% tới 25% đối với 128 loại hàng hóa từ Mỹ với tổng giá trị khoảng 3 tỷ USD.

Chỉ 1 ngày sau đó, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) công bố danh sách 1.334 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng giá trị 50 tỷ USD có khả năng chịu mức thuế 25%.

Danh sách này chủ yếu bao gồm các mặt hàng công nghệ cao nhằm mục đích bù đắp thiệt hại mà Mỹ cho rằng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc gây ra.

Bắc Kinh sau đó đã đề xuất áp thuế nhập khẩu 25% đối với 106 sản phẩm của Washington với tổng giá trị 50 tỷ USD, bao gồm đậu nành, ô tô, sản phẩm hóa học.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục dâng cao căng thẳng khi tuyên bố xem xét gia tăng thuế đối với 100 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi Bắc Kinh đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khiếu nại việc Mỹ gia tăng thuế nhập khẩu lên sản phẩm nhôm, thép.

Giữa tháng 4/2018, chính quyền Trump thẳng tay cấm các công ty tại Mỹ bán linh kiện hoặc cung cấp dịch vụ cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc là ZTE tới năm 2025 do công ty này bị cho là vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm tới Iran và Triều Tiên.

ZTE sau đó đã phải dừng tất cả các hoạt động của mình và đối mặt với việc sụp đổ kinh doanh bởi 25 – 30% linh kiện sử dụng trong sản phẩm của ZTE được cung cấp từ các công ty Mỹ như Qualcomm, Intel.

Không chịu thua, Trung Quốc tuyên bố áp thuế chống bán phá giá ở mức gần 179% đối với cao lương nhập khẩu từ Mỹ chỉ vài ngày sau đó.

Nhìn lại miếng đòn của Mỹ, Trung trong chiến tranh thương mại
Đến nay, hơn chục vòng đàm phán thương mại đã diễn ra nhưng Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận. Ảnh: CNN.

Đầu tháng 5, đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra tại Bắc Kinh nhưng không mang lại kết quả đáng chú ý. Mỹ và Trung Quốc sau đó đã tiến hành đối thoại tại Washington, đồng ý tạm dừng áp thuế nhập khẩu và phía Trung Quốc đề xuất mua thêm hàng hóa Mỹ.

Lần đối thoại tiếp theo tại Bắc Kinh trong hai ngày 4 và 5/6/2018 mặc dù giúp ZTE được phục hồi hoạt động một cách giới hạn tại Mỹ nhưng không thể kéo chiến tranh thương mại dừng bùng phát.

Ngày 15/6/2018, Mỹ quyết định áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với 50 tỷ USD giá trị hàng hóa đến từ Trung Quốc, bao gồm cả những cái tên trong kế hoạch chiến lược "Made in China 2025".

Đây là một kế hoạch được đưa ra nhằm thống trị các ngành công nghiệp công nghệ cao đang nổi lên và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc nhưng lại được Mỹ xem là kế hoạch gây tổn thương tăng trưởng kinh tế Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Mỹ trước hết áp thuế lên 818 sản phẩm (giảm từ 1.334 sản phẩm ban đầu) có giá trị khoảng 34 tỷ USD vào 6/7. Các biện pháp khác đối với 284 sản phẩm với trị giá khoảng 16 tỷ USD sẽ có hiệu lực sau khi xem xét quá trình.

Trung Quốc cũng tỏ ra không hề kém cạnh. Danh sách 1 sẽ áp thuế 25% lên 545 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ với trị giá 34 tỷ USD, chính thức có hiệu lực vào 6/7/2018. Danh sách 2 bao gồm 114 sản phẩm (trị giá 16 tỷ USD), xem xét theo động thái từ Washington.

Sau đợt “ăn miếng trả miếng” này, Mỹ tiếp tục công bố danh sách thứ 3 gồm 6.000 sản phẩm từ Trung Quốc với tổng giá trị nhập khẩu khoảng 200 tỷ USD có khả năng bị áp thuế 10%.

Đầu tháng 8 năm ngoái, Washington cân nhắc gia tăng lên mức 25% thay vì 10% như trên. Bộ Thương mại Mỹ cũng bổ sung 44 mặt hàng Trung Quốc vào danh sách kiểm soát nhập khẩu, coi đây là nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Bắc Kinh sau đó cũng công bố danh sách thứ 3, bao gồm khoảng 5.207 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ với giá trị 60 tỷ USD.

Ngày 7/8/2018, đợt gia tăng thuế thứ hai trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chính thức được hai bên đưa ra. 279 mặt hàng của Trung Quốc (giảm 5 mặt hàng so với dự kiến trước đó) với tổng giá trị 16 tỷ USD sẽ bị áp thuế 25% kể từ ngày 23/8 khi nhập khẩu vào Mỹ và phía Trung Quốc cũng có động thái tương tự.

Tính đến thời điểm ngày 23/8/2018, 100 tỷ USD giá trị thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã rơi vào danh sách bị nâng thuế nhập khẩu.

Nhìn lại miếng đòn của Mỹ, Trung trong chiến tranh thương mại 1
Hàng nghìn mặt hàng xuất khẩu của hai nước đã bị nâng thuế do căng thẳng thương mại. Ảnh: VCG/Getty Images.

Trước những căng thẳng ngày càng gia tăng, đại diện Mỹ và Trung Quốc đã gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh thương mại bùng phát nhưng chưa thể đạt được kết quả.

Không những vậy, ông Donald Trump thậm chí còn “đổ thêm dầu vào lửa” khi dọa sẽ tiếp tục gia tăng thuế với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ sau gói 200 tỷ USD nếu cần thiết.

Ngày 24/9/2018, Mỹ chính thức áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng từ Trung Quốc, đưa tổng trị giá hàng Trung Quốc bị nâng thuế lên ngưỡng 250 tỷ USD. Mức thuế này theo kế hoạch sẽ lên ngưỡng 25% kể từ 1/1/2019.

Trung Quốc sau đó đáp trả bằng việc áp thuế mức 5 – 10% đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Cuối tháng 10 năm ngoái, xung đột thương mại đứng trước nguy cơ dâng cao hơn nữa khi Mỹ tuyên bố 267 tỷ USD giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang nước này chưa bị áp thuế có thể bị nâng thuế nếu cuộc gặp bên lề G20 của hai nhà lãnh đạo không đạt được kết quả.

May mắn thay, một thỏa thuận đình chiến đã được tạo ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào đầu tháng 12. Theo đó, hai bên sẽ không áp đặt các biện pháp thuế quan mới trong vòng 90 ngày (cho tới ngày 1/3/2019) và đàm phán đi đến thỏa thuận thương mại chung.

Washington sẽ dừng kế hoạch gia tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Bắc Kinh cũng như không áp thuế mới đối với 267 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc cam kết sẽ mua nhiều hơn hàng hóa từ Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng.

Cuộc hội đàm đầu tiên sau thỏa thuận đình chiến đã diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 7 đến ngày 9/1/2019, tập trung vào vấn đề mất cân bằng thương mại cũng như chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ tài sản trí tuệ và hàng rào phi thuế quan.

Hàng loạt các vòng đàm phán sau đó đã liên tiếp được diễn ra, thể hiện nỗ lực của cả hai quốc gia trong việc tiến tới thỏa thuận thương mại. Thời hạn đình chiến được kéo dài, Mỹ và Trung Quốc nhất trí thành lập một văn phòng thực thi để quản lý việc tuân thủ thỏa thuận trong tương lai.

...không hồi kết...

Những tưởng nỗ lực đàm phán sẽ mang lại “trái ngọt” nhưng cú xoay mình của người đứng đầu Nhà Trắng đã khiến thị trường bất ngờ.

Ông Trump tuyên bố nâng thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức 25% từ con số 10% trước đó, chính thức có hiệu lực từ ngày 10/5.

Bắc Kinh cũng không ngại ngần đáp trả thuế quan với 60 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Washington, có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/6 vừa qua.

Bên cạnh những mặt hàng bị áp thuế 25%, những sản phẩm khác sẽ bị đánh thuế bổ sung ở mức 20%, 10% hoặc 5%.

Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi nỗ lực đàm phán nhiều tháng đã bị thổi bay khi hai bên không tìm được tiếng nói chung, đưa xung đột thương mại Mỹ - Trung trở lại chiến trường “vang tiếng súng”.

Không chỉ vậy, bóng đen của căng thẳng thương mại còn phủ sang các lĩnh vực khác, nổi bật là công nghệ với nhân vật Huawei.

Kinh tế toàn cầu đang trong thời khắc mong manh

Bà Christine Lagarde
Bà Christine LagardeTổng giám đốc IMF

Giữa tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei và 70 chi nhánh vào "Entity List" - danh sách những doanh nghiệp bị cấm mua linh kiện và công nghệ từ công ty Mỹ khi không có sự chấp thuận từ Chính phủ.

Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Mỹ phải có giấy phép đặc biệt mới được bán sản phẩm cho thương hiệu đến từ Trung Quốc này.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông từ những nguồn được cho là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Động thái của Mỹ đã kéo theo hàng loạt cái tên lớn như Google, Qualcomm, Intel, Panasonic, ARM dừng cung cấp cho Huawei.

Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook cũng ngừng hợp tác với Huawei, không cho phép sản phẩm của thương hiệu này cài đặt sẵn các ứng dụng như Facebook, WhatsApp và Instagram.

Du lịch Mỹ - Trung cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng của căng thẳng thương mại khi Bắc Kinh khuyến cáo công dân về du lịch tới Mỹ trong thời gian còn lại của năm 2019.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết lý do được đưa ra là các vụ xả súng "thường xuyên" và nạn trộm cướp.

Bộ Giáo dục Trung Quốc cảnh báo về rủi ro liên quan đến việc tới Mỹ học tập khi cho biết một số sinh viên Trung Quốc làm thủ tục du học Mỹ thời gian gần đây đã gặp vấn đề như thời hạn thị thực (visa) bị hạn chế, số trường hợp bị từ chối cấp visa tăng lên, Reuters đưa tin.

Nhìn lại miếng đòn của Mỹ, Trung trong chiến tranh thương mại
Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đang phủ bóng lên nhiều lĩnh vực khác. Ảnh: Reuters

Ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới

Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về triển vọng kinh tế toàn cầu 2019, Kinh tế Mỹ được dự báo đạt tăng trưởng 2,5% trong 2019, giảm tốc còn 1,7% trong 2020 và 1,6% trong 2021 do các biện pháp kích thích bằng tài khóa mất dần tác dụng.

Trung Quốc được nhận định sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm nay và 6,1% trong năm 2020.

Mặc dù đang đi đúng hướng tiến tới ổn định, nền kinh tế toàn cầu được nhận định khá mong manh và chịu rủi ro đáng kể. World Bank cho rằng triển vọng kinh tế thế giới có thể xấu đi thêm nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang.

Nếu cuộc chiến tranh này có bước leo thang mới, hệ quả sẽ là sự giảm tốc mạnh tại các nền kinh tế lớn, gây ảnh hưởng lan rộng tới mọi vấn đề, từ niềm tin của nhà đầu tư tới thị trường hàng hóa cơ bản.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định việc áp thuế lẫn nhau của Trung Quốc và Mỹ sẽ khiến GDP thế giới mất khoảng 455 tỷ USD vào năm tới.

Mức thiệt hại GDP dự kiến này còn lớn hơn cả nền kinh tế của Nam Phi.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay về 6,2%, giảm 1% so với lần dự báo trước.

Ngân hàng Morgan Stanley trong báo cáo đầu tháng 6 cũng nhận định việc tiếp tục leo thang chiến tranh thương mại có thể đẩy kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái sau chưa đầy một năm.

Reuters dẫn lời chuyên gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley Chetan Ahya cho biết hệ quả của chiến tranh thương mại ở thời điểm này "là điều rất khó đoán định".

Tuy vậy, ông cảnh báo rằng nếu Mỹ thực hiện lời đe dọa áp thuế quan 25% lên phần còn lại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì "kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào cuộc suy thoái sau 3 quý".