Những công ty tài chính trong tầm ngắm đổi chủ

Trần Anh - 09:57, 11/06/2019

TheLEADERTrong số 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động, còn 4 công ty có khả năng đổi chủ để phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có thể đạt mốc 1 triệu tỷ đồng trong năm 2019, với mức tăng trưởng bình quân 29%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020.

Tiềm năng tăng trưởng của thị trường cho vay tiêu dùng biến các công ty tài chính thành các mục tiêu thâu tóm của giới đầu tư. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, hiện có tổng cộng 16 công ty tài chính đang được cấp phép hoạt động. Trong đó, bên cạnh những công ty đang phát triển mạnh như FE Credit, HDSaison hay Home Credit, một số công ty tài chính hoạt động cầm chừng trong và đang tìm kiếm nhà đầu tư mới.

Gần đây nhất, hồi tháng 2, Công ty dịch vụ tài chính Aeon (AFS), thuộc tập đoàn Aeon của Nhật Bản cho biết muốn mua một công ty tài chính nhằm mở rộng đầu tư và tăng cường sức mạnh tổng hợp các hoạt động tại Việt Nam.

Đối tượng mà AFS đang tiếp cận là HAFIC – Công ty tài chính Handico, được thành lập từ năm 2005 bởi Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội. HAFIC sau đó được cổ phần hóa và có thêm các cổ đông khác. Do hoạt động kém hiệu quả công ty đã thua lỗ hàng trăm tỷ đồng và bị NHNN áp đặt kiểm soát đặc biệt từ năm 2015.

Dù tình trạng tài chính bết bát với nhiều khoản nợ xấu, HAFIC vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức tài chính. Một tổ chức nước ngoài khác là KB Kookmin Card của Hàn Quốc và ngân hàng TPBank cũng đang nhắm tới HAFIC để mở rộng địa bàn sang lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Một công ty tài chính khác đang trong tầm ngắm đổi chủ là tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM). FCCOM tiền thân là Công ty Tài chính Dệt may Việt Nam được Maritime Bank (MSB) mua lại vào năm 2015, công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Những công ty tài chính trong tầm ngắm đổi chủ
MSB có chủ trương bán 100% cổ phần FCCOM

Mặc dù vậy, từ đó đến nay, hoạt động của FCCOM khá im ắng trên thị trường cho vay tiêu dùng. Năm 2018 HĐQT Maritime Bank cũng đã thông qua phương án chủ trương bán toàn bộ phần vốn góp tại FCCOM. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa công bố thêm thông tin nào về việc chuyển nhượng cổ phần tại công ty này.

Tương tự như trường hợp của FCCOM là Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTFinance). Đầu năm ngoái, SeABank đã thâu tóm 100% cổ phần PTFinance từ Taajo đoàn VNPT với mức giá 710 tỷ đồng. Đại diện ngân hàng này cho biết, việc mua lại PTFinance là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ, đang dạng hóa sản phẩm dịch vụ của SeABank.

Tuy nhiên, trong khi các công ty tài chính sau khi đổi chủ đều tích cực tung ra thị trường các sản phẩm tài chính tiêu dùng mới, PTFinance gần như không có hoạt động gì sau khi đổi chủ hơn một năm qua.

Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ với các sản phẩm cho vay cơ bản như mua xe, mua đồ gia dụng, đồ điện tử, điện máy các công ty tài chính đã đẩy mạnh cho vay tiền mặt như giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro hơn.

Trong một xu hướng phát triển bền vững hơn, các công ty tài chính trở thành một mảnh ghép trong hệ sinh thái hoàn chỉnh của ngân hàng hay các tập đoàn bán lẻ.

Chẳng hạn như Aeon, nếu mua lại HAFIC thành công, ACS Việt Nam sẽ nhanh chóng đưa mảng cho vay tiêu dùng của Aeon liên kết với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại của tập đoàn này tại Việt Nam.

Hay như thương vụ Lotte thông qua công ty con Lotte Card mua lại công ty tài chính của Techcombank với mức giá gần 1.700 tỷ đồng. Cũng giống như Aeon, Lotte cũng đang đầu tư lớn tại Việt Nam với hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, chuỗi fastfood, rạp chiếu phim và các dự án bất động sản gồm khách sạn và văn phòng cho thuê.

Mặc dù vậy, không phải công ty tài chính hoạt động kém hiệu quả nào cũng dễ thâu tóm. Trường hợp của Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy (SBIC Finance), các nhà đầu tư không chỉ phải đối mặt với vấn đề xử lý nợ xấu mà còn các rủi ro pháp lý. Ngoài ra, một rào cản lớn khác của SBIC Finance là quy mô vốn điều lệ khá lớn, hơn 2.500 tỷ đồng.