Những điểm nhấn của lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2023

An Chi - 15:53, 10/02/2023

TheLEADERLễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 được tổ chức từ ngày 10 đến 14/3/2023 nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; từng bước đưa thành phố này trở thành điểm đến của cà phê thế giới.

Với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới” lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê. 

Lễ hội cũng là dịp để Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.

Qua 7 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế. 

Lễ hội lần này sẽ có 18 hoạt động chính thức và một số hoạt động hưởng ứng Lễ hội của các địa phương. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn so với những lần trước, hình thức thể hiện theo xu hướng hội nhập quốc tế, với phong cách hiện đại làm nổi bật chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”. 

Bên cạnh, các nội dung khai mạc, bế mạc, lễ hội đường phố... sẽ có một số hoạt động mới như: Cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột với chủ đề: “Chuyện kể về cà phê Buôn Ma Thuột”; Biễu diễn vở ca kịch Khát vọng Dam Săn; Lễ hội ánh sáng; Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề: “Văn hóa cà phê Việt Nam - hành trình kiến tạo văn hóa thế giới” và “Lịch sử cà phê thế giới”; Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê...

Đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới

Nhằm quảng bá, giới thiệu về Lễ hội, công tác truyền thông được đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh. Mỗi người dân địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là một đại sứ truyền thông, đồng thời là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi thông qua các hoạt động quảng bá, truyền thông lễ hội.

Bên cạnh đó, hoa hậu H’Hen Niê được mời làm đại sứ truyền thông của lễ hội. Đây là lần thứ 2, ban tổ chức lễ hội chọn hoa hậu H’Hen Niê làm đại sứ truyền thông cho sự kiện quan trọng này.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, thực hiện Kết luận 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định và chỉ ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. 

Buôn Ma Thuột được định hướng phát triển trở thành trung tâm công nghiệp chế biến các loại nông sản thế mạnh và đặc hữu của tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên. Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột thành trung tâm dịch vụ hàng đầu của Tây Nguyên, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến cà phê; xây dựng hình ảnh “Thành phố cà phê của thế giới”. “Nâng cao và phát huy chương trình phát triển thương hiệu cà phê đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ".

Về phía Đắk Lắk, tỉnh cũng đã giao UBND thành phố Buôn Ma Thuột lấy ý kiến các đơn vị liên quan để ban hành đề án “Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê của thế giới; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia” nhằm đưa thành phố Buôn Ma Thuột phát triển có định hướng cụ thể.

Có thể thấy, tỉnh Đắk Lắk được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện. Do đó, lễ hội cà phê lần thứ 8 năm 2023 như một sự khởi đầu thuận lợi cho quá trình xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê của thế giới, ông Hà nhấn mạnh.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cà phê là loại nông sản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, đem lại nguồn sinh kế cho người dân, nhất là người dân vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. 

Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “thủ phủ cà phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Được sự thống nhất của Thủ tướng Chính phủ, định kỳ hai năm một lần, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ hội cà phê tôn vinh người trồng cà phê, chế biến và kinh doanh cà phê; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh; xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp. 

Qua đó, giúp thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Đắk Lắk; quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, khẳng định mạnh mẽ vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế, đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới, ông Hà chia sẻ.