Những phát ngôn 'nóng' nhất nghị trường

Minh Anh - 07:09, 10/06/2018

TheLEADERBOT, đặc khu kinh tế, quản lý đất đai chính là các vấn đề tranh luận làm nóng nghị trường Quốc hội tuần qua với nhiều phát ngôn gây chú ý dư luận.

Những phát ngôn 'nóng' nhất nghị trường
Những phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về dự án BOT gây nhiều sự chú ý của dư luận

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV đã đi được hơn nửa chặng đường, các tư lệnh ngành đã có những phiên trả lời chất vấn nhận được sự quan tâm của dư luận đặc biệt là những phát ngôn ấn tượng. 

"Chênh lệch giữa kết quả kiểm toán với các dự án BOT là điều hiển nhiên"

Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch số năm thu phí và kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo luật và nghị định của Chính phủ, giai đoạn vừa qua bộ đã tổ chức đầu thầu BOT và ký hợp đồng trên cơ sở được duyệt.

Trong đó, nhiều phần là dự phòng, trượt giá, khối lượng, tiền dự kiến công tác giải phóng mặt bằng và các vấn đề phát sinh, do đó dự án được duyệt bao gồm các khoản phát sinh mới nên có giá trị lớn hơn kết quả kiểm toán.

Căn cứ vào đó, bộ đã ký hợp đồng với nhà đầu tư theo dự án được duyệt nên bộ đã chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước bộ quyết toán. Thời gian gian qua với 56 trạm BOT đã kiểm toán 50 còn 6 dự án đang triển khai.

Theo hợp đồng Bộ đã đàm phán với các nhà đầu tư là giá trị sau kiểm toán là giá trị để bộ điều chỉnh thời gian thu phí và chính sách phí, do đó việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện có sự chênh lệch lớn là điều hiển nhiên, những dự án triển khai nhanh ít phát sinh.

"Bộ sẵn sàng mua lại các dự án BOT sai vị trí nếu cân đối được nguồn vốn"

Những phát ngôn "nóng bỏng" nhất nghị trường Quốc hội tuần qua

Sáng 4/6, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV về các vấn đề còn tồn tại của các dự án BOT, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, trước khi duyệt và triển khai các dự án BOT đều có sự đồng ý của các bộ ngành, đia phương, thực hiện đúng trình tự thủ tục, bên cạnh đó là hợp đồng với chủ đầu tư. Do đó, để mua lại hay thu hồi các dự án này sẽ phải xin ý kiến lại các cơ quan hộ ngành. 

Mặt khác, ngân sách nhà nước hiện đang rất khó khăn, khó có thể cân đối được nguồn vốn lớn để mua lại toàn bộ các dự án BOT đặt sai vị trí này. "Nếu Quốc hội thảo luận cân đối được nguồn vốn, Bộ Giao thông vận tải sẵn dàng mua lại các dự án. Còn trong bối cảnh hiện nay, mong các Đại biểu Quốc hội và người dân thông cảm, bộ sẽ tiếp tục thực hiện việc giảm cước phí qua trạm để hỗ trợ người dân", ông Thể cho hay.

"Đầu tư đường sắt bị bỏ rơi vì ít mang lại lợi ích cho các nhóm?"

Những phát ngôn "nóng bỏng" nhất nghị trường Quốc hội tuần qua 1
Đại biểu Dương Trung Quốc

Cũng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại Quốc hội sáng 4/6, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã làm nóng hội trưởng Quốc hội với câu hỏi: "Phải chăng đường sắt bị bỏ rơi là do đầu tư đường sắt ít mang lại lợi ích cho các nhóm hơn? Phải chăng đầu tư đường bộ dễ chia sẻ lợi nhuận hơn nên các bộ ngành ít quan tâm đến đường sắt?

Vị đại biểu này cho rằng, đường sắt là câu chuyện nhức nhối và là ngành được thừa kế từ cách đây rất lâu. Cách đây 8 năm Quốc hội đã không đồng tình để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhưng vẫn thống nhất là đầu tư mạnh để nâng cấp hệ thống này. 

Ông Quốc không đồng ý với lý do Bộ trưởng Thể đưa ra giải thích cho sự lạc hậu của ngành đường sắt là do tham mưu kém. Tuy nhiên ông Thể khẳng định: "Đầu tư đường sắt và đường bộ đều như nhau, không có nhóm lợi ích. Bản thân chúng tôi đều lấy cái tâm ra làm và chịu trách nghiệm trước pháp luật".

"Sẽ nhập các giáo trình đào tạo tiên tiến về nước để không phải đi du học nữa"

Những phát ngôn "nóng bỏng" nhất nghị trường Quốc hội tuần qua 3

Tại phiên chất vấn sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục, giáo dục chất lượng cao, bộ đã tham mưu cho Chính phủ có giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội, khu vực tư nhân đầu tư vào giáo dục chất lượng cao. 

Theo đó, ngoài thu hút đầu tư về cơ sở vật chất còn nhập các chương trình, giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến để sinh viên có thể tiếp cận chương trình học tập theo tiêu chuẩn quốc tế ngay trong nước, không phải đi du học. Tới đây sửa đổi Luật Giáo dục đại học để cụ thể hóa chủ trương này.

"Dự thảo luật không có một chữ nào về Trung Quốc"

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 6/6 về dự thảo Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: "Dự thảo luật không có một chữ nào về Trung Quốc, có những cái họ cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ 2 nước".

Ông Dũng cho rằng, mọi người đang hình dung tiêu cực, không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước có chủ quyền, phải bình tĩnh, xem xét và lắng nghe. Tại sao không hiểu theo cách quan ngại là luật chưa đủ hấp dẫn để thành công, làm thế nào để luật ra đời thành công mà lại nghĩ làm thế nào để đỡ sợ. 

"Mình phải mạnh dạn làm đi, cái gì cần chặt chẽ thì thiết kế cho chặt chẽ, làm thận trọng là đúng nhưng không vì thế mà không làm", bộ trưởng nhấn mạnh.

"Không cần quá lo lắng về con số 200.000 sinh viên thất nghiệp"

Những phát ngôn "nóng bỏng" nhất nghị trường Quốc hội tuần qua 4

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết một năm số lao động mới vào thị trường và sinh viên tốt nghiệp là 700.000 người. Nhưng số sinh viên thất nghiệp là 200.000 người. Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp thanh niên toàn cầu là 13%, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 11%. 

Do đó, ông Dung cho rằng, không cần quá lo lắng về vấn đề này, nên lo lắng đến chất lượng lao động, chất lượng việc làm.

"Sốt đất đặc khu do giao dịch ngầm"

Về tình trạng sốt đất ở những nơi dự kiến thành đặc khu kinh tế, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 4/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, khi đầu tư hạ tầng vào khu vực nào thì theo quy luật, thị trường sẽ đổ xô vào đó, giá cả đất đai sẽ thay đổi. Chính quyền đã ban hành quy định về quản lý đất đai như cấm giao dịch nhưng người dân vẫn giao dịch ngầm, một trong số đó là người bán ủy quyền cho người mua.

Để giải quyết dứt điểm vấn đề này cũng như quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai tại các địa phương, trong thời gian tới, ông Hà kiến nghị Quốc hội nên ban hành một nghị quyết có tính đặc thù để quản lý đất đai tại các đặc khu kinh tế, cần có cơ chế tính toán kỹ để tránh xảy ra thực trạng sốt đất như hiện nay.

Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch tại các đặc khu kinh tế, kiểm tra, xử lý kịp thời các sai phạm để người đầu cơ đất tại các đặc khu không có cơ hội sinh lợi trên các giao dịch mua bán đất đai trái pháp luật.