‘Nút thắt’ đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp SME

Hoàng An - 17:54, 11/06/2023

TheLEADERTrong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp tìm tới các hoạt động digital marketing, chuyển đổi số… nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng vận dụng công nghệ hiệu quả, bởi đổi mới sáng tạo không thể xây dựng bằng cách vay mượn từ bên ngoài.

‘Nút thắt’ đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp SME
Ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm tới các hoạt động digital marketing, chuyển đổi số… nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (Ảnh: Báo Chính phủ)

Đổi mới sáng tạo được coi là phương pháp giúp gia tăng giá trị, tạo giá trị mới và nâng cao hiệu suất cho doanh nghiệp. Trong môi trường kinh doanh thường xuyên biến đổi, “vũ khí” giúp doanh nghiệp đứng vững chính là khả năng thích nghi dựa trên năng lực đổi mới sáng tạo.

Những doanh nghiệp hàng đầu như Apple, Google hay Tesla... đã sớm nhận ra điều đó và xây dựng cho mình văn hóa đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, nơi họ ươm mầm những ý tưởng "điên rồ" có thể thay đổi thế giới.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, phần lớn các nhà lãnh đạo đã và dần ý thức được sự cấp thiết của đổi mới sáng tạo. Mặc dù vậy, việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như: thiếu sự nhất quán về định nghĩa “đổi mới sáng tạo”, thiếu nguồn lực để thực hiện đổi mới, thiếu quy trình khuyến khích đổi mới, thiếu mô hình, công cụ đổi mới…

Một trong những nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề trên xuất phát từ chính người lãnh đạo. Họ chưa nhận thức đúng vai trò của đổi mới sáng tạo, hoặc đã nhận thức được nhưng không biết cách xây dựng một văn hóa khuyến khích sự đổi mới, dẫn đến tiếp tục duy trì cơ chế hoạt động quan liêu, thiếu công bằng, kìm hãm sự đổi mới.

Để tháo gỡ được “nút thắt” này, trước hết, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thức một cách đúng đắn về đổi mới sáng tạo: thực chất là trao quyền và khuyến khích cá nhân khai phá tối đa những tiềm năng sẵn có của bản thân. 

Muốn làm được điều đó, nhà lãnh đạo cần hiểu rõ chính mình và giúp đội nhóm hiểu rõ những giá trị và mục tiêu của họ; đồng thời, xây dựng văn hóa mở, tạo môi trường nơi mọi người có cảm giác thuộc về.

Khi đó, vai trò của nhà lãnh đạo không phải là người chỉ đạo, áp đặt, giám sát nhân viên, mà trở thành người cố vấn/huấn luyện và hỗ trợ họ đạt mục tiêu của chính mình, khai phá tiềm năng của đội ngũ nhân viên, qua đó thực hiện mục tiêu của tổ chức.

Với hoạt động đổi mới sáng tạo theo phương pháp đổi mới sáng tạo, nhân sự trong doanh nghiệp sẽ được chủ động, tự do trong công việc của mình, từ đó tận dụng, khai thác được tiềm năng, năng lực của mình một cách sâu sắc và mạnh mẽ hơn.

Đồng thời, khi quản trị theo phương thức này, các cá nhân trong doanh nghiệp sẽ cởi mở hơn, thông tin thông suốt hơn, văn hóa chia sẻ cao hơn, từ đó đội ngũ nhân viên trong doanh nghiệp sẽ hài lòng và hạnh phúc với công việc của mình hơn. Vô hình trung, tất cả những yếu tố này sẽ thúc đẩy năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp.

Thực hiện nhiệm vụ 1 của đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844), BK Holdings phối hợp với NSSC (Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia) và tổ chức huấn luyện quốc tế Growth International Coaching - GCI (thành viên của Hội đồng Cố vấn và Huấn luyện Châu Âu) tiếp tục tổ chức chương trình S-Growth Innovation Coaching (SIC) nhằm đào tạo ra những nhà lãnh đạo, cố vấn tiêu chuẩn quốc tế, từ đó đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong nước. 

‘Nút thắt’ đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp SME
Cộng đồng chuyên gia, cố vấn của Chương trình đào tạo huấn luyện chuyên sâu và tư vấn về đổi mới sáng tạo S-Growth Innovation Coaching (SIC)

SIC là một môi trường kết nối nhà lãnh đạo với các thành phần khác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, từ nhà trường, các tập đoàn cho đến các tổ chức chính phủ. Là một phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp), doanh nghiệp có thể dễ dàng cập nhật các xu hướng, đồng thời dễ dàng trao đổi, tận dụng kết quả đổi mới sáng tạo của những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, từ đó thực hiện và duy trì hoạt động đổi mới sáng tạo một cách bền vững và hiệu quả hơn.

Sau hai mùa, SIC đã đồng hành cố vấn huấn luyện hơn 20 lãnh đạo đến từ khối doanh nghiệp, tập đoàn lớn, trường học, vườn ươm, cơ quan chính phủ trở thành những chuyên gia đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra một hệ sinh thái lớn ngày càng rộng mở cho các doanh nghiệp.

Hiện tại, những nhà lãnh đạo đổi mới sáng tạo của SIC đã trải dài khắp 3 miền tổ quốc, 12 trường đại học, viện nghiên cứu, 2 cơ quan nhà nước, 4 vườn ươm & quỹ đầu tư, và 7 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, mạng lưới chuyên gia SIC còn mở rộng ra nước ngoài.

Bước sang mùa 3, thông qua chuyển hóa nhà lãnh đạo và kết nối với cộng đồng đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế, chương trình tiếp tục sứ mệnh đồng hành và dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp trên nền tảng tinh gọn hơn, hiệu quả hơn, kết nối mạnh mẽ hơn và đổi mới liên tục.