Ông chủ khách sạn dát vàng xây nhà ở giá rẻ

Giang Sơn - 13:53, 08/04/2022

TheLEADERÔng Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoà Bình, từ bỏ xây nhà ở thương mại và mạnh tay đầu tư nhà ở xã hội.

Ông chủ khách sạn dát vàng xây nhà ở giá rẻ
Hoà Bình vừa ra mắt 3 căn hộ mẫu 25-70m2 cho dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội

Vốn nổi tiếng với những khách sạn và căn hộ dát vàng, ông Đường gây bất ngờ khi “rẽ ngang” đầu tư nhà ở giá rẻ.

Mới đây, vị doanh nhân từng khoác áo lính công bố kế hoạch đầu tư hai dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, với tổng số 2.000 căn hộ sẽ được xây dựng tại phố Vĩnh Hưng và Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai.

Động thái này khiến giới đầu tư ngạc nhiên vì ông là nhà đầu tư những công trình dát vàng như khách sạn Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake, khu căn hộ Hoà Bình Green City tại Hà Nội hay khách sạn Danang Golden Bay.

Ông Đường mạnh tay đầu tư vào nhà ở xã hội giữa lúc sản phẩm này gần như biến mất khỏi thị trường bởi các doanh nghiệp – mặc dù ban đầu công bố những kế hoạch hoành tráng – nhưng không còn mặn mà vì lợi nhuận thấp nhưng thủ tục đầu tư cũng phức tạp không kém gì nhà ở thương mại.

Ngạc nhiên hơn, hai khu đất có tổng diện tích 12.500m2 mà ông Đường dự kiến xây nhà ở xã hội, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 7km và thích hợp cho phát triển các dự án căn hộ với giá bán có thể gấp đôi mức giá 17-18 triệu đồng/m2 mà ông Đường dự kiến áp cho nhà ở xã hội.

Ông Đường thừa nhận, nếu bán nhà ở thương mại ở những khu đất này thì có thể tăng doanh thu thêm hàng nghìn tỷ đồng, nhưng ông vẫn quyết tâm xây nhà ở xã hội vì ông cho rằng “đã kiếm đủ rồi” và “phải hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của xã hội”.

Theo vị doanh nhân này, nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp rất lớn, nhưng giá nhà ở Hà Nội ngày càng tăng trong khi các dự án nhà ở xã hội hầu như không có, nên nếu ông không đầu tư nhà ở xã hội giá rẻ thì họ khó có thể có nơi an cư.

Ngoài hai dự án này, công ty đang theo đuổi một dự án khác có diện tích đất 6ha ở huyện Đông Anh có thể cung cấp thêm 8.000 căn.

Thậm chí, ông Đường khẳng định từ nay sẽ không đầu tư nhà ở thương mại mà chỉ chuyên tâm đầu tư nhà ở xã hội trên khắp cả nước. Tháng 2 vừa qua, ông đã thành lập một công ty chuyên đầu tư các dự án nhà ở xã hội.

Ông cho biết, các dự án nhà ở tại Hà Nội sẽ có giá bán khoảng 17-18 triệu đồng/m2, nhưng ở các tỉnh thành khác dự kiến chỉ khoảng 11 triệu đồng/m2.

Mặc dù giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh nhưng ông Đường khẳng định công ty vẫn có thể có lãi nhẹ nếu bán với mức giá này nhờ quy trình quản lý xây dựng chặt chẽ, kết hợp với sử dụng công nghệ xây dựng mới nhằm rút ngắn thời gian xây dựng và hạ giá thành.

Mặc dù được hưởng ưu đãi như không phải đóng tiền sử dụng đất, vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp và giảm thuế VAT, nhưng ông Đường cho rằng, nếu doanh nghiệp không biết cách quản lý và không có sự hỗ trợ về thủ tục từ phía chính quyền thì doanh nghiệp cũng khó có thể có lãi nếu đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Theo quy định hiện nay, giá bán cũng như đối tượng được phép mua nhà ở xã hội bị không chế và phải được Sở Xây dựng các tỉnh thành phê duyệt.

Chính vì thủ tục đầu tư, xây dựng phức tạp và lãi mỏng nên các doanh nghiệp không còn mặn mà với việc xây dựng nhà ở xã hội.

Mặc dù vẫn có một số doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào phân khúc này, như APEC Group đề xuất kế hoạch xây 10 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, nhưng theo ông Đường, nút thắt lớn nhất khiến các kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội hầu như bế tắc chính là quỹ đất.

Nếu làm theo quy trình hiện nay, tức là đợi nhà nước giải phóng mặt bằng, đấu thầu chọn chủ đầu tư, riêng các thủ tục này đã mất 3-5 năm. Đó là chưa kể thời gian hoàn thành các thủ tục đầu tư, xây dựng khác, khiến cho việc triển khai kéo dài, các phương án tài chính của chủ đầu tư dễ đổ bể, nên các doanh nghiệp “ngán” đầu tư nhà ở xã hội.

Theo ông Đường, muốn phát triển nhanh nhà ở xã hội, vấn đề mấu chốt là chính quyền phải dành quỹ đất cho xây dựng loại hình này. Nếu nhà nước không có kinh phí giải phóng mặt bằng, Hoà Bình có thể ứng trước.

“Nếu phát triển nhiều dự án nhà ở xã hội thì sẽ góp phần hạ giá nhà ở nhưng nếu chính quyền địa phương không quyết liệt thì sẽ khó có thể xây dựng nhà ở xã hội,” ông Đường khẳng định.

Trong khi đó, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng khẳng định, nếu có quỹ đất rẻ, thủ tục dự án được phê duyệt nhanh chóng, các nhà phát triển bất động sản vẫn sẵn sàng xây dựng nhà ở xã hội dù lợi nhuận thấp 7-10% vì “sự tâm huyết muốn đóng góp cho xã hội”.