Phát triển bền vững
Oxfam: Bất bình đẳng gia tăng đe dọa sự tiến bộ nhiều thập kỷ của Việt Nam
Đại diện Oxfam cho rằng nếu tình trạng bất bình đẳng không gia tăng, quá trình giảm nghèo của Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tốt hơn đáng kể.
Oxfam mới đây đã công bố Chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng (CRI) 2018, tại đó Việt Nam xếp thứ 99 trên toàn cầu, đứng thứ 13 trong số 23 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Đông Á - Thái Bình Dương, đưa Việt Nam vào nhóm các nước trung bình.
TheLEADER đã có trao đổi với bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Trưởng ban Vận động chính sách và Chiến dịch, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam. Bà nhấn mạnh trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến kỷ lục về giảm nghèo nhưng sự bất bình đẳng gia tăng sẽ đe dọa nhiều thập kỷ tiến bộ.
Chuyên gia cấp cao của Oxfam cho rằng Việt Nam có thể đạt được xếp hạng cao hơn trong những năm tiếp theo, phụ thuộc vào sự lựa chọn và hành động chính sách của Chính phủ.
Bà đánh giá như thế nào về xếp hạng của Việt Nam trong chỉ số Cam kết Giảm Bất bình đẳng (CRI) mới đây? Thứ hạng này liệu có phản ánh đúng nỗ lực của Việt Nam đối với giảm nghèo trong thời gian qua?
Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa: Chỉ số CRI 2018 xếp hạng 157 quốc gia dựa trên chính sách của họ về chi tiêu xã hội, thuế và quyền lao động - ba lĩnh vực mà theo các tổ chức là thiết yếu trong việc giảm bất bình đẳng. Chỉ số này cho thấy các chính phủ đang theo hai hướng là giải quyết hoặc thúc đẩy gia tăng bất bình đẳng.
Nigeria, Singapore và Argentina nằm trong nhóm các chính phủ đang tiếp sức cho bất bình đẳng trong khi Hàn Quốc, Indonesia và Gruzia là những nước cho thấy nhiều bước tiến tích cực để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Tuy nhiên, tất cả các quốc gia, ngay cả những nước được xếp hạng cao, cũng đã có thể làm được nhiều hơn nữa.
Việt Nam xếp thứ 99 trên toàn cầu, đứng thứ 13 trong số 23 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Đông Á - Thái Bình Dương, đưa Việt Nam vào nhóm các nước trung bình.
Mặc dù vậy, nếu nhìn vào sự phân tích xu hướng trong báo cáo CRI, Chính phủ Việt Nam có thể đưa ra những lựa chọn đối với chính sách trong tương lai. Chúng ta có thể tiến lên hoặc tụt hậu so với các quốc gia khác trong những năm tới và điều này phụ thuộc rất nhiều vào các cam kết cũng như hành động chính sách tại Việt Nam.
Việt Nam có thể học hỏi từ những ví dụ tích cực trên toàn cầu cũng như trong khu vực.
Ở Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in cam kết giải quyết khoảng cách giàu nghèo và tạo ra một nền kinh tế tập trung nhiều hơn vào con người.
Trong năm qua, ông đã làm tốt lời nói của mình, tăng mức lương tối thiểu thêm 16,4%, tăng thuế đối với những người giàu và các công ty cũng như mở rộng chi tiêu xã hội, bao gồm cả trợ cấp nuôi con chung.
Indonesia cũng là một trường hợp tích cực khác khi chính phủ nước này đã gia tăng mức lương tối thiểu, tăng chi tiêu y tế.
Trung Quốc dành hơn gấp đôi ngân sách của mình cho y tế so với Ấn Độ, và gần gấp bốn lần cho chi tiêu phúc lợi, cho thấy cam kết nghiêm túc hơn nhiều của chính phủ nước này để giải quyết vấn đề khoảng cách giàu nghèo.
Xếp hạng của Việt Nam phản ánh những thành tựu, thách thức và tầm nhìn trong tương lai. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến kỷ lục về giảm nghèo nhưng sự bất bình đẳng gia tăng sẽ đe dọa nhiều thập kỷ tiến bộ.
Bất bình đẳng hiện hữu ở Việt Nam dưới dạng thu nhập, cơ hội và tiếng nói của mọi người. Nếu bất bình đẳng không gia tăng, kết quả giảm nghèo của Việt Nam sẽ còn tốt hơn nữa. Theo Báo cáo Đánh giá nghèo 2018 của Ngân hàng Thế giới, nếu bất bình đẳng không thay đổi, đói nghèo sẽ được giảm thêm 1,1%.
Nhìn về phía trước, tôi giữ quan điểm lạc quan đối với Việt Nam. Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ đối với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc cùng xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Bất bình đẳng dần được thừa nhận, được đặt câu hỏi và tranh luận bởi những cộng đồng, doanh nghiệp và các quan chức. Những hành động, chính sách giảm nghèo hiệu quả đã được đưa ra.
Chắc chắn, chính phủ Việt Nam có thể hành động nhiều hơn nữa nhằm cải thiện xếp hạng CRI trong thời gian tới.
Tại sao Oxfam lại lựa chọn chi tiêu xã hội, thuế và quyền lao động để xếp hạng CRI? Những yếu tố này phản ánh như thế nào về nỗ lực của các quốc gia?
Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa: CRI đo lường nỗ lực của các chính phủ trong 3 lĩnh vực trụ cột, bao gồm chi tiêu xã hội, thuế và quyền lao động. 3 yếu tố này được lựa chọn bởi có những bằng chứng rộng rãi cho thấy hành động của chính phủ tại đây đã đóng vai trò quan trọng trong giảm khoảng cách giàu nghèo trong quá khứ.
CRI đã được kiểm toán bởi Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu (Joint Research Centre of the European Commission) và được kết luận mang tính thống kê mạnh mẽ, mở đường cho một khung giám sát, giúp xác định những điểm yếu và hành động tốt nhất trong nỗ lực giảm bất bình đẳng của các chính phủ.
Một nghiên cứu đối với 13 quốc gia đang phát triển có sự giảm bất bình đẳng cho thấy 69% của việc suy giảm đến từ chi tiêu xã hội cho các dịch vụ công.
Chi tiêu xã hội cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm số lượng công việc chăm sóc không lương mà nhiều phụ nữ thường làm - nguyên nhân chính gây bất bình đẳng giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng ghi nhận thuế lũy tiến là công cụ chính phân phối lại thu nhập tại các quốc gia. Bên cạnh đó, mức lương cao hơn đối với những công nhân bình thường cùng quyền lao động mạnh mẽ hơn, đặc biệt đối với phụ nữ, là chìa khóa làm giảm sự bất bình đẳng.
Bằng chứng từ IMF và những nguồn khác cho thấy sự suy giảm mối quan hệ công đoàn trên toàn cầu gần đây có liên quan đến sự gia tăng bất bình đẳng do người công nhân mất quyền thương lượng, giá trị sản xuất sẽ chuyển sang lợi nhuận và vốn chủ sở hữu nhiều hơn. Phụ nữ đang hiện diện không cân xứng trong các công việc được trả lương thấp nhất thế giới, bảo vệ yếu kém từ phía xã hội và điều kiện làm việc bấp bênh.
Xếp hạng của Việt Nam cho thấy chính phủ đã có một số bước đi tích cực trong quá trình giảm sự bất bình đẳng. Trong số 3 lĩnh vực chính sách trên, thuế là khu vực cam kết tích cực nhất của Việt Nam với vị trí 46.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là cơ cấu thuế tiến bộ. Việt Nam sẽ được xếp hạng cao hơn nếu chính phủ không giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ 22% năm 2015 xuống 20% trong năm 2017. So với các nước khác trong khu vực, thuế TNDN của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng nên xem xét sự ảnh hưởng của đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%. Rõ ràng, việc tránh thuế/ trốn thuế cùng những ưu đãi thuế khác có thể gây ra sự mất mát đối với huy động ngân sách nhà nước.
Đối với chi tiêu xã hội, Việt Nam là một trong 10 quốc gia hàng đầu gia tăng chi tiêu, thể hiện hành động của chính phủ đối với các chính sách và chương trình cụ thể được thiết kế cho các nhóm thiệt thòi.
Việt Nam có mức điểm thấp hơn tại các chỉ số liên quan đến tính minh bạch và quyền lao động với vị trí 126. Việc cải thiện xếp hạng này sẽ cần nhiều hành động cũng như sự thể hiện trong thực tiễn liên quan đến tôn trọng quyền lao động và công đoàn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Bà đánh giá như thế nào về quá trình giảm bất bình đẳng hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam và những khuyến nghị đối với chính phủ Việt Nam?
Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa: Rõ ràng, sự bất bình đẳng khóa con người vào cái nghèo và là điều tồi tệ cho tất cả chúng ta. Không chỉ vậy, bất bình đẳng còn làm giảm tăng trưởng kinh tế, làm suy yếu thành tựu và kết quả của các quốc gia. Sẽ không có kết thúc đối với tình trạng nghèo cùng cực trừ phi chính phủ giải quyết được vấn đề và đảo ngược xu hướng.
Đây là thời điểm và động lực đúng đắn để giải quyết bất bình đẳng, lồng ghép vào các chương trình làm việc của tất cả các bộ ngành liên quan. Giảm bất bình đẳng phải là một phần trong chương trình giảm nghèo và giám sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc hội cũng như quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Việt Nam đã cam kết giảm bớt sự bất bình đẳng và xóa đói giảm nghèo thông qua các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và đặc biệt, mục tiêu số 10 về giảm bất bình đẳng sẽ được xem xét vào năm 2019.
Chính phủ Việt Nam có thể cải thiện đáng kể nỗ lực của mình đối với chi tiêu, thuế, lương và bảo trợ xã hội của người lao động thông qua một số hành động, bao gồm tăng thuế đối với các tập đoàn và cá nhân giàu có, loại bỏ các ưu đãi thuế thừa và có hại cho doanh nghiệp cũng như chấm dứt việc trốn thuế.
Bên cạnh đó, theo dõi có hệ thống đối với các khoản chi tiêu công có sự tham gia của công dân trong dịch vụ công và bảo trợ xã hội. Chi trả và bảo vệ tốt hơn đối với người lao động cả từ chính sách đến hành động và giám sát tiến độ giảm bất bình đẳng.
CRI 2018 cho thấy sự bất bình đẳng là lựa chọn của chính sách và các bước đơn giản, rõ ràng sẽ có thể giải quyết vấn đề. Những hành động của chính phủ cam kết là lời mời và động lực cho các bên định hình lại chương trình nghị sự cũng như những nguyện vọng.
Chỉ số cũng cho thấy việc giải quyết bất bình đẳng không nhất thiết phải là nước giàu mà là việc có ý chí chính trị để vượt qua và đưa vào thực tiễn các chính sách giảm bất bình đẳng.
Việc thay đổi là có thể và nó đang diễn ra. Việt Nam có thể xếp hạng cao hơn hay không trong những năm tới phụ thuộc vào sự lựa chọn và hành động của chính phủ.
Cụ thể, chính phủ Việt Nam có thể làm việc với các tổ chức quốc tế, xã hội dân sự, viện nghiên cứu và học viện để giám sát việc thực hiện các chính sách và đánh giá tác động của chúng, đặc biệt là các chính sách về thuế, xã hội hóa, tiền lương và quyền lao động, chi tiêu công.
Bên cạnh đó, hướng tới cải thiện nhanh chóng dữ liệu về sự bất bình đẳng và các chính sách liên quan nhằm theo dõi chính xác và thường xuyên.
Dữ liệu chính thức về chi tiêu vào y tế, giáo dục, thuế và chính sách lao động phải được thu thập thường xuyên như một phần của quá trình giám sát và dữ liệu về giới tính là rất cần thiết.
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam nên xem xét ba lĩnh vực khác có thể góp phần vào sự bền vững và giảm bất bình đẳng trong dài hạn.
Thứ nhất, bất bình đẳng kinh tế và giới tính. Việc bất bình đẳng giới sẽ làm trầm trọng thêm khoảng cách ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo và sự bất bình đẳng này sẽ khiến cuộc chiến bình đẳng giới trở nên khó khăn hơn.
Oxfam sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các nỗ lực gia tăng ngân sách cho các hoạt động giới cũng như thu thập giữ liệu vì khoảng cách dữ liệu giới có thể ngăn cản các quốc gia hiểu được sự bất bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em.
Nghiên cứu của Oxfam về dịch chuyển xã hội (social mobility) – sự thay đổi vị trí/vị thế xã hội của một cá nhân, hộ gia đình hay một nhóm theo thời gian trong một xã hội nhất định - chỉ ra rằng sự dịch chuyển giữa các thế hệ đã chậm lại trong những năm gần đây. Bất bình đẳng giới cùng với bất bình đẳng kinh tế làm giảm tính dịch chuyển xã hội của phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng đến những hy vọng trong tương lai.
Do vậy, quyền lao động mạnh mẽ và cơ hội bình đẳng là chìa khóa giúp những người trẻ tuổi đảm bảo việc làm và mức lương công bằng.
Cuối cùng, chính phủ cũng có thể thực hiện các chính sách khác như hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển nông thôn và vấn đề tài chính.
Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về gia tăng chi tiêu an sinh xã hội
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng
Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.
Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Bamboo Capital thắng lớn tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.