Phát triển kinh tế tuần hoàn: Cần một ‘cú hích’ về chính sách

Phạm Sơn - 18:05, 15/10/2021

TheLEADERThiếu sự liên kết, hợp tác, thiếu mô hình phù hợp và chính sách chưa rõ ràng là nguyên nhân doanh nghiệp Việt Nam chậm chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nói về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết, khái niệm kinh tế tuần hoàn lần đầu được nhắc tới trong những hội thảo được VBCSD tổ chức vào năm 2016.

Đến năm 2018, một trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai kinh tế tuần hoàn đã được thành lập, tích cực phối hợp với VBCSD để tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn cho doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn cũng dần nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII, Luật Bảo vệ môi trường 2020, xuất hiện trong các bài phát biểu cấp quốc tế của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước.

Một số cơ quan, tổ chức chuyên nghiệp về kinh tế tuần hoàn được thành lập và đi vào hoạt động, có thể kể đến như Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED).

Trải qua khoảng thời gian 5 năm kể từ lần đầu “làm quen” với khái niệm kinh tế tuần hoàn, theo nghiên cứu của công ty tư vấn EPRO, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những nhận thức tương đối tốt về mô hình này.

Cụ thể, trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), có đến 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát của EPRO (chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn) đã thực hiện những bước chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, bà Tăng Thị Hồng Loan, Giám đốc EPRO cho biết, có nhận thức ban đầu tốt nhưng chỉ có 8% doanh nghiệp thực hiện những bước chuyển đổi mang tính bài bản và hiệu quả, còn lại 82% mới chỉ dừng lại ở những hành động mang tính sơ khai, trung bình.

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Cần một ‘cú hích’ về chính sách
Thang đo mức độ tuần hoàn của EPRO

Tính trung bình, nhóm nghiên cứu của EPRO cho biết doanh nghiệp ngành FMCG của Việt Nam có điểm kinh tế tuần hoàn là khoảng 30,86/100 điểm, thuộc vào mức độ “mới bắt đầu” trên thang tiêu chí được EPRO xây dựng riêng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong đó, hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu, sử dụng nguyên liệu, sản phẩm thân thiện với môi trường là nhóm giải pháp được thực hiện nhiều nhất. Giái pháp về hợp tác và truyền thông được thực hiện ít nhất.

Nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ uống không cồn đang chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn nhanh nhất trong ngành FMCG. Kết quả nghiên cứu chỉ ra sự “tiên phong” này do thực hiện tốt giải pháp hợp tác và truyền thông, bao gồm hợp tác với tất cả các nhà cung ứng liên quan, lan tỏa thông điệp tuần hoàn tới khách hàng và đóng góp vào xây dựng chính sách.

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Cần một ‘cú hích’ về chính sách 1
Mức độ thực hiện các giải pháp triển khai kinh tế tuần hoàn trong ngành FMCG.

Có thể thấy rõ quá trình triển khai kinh tế tuần hoàn của nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ uống không cồn thông qua các thành viên của PRO Việt Nam như Nestlé, Coca Cola, LaVie, Pepsico… trong quá trình truyền thông thay đổi hành vi của người tiêu dùng, đóng góp ý kiến xây dựng nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường…

Cần sự rõ ràng trong chính sách

Kết quả nghiên cứu của EPRO cho thấy, 54% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh sang kinh tế tuần hoàn, trong đó 34% cho biết gặp khó khăn về chính sách và 48% cho biết khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, theo bà Loan, con số này thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

“Nếu chỉ có hơn 50% doanh nghiệp gặp khó khăn, vậy tại sao sự chuyển đổi vẫn còn khiêm tốn như vậy”, giám đốc EPRO đặt vấn đề.

Theo nhóm nghiên cứu, một yếu tố “đặc trưng” gây ra sự khó khăn của doanh nghiệp nằm ở việc thiếu thông tin, thiếu mô hình áp dụng. Thực tế, trên thế giới đã có rất nhiều mô hình triển khai ứng dụng kinh tế tuần hoàn đã chứng minh được hiệu quả, tuy nhiên không phù hợp và “không thể bê nguyên và để áp dụng” tại Việt Nam.

Một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là câu chuyện về chính sách. EPRO nhận định, khung chính sách thúc đẩy, khuyến khích kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững ở Việt Nam vẫn còn chưa rõ ràng, chưa cụ thể và không có cơ chế giám sát thực thi hiệu quả.

Lấy ví dụ như công cụ chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), có 58% doanh nghiệp cho biết có liên quan đến công cụ này nhưng chỉ có 19% doanh nghiệp chuẩn bị cho việc thực thi EPR.

Một ví dụ khác là chính sách yêu cầu doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và phải thực hiện kiểm toán năng lượng, tuy nhiên chỉ có 38% doanh nghiệp thực hành tiết kiệm năng lượng, nhiều doanh nghiệp thậm chí trả lời “không biết đến chính sách này”.

Theo bà Loan, đây là minh chứng rõ nét nhất cho thấy vấn đề “áp lực chính sách chưa đủ mạnh”, chưa có cơ chế theo dõi, giám sát để doanh nghiệp tạo ra sự thay đổi.

“Những gì có lợi về kinh tế, giúp tăng doanh thu, tiết giảm chi phí thì doanh nghiệp tự làm hết rồi, do đó cần phải có “cú hích” về chính sách để quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn diễn ra kịp thời và thuận lợi”, lãnh đạo EPRO kết luận.

Theo đó, chính sách ban hành có thể rất tốt về mặt vĩ mô nhưng cần phải cụ thể cho từng ngành, có lộ trình, thứ tự ưu tiên rõ ràng, đặt ra cơ chế làm sao để các bên cùng liên kết, cùng nhìn nhận, cùng có trách nhiệm.