Phương án xử lý hàng nghìn container phế liệu nhập tồn đọng ở cảng biển
Hạ Vũ
Thứ năm, 26/09/2019 - 20:00
Thủ tướng đang chuẩn bị ban hành Quyết định phê duyệt Quy chế phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu.
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) về phương án xử lý trước thực trạng tồn đọng một lượng lớn phế liệu nhập khẩu ở một số cảng biển tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03 tháng 2 năm 2019, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường và các cơ quan liên quan đề xuất phương án xử lý các lô hàng phế liệu tồn đọng tại cảng.
Theo số liệu của Tổng cục hải quan, tính đến 28/6/2019, số container phế liệu tồn đọng trên 90 ngày là 4.474 container trong tổng số 9.211 container phế liệu đang được lưu giữ. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP, Bộ Tài chính đã xây dựng phương án xử lý các lô hàng tồn đọng theo các bước sau:
Bước đầu là Thành lập Hội đồng xử lý hàng tồn đọng tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, trong đó có sự tham gia của đại diện Sở Tài nguyên và môi trường địa phương.
Bước 2, xác minh, thông báo tìm chủ hàng.
Bước 3, phân loại, kiểm kê hàng hóa tồn đọng. Tại bước này, Bộ Tài chính đã đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương có trách nhiệm kiểm kê, phân loại hàng hóa tồn đọng.
Bước 4, xác định hình thức xử lý đối với phế liệu tồn đọng. Đối với các lô hàng phế liệu không đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cơ quan Hải quan có văn bản thông báo yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày.
Quá 30 ngày kể từ ngày thông báo, các lô hàng không được vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sẽ được xử lý bằng hình thức tiêu hủy. Chi phí cho hoạt động tiêu hủy được trích từ số tiền bán đấu giá các lô hàng phế liệu đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Bộ Tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm đánh giá và cung cấp danh sách các tổ chức có năng lực xử lý, tiêu hủy các lô hàng phế liệu tồn đọng trước khi Hội đồng xử lý hàng tồn đọng tổ chức tiêu hủy hoặc bán đấu giá.
Số tiền còn lại thu được từ hoạt động bán đấu giá sẽ được nộp ngân sách theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, để giải quyết những những bất cập, vướng mắc đối với công tác quản lý phế liệu nhập khẩu hiện nay đồng thời cập nhật đầy đủ, chặt chẽ những quy định mới đã được ban hành, Thủ tướng đang chuẩn bị ban hành Quyết định phê duyệt Quy chế phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu.
Về việc một số quốc gia đã cương quyết xuất trả phế liệu nhập khẩu như Malaysia, Philippines, ngày 12/6/2019, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý nhập khẩu phế liệu nhựa của Việt Nam theo hướng các quốc gia nêu trên, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9 năm 2019.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông vận tải rà soát các quy định pháp luật và công ước quốc tế có liên quan để đề xuất phương án thực hiện tái xuất toàn bộ các lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu.
Trước tình trạng một lượng lớn hàng phế liệu từ các nước phát triển tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc loại bỏ, hạn chế và tiến tới cấm nhập khẩu một số loại phế liệu trong tương lai là cần thiết.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký chỉ thị về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.