PUMA vs PUMAH: Chiến thắng đặc quyền của nhãn hiệu nổi tiếng

Hường Hoàng - 09:20, 23/09/2022

TheLEADERNếu bạn là một người yêu thích thể thao hoặc là một fan hâm mộ của các loại giày, thì rất có thể trong tủ đồ của bạn sẽ có sự góp mặt của thương hiệu PUMA. PUMA là một trong những thương hiệu thời trang thể thao được mua nhiều nhất trên toàn thế giới. Vậy bạn đã bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó PUMA sẽ kinh doanh thiết bị hoặc phần mềm điện tử?

PUMA vs PUMAH: Chiến thắng đặc quyền của nhãn hiệu nổi tiếng
PUMA và công ty nội địa Trung Quốc PUMAH có nhiều tranh chấp về nhãn hiệu (Ảnh: Unimarks)

Nhiều người tin rằng điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra. Tại sao không? Một thương hiệu hoàn toàn có thể kinh doanh nhiều loại hàng hóa hoàn toàn khác nhau. Nhiều người lại cho rằng nhãn hiệu nổi tiếng này không bao giờ đi chệch ra khỏi lĩnh vực kinh doanh chính của mình.

Bài viết kể về hành trình chiến thắng của PUMA trước nhãn hiệu PUMAH của Trung Quốc. Đây là một trong những trường hợp pha loãng nhãn hiệu điển hình trên thế giới.

Phán quyết ban đầu

Được thành lập vào năm 1948, PUMA là một trong những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trong ngành công nghiệp quần áo. Có mặt trên toàn cầu, thương hiệu này đã thâm nhập thị trường Trung Quốc vào năm 1990 và nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc. Công ty bắt đầu kinh doanh bằng thương hiệu BIAO MA, đi kèm chiếc logo đặc trưng có hình một chú báo sư tử (puma) đang nhảy qua các chữ cái viết hoa PUMA.

Cho đến năm 2005, công ty Ningbo Spark Motor của Trung Quốc bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực máy móc với nhãn hiệu PUMAH. Cụ thể, công ty này kinh doanh động cơ cơ khí, cụm máy phát điện chạy xăng và diesel, máy bơm nước, máy giặt, máy xây dựng, máy nông nghiệp. Tên tiếng Trung của nhãn hiệu này cũng là BIAO MA, với bản dịch tiếng Anh là “PUMAH”. Logo của họ có hình một con ngựa đang nhảy qua các chữ cái viết hoa PUMAH.

Vào năm 2019, PUMA đã đệ đơn vô hiệu hóa nhãn hiệu PUMAH tại Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc với lý do nhãn hiệu PUMAH có tên và logo giống với PUMA. Việc thay chú báo sư tử thành chú ngựa, cũng như việc thêm chữ H vào logo không khiến cho hai nhãn hiệu quá khác biệt nhau.

Tuy vậy, Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc phán quyết rằng hai nhãn hiệu không giống nhau vì họ đang kinh doanh những loại hàng hóa khác nhau: một trong ngành công nghiệp quần áo và một trong ngành công nghiệp máy móc. Do đó, nhãn hiệu bị tranh chấp sẽ không gây hiểu lầm cho công chúng cũng như không gây tổn hại đến lợi ích của PUMA.

Khiếu nại lên Ủy ban sở hữu trí tuệ Bắc Kinh

Không hài lòng với phán quyết này, PUMA đã nộp tất cả các bằng chứng cho Hội đồng Sở hữu Trí tuệ Bắc Kinh để chứng minh rằng PUMA là một nhãn hiệu nổi tiếng. Công ty đã yêu cầu Tòa án công nhận PUMA là nhãn hiệu nổi tiếng và hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu PUMAH.

Lần này, Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (BIPB) vẫn phán quyết rằng mặc dù nhãn hiệu của PUMA rất phổ biến trong ngành hàng quần áo và giày dép, nhưng người dùng vẫn sẽ không bị nhầm lẫn giữa hai công ty. Do đó, PUMAH vẫn không bị vô hiệu hóa nhãn hiệu.

Kháng cáo lên Tòa án Tối cao Bắc Kinh

Không thể chấp nhận thất bại này, PUMA đã kháng cáo lên Tòa án nhân dân tối cao với những lý lẽ sau đây:

Thứ nhất là nhãn hiệu bằng chữ của hai thường hiệu này rất giống nhau.

Thứ hai là tên tiếng Anh của hai nhãn hiệu. Nhãn hiệu bị kiện (PUMAH) chứa toàn bộ từ PUMA, và việc bổ sung chữ “H” vào nhãn hiệu thực sự không tạo ra thêm bất kỳ sự khác biệt nào: Tên của cả hai nhãn hiệu này đều sẽ được phát âm giống nhau.

Thứ ba là phần tiếng Trung của hai nhãn hiệu. Cả hai công ty đều dùng tên tiếng Trung là "BIAO MA” và cách phát âm cũng tương tự nhau. Đây rõ ràng là một trường hợp đạo nhái.

Logo của hai bên rõ ràng rất giống nhau, từ phông chữ cho đến hình vẽ. Điều này chắc chắn sẽ làm khách hàng phát sinh sự nhầm lẫn.

Cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng cho PUMA

Cuối cùng, Tòa án Bắc Kinh đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng cho PUMA đối với các mặt hàng giày dép, quần áo... Đồng thời, các yếu tố cấu thành tên, hình thức và cách phát âm của nhãn hiệu PUMAH được coi là giả mạo nhãn hiệu PUMA. Vì vậy, sau một thời gian dài chiến đấu, thương hiệu PUMA đã được công nhận là một nhãn hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc và có thể hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu “PUMAH” theo Điều 13.3 của Luật Nhãn hiệu Trung Quốc 2013.

Nếu không được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, sẽ rất khó để PUMA hủy bỏ hiệu lực của PUMAH bởi hai công ty kinh doanh hàng hóa khác nhau nên ít có khả năng gây nhầm lẫn.

Nhãn hiệu nổi tiếng có đặc quyền rất lớn. Những nhãn hiệu này không chỉ có khả năng ngăn các doanh nghiệp cùng ngành mà còn có thể ngăn những doanh nghiệp khác ngành sử dụng tên trùng hoặc tên tương tự với họ.