Quan tâm sức khỏe tâm thần sao cho đúng khi nhân viên ngày càng bất ổn?

Hoài An - 19:13, 23/08/2021

TheLEADERTrong khi khoảng 80% nhân viên coi trọng sức khỏe tâm thần thì gần 1/3 doanh nghiệp không đưa ra bất kỳ hỗ trợ nào về khía cạnh này, cho thấy sự quan tâm chưa đúng mức về vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.

Khảo sát mới đây của Adecco Việt Nam chỉ ra rằng, gần 54% nhân viên được hỏi cho biết, họ cảm thấy căng thẳng hơn trong đợt bùng phát dịch gần nhất so với năm 2020.

Cụ thể, 43% thế hệ Z (những người dưới 25 tuổi) căng thẳng "gần như luôn luôn" và "hầu hết thời gian", tỷ lệ cao nhất so với các thế hệ khác. 30% “thỉnh thoảng” gặp tình trạng căng thẳng.

5 yếu tố gây căng thẳng chính là sự an toàn trong thời điểm dịch, khả năng tài chính dài hạn, đảm bảo công việc và triển vọng nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần và thể chất, và tiếp nhận quá nhiều thông tin.

Andree Mangels, Tổng giám đốc Adecco Việt Nam, nhấn mạnh vấn đề an toàn tại nơi làm việc cần được ưu tiên hàng đầu vì con người là cốt lõi của mọi tổ chức.

Việc bị giới hạn đi lại, gián đoạn trong sinh hoạt hàng ngày, lo sợ nguy cơ lây nhiễm, cũng như bất an về tài chính và công việc có thể làm xấu đi sức khỏe tâm thần và sức khỏe nói chung, dần dần dẫn đến tinh thần làm việc và năng suất thấp.

Ông nhận định bên cạnh việc tuân thủ các chỉ đạo từ chính phủ, các nhà lãnh đạo nên lắng nghe nhu cầu và mối quan tâm của nhân viên để hỗ trợ kịp thời. Điều này có thể được thực hiện thông qua các khảo sát định kỳ, buổi gặp mặt riêng 1-1, họp hàng tháng hoặc các kênh phản hồi ẩn danh.

“Cách các nhà lãnh đạo dẫn dắt lực lượng lao động trong thời kỳ đại dịch có thể để lại dấu ấn trong văn hóa công ty, và quyết định liệu nhân viên có gắn bó lâu dài hay không”, vị này nhấn mạnh.

Quan tâm sức khỏe tâm thần sao cho đúng khi nhân viên ngày càng bất ổn?
Thường xuyên trao đổi là một trong những cách thức giúp gắn kết đội ngũ, cũng như giải quyết kịp thời các khó khăn của nhân viên khi làm việc từ xa.

Đáng chú ý, Adecco cho biết trong khi khoảng 80% nhân viên coi trọng sức khỏe tâm thần, thì gần 1/3 doanh nghiệp không đưa ra bất kỳ hỗ trợ nào về khía cạnh này, cho thấy sự quan tâm chưa đúng mức về vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.

Theo quan sát của Giám đốc y tế khu vực của International SOS Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp hiện nay vẫn ưu tiên các vấn đề sức khỏe tổng thể liên quan đến công việc, đánh giá sức khỏe đầu vào, cũng như xác định và quản lý các bệnh truyền nhiễm.

Trong khi đó, ngay từ trước khi dịch Covid-19 diễn ra, sức khỏe tâm thần đã được coi là mối quan tâm, và là “cơn sóng thần” mới quét qua môi trường làm việc hiện đại. 

Sức khỏe tâm thần đứng đầu trong danh sách các bệnh không lây nhiễm (NCDs), còn được gọi là các bệnh về lối sống, vốn ảnh hưởng đến tinh thần, năng suất và khả năng duy trì trong ngắn hạn. Các bệnh không lây nhiễm khác bên cạnh các vấn đề sức khỏe tâm thần là bệnh tim, các dạng ung thư, tiểu đường và các bệnh hô hấp.

Hóa giải khoảng cách trong chia sẻ khó khăn

Đại diện của International SOS Việt Nam cho rằng nhân viên gặp phải nhiều rào cản khi thảo luận về các vấn đề tâm thần.

Trở ngại đầu tiên là sự kỳ thị thường thấy về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là ở châu Á, ngăn cản mọi người cởi mở về các vấn đề của họ.

Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo không nhận thức được về vấn đề sơ cứu sức khỏe tâm thần khi họ chưa hiểu rằng, bộ kỹ năng sơ cứu sức khỏe tâm thần cũng quan trọng như các kỹ năng sơ cứu sức khỏe thể chất. Một số doanh nghiệp thậm chí còn yêu cầu nhân viên làm việc ngoài giờ, đôi khi vào cuối tuần hoặc ngày lễ, để đáp ứng các mục tiêu kinh doanh.

Sự thiếu hiểu biết từ đội ngũ quản lý khiến nhân viên e ngại hơn khi nói về sức khỏe tâm thần của họ.

Cuối cùng, nhiều nơi làm việc đã chuyển sang hình thức văn phòng ảo hoặc văn phòng lai (hybrid office). Ở những nơi này, nhân viên có thể làm việc liên tục với việc kiểm tra các trang mạng xã hội, các cuộc họp và trao đổi trực tuyến, cũng như làm việc với các múi giờ khác nhau.

a

Các nhân viên đều hy vọng có thêm sự hỗ trợ về mặt tinh thần từ người sử dụng lao động. Đưa ra chính sách làm việc linh hoạt hơn và thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh giữa công việc – cuộc sống là những biện pháp hỗ trợ phổ biến nhất hiện nay (tương ứng là 36% và 23%). Đây cũng là hai yếu tố được người lao động yêu thích nhất.

Ngoài ra, nhân viên cũng mong muốn bên cạnh việc tổ chức các hoạt động chánh niệm (mindfulness) hoặc các buổi trị liệu (37,9%), đào tạo đội ngũ quản lý để nhận biết các triệu chứng về sức khỏe tâm thần (34,7%) cũng như kiểm tra sức khỏe định kỳ (33,4%).

International SOS Việt Nam khuyến nghị, trước khi xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể, doanh nghiệp nên thực hiện một cuộc khảo sát nội bộ để xác định liệu sức khỏe tâm thần có phải là vấn đề nhức nhối hay không.

Khảo sát này sẽ giúp chỉ ra các vấn đề cụ thể đang ảnh hưởng đến nhân viên. Dựa trên các phản hồi, các công ty có thể phát triển một chương trình tích hợp về năng lực phục hồi cuộc sống – tập trung vào một khía cạnh của việc phục hồi cuộc sống/sức khỏe tâm thần thông qua việc cung cấp các nội dung cụ thể trong 8 – 12 tuần.

Các công ty nên thường xuyên theo dõi bảng khảo sát này để thu thập ý kiến đóng góp liên tục từ nhân viên.

Đồng thời, các doanh nghiệp có thể mở rộng các hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ việc chú trọng sức khỏe tâm thần cho đến sức khỏe thể chất, hỗ trợ thêm trong tập luyện, dinh dưỡng, nghỉ ngơi và giao tiếp xã hội.

Đại dịch này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tự tái tạo. Để tận dụng tối đa thời điểm này, các doanh nghiệp không chỉ nên tập trung vào việc duy trì hoạt động kinh doanh, mà nên quan tâm đến nhân viên của họ.

Andree Mangels đánh giá thời kỳ bất ổn hiện nay mang lại nhiều lo lắng cho tất cả mọi người. Vì vậy, trong khi áp dụng các biện pháp cách ly và chuyển đổi sang mô hình làm việc lai, cần thúc đẩy sự kết nối và đồng cảm giữa mọi người hơn bao giờ hết.

Bằng việc đầu tư vào con người, người sử dụng lao động có thể đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi sang môi trường làm việc mới hậu Covid-19.

“Cho dù đó là đầu tư vào đào tạo lại kỹ năng hay chế độ an sinh, thì những nỗ lực của doanh nghiệp sẽ cải thiện sự tương tác và hiệu suất làm việc của nhân viên, cũng như giữ chân nhân tài và xây dựng nên thương hiệu nhà tuyển dụng tiềm năng. Sau cùng, những điều này sẽ đảm bảo kết quả kinh doanh ổn định và lâu dài”, vị chuyên gia phân tích.