Quảng Ngãi: Mất cả nghìn ha rừng tự nhiên vì… xác định nhầm!

Thái Bình - 12:26, 24/08/2020

TheLEADERTheo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chấn chỉnh, rà soát số liệu và công bố hiện trạng rừng năm 2019, mới đây tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo liên quan. Trong đó, ghi nhận tình trạng mất rừng hoặc sai lệch diện tích rừng – vì đơn vị chức năng sử dụng số liệu… nhiều năm trước.

Quảng Ngãi: Mất cả nghìn ha rừng tự nhiên vì… xác định nhầm!
Kiểm lâm và các chủ rừng chủ yếu theo dõi diễn biến rừng bằng phương pháp khoanh vẽ thực địa theo hướng dốc đối diện.

Xử lý trách nhiệm chưa rõ ràng

Cụ thể, qua rà soát, diện tích rừng tự nhiên năm 2019 giảm so với năm 2018 là 1.507,06 ha. Rừng phòng hộ giảm 807 ha, rừng sản xuất giảm khoảng 498 ha, rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp giảm khoảng 200 ha.

UBND tỉnh Quảng Ngãi lý giải, một trong những nguyên nhân (làm giảm diện tích rừng tự nhiên năm 2019 so với năm 2018) là do tình trạng phá rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng với diện tích lên tới 127,43 ha. Trong đó, diện tích do hộ gia đình quản lý (huyện Đức Phổ) là 72,6 ha, do UBND cấp xã quản lý là 12,02 ha và diện tích do Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý là 42,81 ha.

Đáng chú ý hơn, nguyên nhân sai sót trong xác định hiện trạng rừng những năm trước đây (diện tích lên tới 1.410,80 ha). Chi tiết như: rừng trồng “xác định nhầm” là rừng tự nhiên (khoảng 396 ha); rừng tự nhiên “nhầm” là rừng trồng (khoảng 92 ha); rừng tự nhiên “nhầm” là đất chưa có rừng (gần 10ha) hay đất có cây gỗ tái sinh bị “xác định nhầm” là rừng tự nhiên (khoảng 1.116 ha)…

Phân theo quản lý, ghi nhận diện tích khoảng 608 ha do UBND cấp xã quản lý và 802 ha do chủ rừng, tổ chức được giao quản lý (Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh phụ trách 783 ha).

Về việc này, tỉnh Quảng Ngãi xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra mất rừng do phá rừng hoặc sai lệch diện tích rừng do kiểm kê rừng, cập nhật diễn biến rừng.

Trước hết, hộ gia đình chịu trách nhiệm về việc phá, lấn chiếm đất rừng, làm giảm diện tích rừng tự nhiên. Tuy nhiên, UBND tỉnh thông tin, hầu hết đây là diện tích khoanh nuôi có trồng bổ sung (đất rừng sản xuất) thuộc Dự án Khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững (KfW6) trước đây, các hộ gia đình tham gia đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất lâm nghiệp để phát triển rừng.

Khi dự án kết thúc, người dân không còn được hỗ trợ kinh phí để thực hiện các hoạt động lâm sinh như: chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ rừng nên dây leo, cây bụi tái sinh mạnh chèn ép làm cho cây trồng bổ sung dinh dưỡng kém, còi cọc. Người dân không có sản phẩm hưởng lợi từ rừng qua nhiều năm, vì nhu cầu kinh tế và đất sản xuất nên đã lén lút phát dọn thực bì trồng xen cây Keo.

Việc xử lý trách nhiệm đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân được cấp GCNQSD để khoanh nuôi có trồng bổ sung trước đây chưa rõ ràng, nên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở việc tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm bảo vệ rừng.

Điều tra rừng 2019 bằng “kế thừa” số liệu năm 2016

Theo quy định, Kiểm lâm địa bàn chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả theo dõi diễn biến rừng đối với diện tích do UBND cấp xã quản lý; Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh và các công ty lâm nghiệp (gọi tắt là chủ rừng) chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả theo dõi diễn biến rừng thuộc phạm vi diện tích được giao.

Tỉnh Quảng Ngãi diễn giải, trong quá trình thực hiện theo dõi diễn biến rừng những năm trước, Kiểm lâm địa bàn và các chủ rừng đã chủ quan “kế thừa thành quả điều tra, kiểm kê rừng năm 2016’ mà chưa tiếp cận thực địa toàn diện diện tích quản lý – dẫn đến chưa phát hiện kịp thời những sai sót trong xác định hiện trạng đối với diện tích rừng tự nhiên từ kết quả điều tra, kiểm kê rừng năm 2016.

Bên cạnh đó, những hạn chế về kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng cũng là nguyên nhân dẫn đến sai sót trong việc xác định hiện trạng. Kiểm lâm và các chủ rừng chủ yếu theo dõi diễn biến rừng bằng phương pháp khoanh vẽ thực địa theo hướng dốc đối diện. Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên lại thường phân bố ở những nơi cao, xa nên công tác ngoại nghiệp (gồm toàn bộ các công việc đo đạc bản đồ; quản lý đất đai thực hiện ở ngoài trời – PV) rất khó khăn trong khi nguồn nhân lực thiếu.

Ngoài ra, UBND tỉnh cho biết, việc sử dụng các nguồn ảnh vệ tinh các năm trước đây để kiểm tra, theo dõi diễn biến rừng chưa phổ biến, Kiểm lâm địa bàn và các chủ rừng chưa tiếp cận sử dụng thành thạo dẫn đến chưa phát hiện kịp thời những sai sót. Đến năm 2019, trong quá trình thực hiện giao rừng và lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng thì các hạt kiểm lâm sở tại và chủ rừng mới phát hiện, xác định lại hiện trạng rừng đúng thực tế.

Đặc biệt, trách nhiệm điều tra, kiểm kê rừng năm 2016 có liên quan trực tiếp tới Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh.

Sở này là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện dự án điều tra, kiểm kê rừng năm 2016 tỉnh Quảng Ngãi theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ngãi xác định, xuất phát từ nguyên nhân khách quan về kết quả Điều tra rừng năm 2016 do đơn vị tư vấn Trung ương (Viện nghiên cứu Lâm sinh – Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) thực hiện và bàn giao cho địa phương, làm cơ sở để các đơn vị tư vấn địa phương thực hiện kiểm kê rừng đối với chủ rừng nhóm I và nhóm II trên địa bàn. 

“Việc điều tra rừng được thực hiện chủ yếu thông qua giải đoán ảnh vệ tinh kết hợp điều tra một số ô định vị mặt đất, nhưng số lượng ô định vị bố trí chưa đủ đại diện nên chất lượng chưa cao. Trong khi đó, thời điểm thực hiện kiểm kê rừng trùng vào mùa mưa, không thuận lợi cho công tác kiểm tra thực địa nên đã phát sinh sai sót về xác định hiện trạng rừng tự nhiên” – UBND tỉnh nêu lý do.

Về xử lý trách nhiệm, đối với cơ quan kiểm lâm, UBND tỉnh buộc thôi việc 1 viên chức, luân chuyển những kiểm lâm địa bàn không hoàn thành nhiệm vụ, hạ bậc thi đua đối với tập thể để xảy ra phá rừng. Đối với chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ: Luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác 11 viên chức và hợp đồng lao động, cho thôi việc 2 hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng.