Sản phẩm Make in Vietnam chuyển mình ngoạn mục

Việt Hưng - 15:30, 03/01/2023

TheLEADERSự phát triển của ngành công nghệ số Việt Nam không chỉ thể hiện ở việc các sản phẩm Make in Việt Nam đảm nhận trọng trách chuyển đổi số quốc gia mà còn thể hiện thông qua việc khai phá thị trường nước ngoài.

Trong bối cảnh năm 2022 với nhiều khó khăn và biến động, công nghiệp công nghệ số đã khẳng định được vai trò, vị trí và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội của đất nước với doanh thu toàn ngành ước đạt hơn 160 tỷ USD.

Công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế động lực của cả nước, đóng vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Doanh nghiệp công nghệ số có sự phát triển mạnh mẽ với 70.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và hoạt động, vượt thời hạn 3 năm so với mục tiêu của năm 2025.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhận định: "Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng của công nghệ số, dữ liệu số, ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Cuộc Cách mạng này đang mở ra cánh cửa mới, không gian mới cho mọi ngành nghề, lĩnh vực; những khởi tạo mới với những sứ mệnh và tầm nhìn mới".

Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam cần tiếp tục bắt kịp những chuyển dịch này để có những khởi tạo mới định hướng cho tương lai"

Đánh giá về các sản phẩm "Make in Vietnam", Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, sản phẩm Make in Vietnam đã đang có những bước chuyển mình ngoạn mục. Nhiều sản phẩm đã tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Sản phẩm Make in Vietnam chuyển mình ngoạn mục
Sản phẩm Make in Vietnam chuyển mình ngoạn mục

Chẳng hạn, Mesh wifi của VNPT - giải vàng sản phẩm số xuất sắc 2021 đã tăng trưởng 400% từ 44.000 sản phẩm lên 220.000 sản phẩm.

Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS - giải bạc nền tảng số xuất sắc đã và đang đồng hành cùng hơn 42.000 doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số.

Hệ thống giám sát sâu rầy thông mình của Rynan - giải bạc sản phẩm số xuất sắc đã tăng trưởng 96%, hiện mạng lưới đã lắp đặt trên 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, và đặc biệt trong năm 2022 sản phẩm đã được cấp phép thương mại tại Nhật Bản.

Còn theo Cục Công nghiệp CNTT-TT, sự phát triển của ngành công nghệ số Việt Nam không chỉ thể hiện ở việc các sản phẩm Make in Việt Nam đảm nhận trọng trách chuyển đổi số quốc gia mà còn thể hiện thông qua việc khai phá thị trường nước ngoài.

Các doanh nghiệp đang vươn ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng. Dẫn đầu xu hướng là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT.

Các doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực đã đầu tư trực tiếp để phát triển mạnh mẽ tại thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể. Đây là bước tiến khởi đầu tốt để các sản phẩm, giải pháp phần mềm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới.

Cách đây 10 - 15 năm, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thực hiện một số công đoạn của sản phẩm phần mềm nhưng gần đây doanh nghiệp Việt Nam làm gia công phần mềm đã có thể làm toàn bộ sản phẩm. Một số đối tác nước ngoài chỉ đưa đầu bài còn lại là do công nghiệp làm. Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang nâng tầm trong chuỗi giá trị.

Đối với lĩnh vực phần mềm, ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Công nghiệp CNTT-TT cho biết doanh thu của lĩnh vực đạt khoảng 2,2 tỷ USD. 

Trong khi đó, lĩnh vực phần cứng, như sản xuất chip chỉ có một số quốc gia làm được nhưng hệ sinh thái vi mạch điện tử Đông Nam Á đang phát triển nhanh như Singapore, Thái Lan làm sản xuất đóng góp trong chuỗi giá trị phần cứng. Đây cũng được xem là cơ hội phù hợp để Việt Nam tham gia.