Sáng tối đan xen trong bức tranh kinh tế quý I

Phạm Sơn - 15:56, 02/04/2024

TheLEADERKinh tế Việt Nam đang nối tiếp đà phục hồi từ cuối năm 2023 nhưng vẫn còn nhiều dấu hiệu “hụt hơi”, bộc lộ những thương tổn từ gốc rễ.

Sáng tối đan xen trong bức tranh kinh tế quý I
Nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng cao cho thấy sự phục hồi trong ngành sản xuất, chế biến, chế tạo. Ảnh: Hoàng Anh

5,66% là mức tăng trưởng GDP quý I/2024, con số được đánh giá khá ấn tượng, mở màn cho một năm 2024 “khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội”. Đây cũng là mức tăng trưởng GDP quý I cao nhất kể từ đại dịch Covid-19 đến nay.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng gần 7%, đóng góp hơn 1,7% cho tăng trưởng GDP, được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá là mức tăng cao trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn như hiện nay.

Một con số cũng phản ánh sự hồi phục trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm đến 94%. Con số này phản ánh nhu cầu đầu vào của doanh nghiệp đang phục hồi tương đối tốt, tạo đà cho tăng trưởng trong những tháng tiếp theo.

Xuất khẩu chứng kiến đà tăng mạnh mẽ, đặc biệt ở một số nhóm hàng như điện tử và linh kiện, dệt may. Phục hồi xuất khẩu ở nhóm hàng chủ lực này là điểm tựa quan trọng cho tăng trưởng.

Phục hồi trong sự “hụt hơi”

Ba tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 36 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, có khoảng 9,7 nghìn doanh nghiệp tăng vốn và 23,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, cho thấy niềm tin vào nền kinh tế và triển vọng kinh doanh đang phần nào quay trở lại.

Tuy nhiên, có đến hơn 53,4 nghìn doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Số lượng rút lui hoàn toàn khỏi thị trường cũng tăng mạnh với khoảng 20,6 nghìn doanh nghiệp.

Tổng kết lại, số lượng doanh nghiệp còn hoạt động trong nền kinh tế giảm 14,1 nghìn trong quý I/2024. Điều này đặt ra nghịch lý so với bức tranh phục hồi của nền kinh tế.

Nếu nhìn theo góc độ khác, nghịch lý này không khó giải thích. Cộng đồng doanh nghiệp đã oằn mình gánh chịu những tác động sâu sắc và đa chiều trong suốt bốn năm qua, khó khăn thách thức liên tục ập đến. Nội lực doanh nghiệp suy kiệt, niềm tin và hy vọng cũng bị xói mòn đáng kể.

Ví nền kinh tế Việt Nam như người bệnh đang phục hồi, những doanh nghiệp “rời cuộc chơi” có thể xem như những tế bào cũ, không còn sức chống chịu nên bị đào thải khỏi cơ thể. Điều này có thể xem như một quy luật tất yếu nhưng cũng phản ánh sự “hụt hơi” của nền kinh tế, giống như người mới ốm dậy, thể lực chưa thể khôi phục hoàn toàn.

Sự “hụt hơi” cũng được phản ánh qua con số tăng trưởng tín dụng, chỉ rơi vào khoảng 0,26% trong ba tháng đầu năm. Thông thường, theo chu kỳ, tăng trưởng tín dụng thường thấp vào dịp đầu năm nhưng con số 0,26% có thể nói là thấp một cách bất thường và thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, trong một sự kiện về đầu tư vào tháng 3, nhận xét, nguồn vốn của nền kinh tế còn dồi dào nhưng vẫn rất đắt đỏ, đắt hơn nhiều các quốc gia lân cận chứ chưa nói đến các nước phát triển.

“Nếu tiếp cận nguồn lực kịp thời, nhiều doanh nghiệp có thể đã không phải đưa ra quyết định rút khỏi thị trường”, bà Lan nói.

Chỉ sau đó vài ngày, chủ trì hội nghị về triển khai chính sách tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đặt ra câu hỏi rằng tại sao lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng nhưng doanh nghiệp vẫn “kêu” thiếu vốn?

Tính đến hết quý I/2024, cùng với mức tăng trưởng tín dụng dương, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm nhẹ khoảng hơn 0,7%, cho thấy bệnh “thừa tiền” đang được cải thiện.

Tuy nhiên, mức cải thiện quá nhỏ phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất yếu.

Đặt trong bối cảnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ đã triển khai một thời gian dài, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu chứng tỏ số nhân tài khóa không ở mức cao. Điều này có thể xuất phát từ việc các chủ thể trong nền kinh tế, bao gồm doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa đặt nhiều niềm tin vào triển vọng phục hồi.

Thách thức cũ chưa qua, khó khăn mới lại ập đến khiến việc khôi phục niềm tin kinh doanh tương đối khó khăn. Khảo sát của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, chỉ có khoảng hơn 22% doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh quý I/2024 tốt hơn so với quý IV/2023.

Hơn 45% doanh nghiệp dự kiến tình hình sẽ khả quan hơn vào quý II/2024. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin vẫn chưa chạm đáy, nhờ vào những thành tựu như giữ vững ổn định vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng dương trong hoàn cảnh gian khó.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vực dậy niềm tin cho các chủ thể trong nền kinh tế lúc này không phải là điều đơn giản, đòi hỏi nỗ lực chính sách sát sao hơn với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp.