Sửa luật để buộc doanh nghiệp FDI liên kết với trong nước

Nhật Hạ - 09:44, 06/06/2024

TheLEADERĐây là một trong những đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và từng bước nội địa hóa sản phẩm.

Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 5/6, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn tỉnh Bắc Kạn) cho biết, hiện nay ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất.

Tuy nhiên, năm vừa qua, sức khỏe của doanh nghiệp suy giảm khá nghiêm trọng về doanh thu, tình trạng mất đơn hàng từ nhiều thị trường đang diễn ra và hiện nay đang gặp hai nút thắt rất lớn về vốn và chi phí.

Trong khi đó, làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của nhiều nước vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn và rất nhanh.

Đại biểu Ngân bày tỏ lo ngại tình trạng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa kịp lớn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bao giờ cũng muốn tìm đối tác công nghiệp hỗ trợ cùng "hệ" với họ, về tiêu chuẩn sản phẩm, môi trường, giá cạnh tranh... trong khi doanh nghiệp Việt sức khoẻ yếu.

Muốn giành lại thị phần, ông cho rằng phải rà lại chính sách để doanh nghiệp trong nước hấp thụ được. Các địa phương phải giành điều kiện thuận lợi nhất có thể giúp doanh nghiệp có mặt bằng, hạ tầng, hỗ trợ về vốn, nhân lực...

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, phải sửa Luật Đầu tư nước ngoài và các luật liên quan để có cơ chế ràng buộc doanh nghiệp FDI liên kết, chia sẻ với các đơn vị trong nước, thay vì khuyến khích như hiện nay nhằm từng bước nội địa hóa sản phẩm.

Đề xuất sửa luật để buộc doanh nghiệp FDI liên kết với doanh nghiệp trong nước
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, thời gian qua, nhiều quy định, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành.

Công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí đã khẳng định vai trò đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành như dệt may, da giày đạt tới 50% và cơ khí đạt hơn 30%.

Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng góp phần thu hút các tập đoàn lớn thế giới mở rộng nhà máy và các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) ở Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay các chính sách ưu đãi còn rất nhiều hạn chế. Nguồn lực đầu tư của Nhà nước ít, khó tiếp cận. Một số điều kiện hưởng ưu đãi chưa phù hợp, doanh nghiệp rất khó tiếp cận.

Chính sách thu hút FDI chưa ràng buộc, khuyến khích tăng tính lan tỏa cho doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp Việt cũng chưa quan tâm, tìm hiểu chính sách hỗ trợ.

Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm, gồm cơ khí, chế tạo, điện tử, năng lượng, hóa học.

Lý giải thêm về tình trạng triển khai chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, Bộ trưởng Diên cho biết, đã có nhiều chính sách liên quan tới nhiều ngành được ban hành nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy vậy, không ít chính sách hiện chồng chéo, mâu thuẫn.

Chẳng hạn, chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất vừa qua thực hiện còn hạn chế do vướng các quy định liên quan.

Vì thế, Bộ trưởng cho rằng, để chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ phát huy hiệu quả, thì các bộ, ngành cần rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi chính sách chồng chéo.

"Trách nhiệm ngành nào thì ngành đó rà soát, tham mưu sửa, là cái gốc quan trọng nhất để các chính sách ban hành có thể khả thi", theo Bộ trưởng Diên.