Thủ tướng ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ 5 năm tới

Nhật Hạ - 15:03, 21/02/2020

TheLEADERViệt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7-7,5% trong giai đoạn 2021-2025. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 43-44% sau 5 năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt đề án "Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025".

Mục tiêu tổng quát của đề án này nhằm cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, du lịch..., tăng cường xuất khẩu dịch vụ, giảm thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, hướng tới thặng dư trong cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ.

Đồng thời, đề án này hướng tới xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế phát triển ngành dịch vụ nhằm tạo khuôn khổ chính sách và thể chế đồng bộ hướng vào việc xây dựng ngành dịch vụ chất lượng, hiệu quả và cạnh tranh; tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường trong phân bổ các nguồn lực phát triển các ngành dịch vụ.

Từ đó thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh về dịch vụ của Việt Nam với các quốc gia ASEAN-4.

Cụ thể, Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6,6 - 7,1%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 41,5-42% vào năm 2020. Giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7-7,5%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 43-44% vào năm 2025.

Đến năm 2020, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 25%. Đến năm 2025, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 30-35%.

Về tài chính - ngân hàng, đến năm 2020, ít nhất 12 – 15 ngân hàng thương mại áp dụng Basel và đến năm 2025 tất cả các ngân hàng đều áp dụng tiêu chuẩn này.

Đồng thời, tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng/tổng thu nhập của các ngân hàng đạt 16-17%; tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống dưới 3%; ít nhất 2-3 ngân hàng Việt nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.

Đến năm 2025, công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Việt Nam có khả năng chủ động trong việc sản xuất được các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin, điện tử, các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, đảm bảo an toàn thông tin và chủ quyền quốc gia số.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, sau 5 năm tới, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 4,6 triệu người, ít nhất 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; phát triển quy mô và mạng lưới trường các cấp bậc học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục; hội nhập quốc tế về giáo dục.

Về logistics và vận tải, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-15% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đến năm 2025, thông qua yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 20%/năm.

Việt Nam thu hút khoảng 32 triệu lượt khách quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa vào năm 2025. Du lịch đóng góp trên 10% GDP và đảm bảo 70% lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng. 

Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 45 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp.

Thủ tướng ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ 5 năm tới
Việt Nam thu hút khoảng 32 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025.

Về y tế, Việt Nam phấn đấu đạt 30 giường bệnh, 10 bác sĩ trên 1 vạn dân vào năm 2025. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ trọng chi tiêu công cho y tế đạt 4% GDP. Tỷ trọng chi tiêu tiền túi giảm còn 35% tổng chi cho y tế. Tỷ lệ hộ gia đình có chi phí y tế thảm họa không quá 2%.

Để thực hiện các mục tiêu trên, đề án đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu đối với từng ngành cụ thể để thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Như đối với lĩnh vực dịch vụ, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cần hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Du lịch, nghiện cứu và xây dựng Kế hoạch nâng cao xếp hạng của ngành du lịch Việt Nam theo Chỉ số Năng lực cạnh tranh ngành Lữ hành và Du lịch (TTCI), đồng thời xây dựng chương trình quảng bá du lịch Việt nam qua các kênh quảng bá mới trên mạng.

Ngoài ra, về thủ tục nhập cảnh, bộ cần tiếp tục hoàn thiện, ban hành chính sách tạo thuận lợi và đơn giản về thủ tục thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy thực hiện hiệu quả tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) theo Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN.

Bộ Du lịch cần triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tại Quyết định số 103 Kế hoạch hành động của Chính phủ ban hành 9/10/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi ngọn. 

Thêm nữa, bộ khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch, áp dụng các giải pháp và công nghệ du lịch thông minh như công nghệ kết nối vạn vật (IoT), công nghệ thực tế ảo (VR/AR); áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Al) để nghiên cứu nhu cầu khách du lịch và phát triển các giải pháp đáp ứng nhu cầu của khách, qua đó nâng cao giá trị gia tăng của ngành.

Cuối cùng, Bộ Du lịch cần xây dựng khung khổ chính sách cho thị trường cho thuê nhà cá nhân trực tuyến (mô hình Airbnb) và các thị trường có liên quan trong ngành du lịch (đặt vé, đặt chuyến,…).