Thủ tướng khẳng định Việt Nam thực hiện thành công 'mục tiêu kép'

Nhật Hạ - 14:45, 28/12/2020

TheLEADERThủ tướng khẳng định đến thời điểm này Việt Nam đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng chống dịch Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam thực hiện thành công 'mục tiêu kép'
Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị Chính phủ với địa phương. Ảnh: Quang Hiếu

Nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020 được thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.

Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt. Xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.

Đặc biệt, năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn cầu dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929 – 1933.

Ở trong nước, bên cạnh đại dịch toàn cầu Covid-19, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, dịch bệnh khác như bão lũ, sạt lở đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội.

Ngay đầu năm nay, cả nước đã tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Do đó, trong khi đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng ta đã sớm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp.

Năm 2020, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái dưới tác động của đại dịch, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%.

Tại hội nghị Chính phủ với địa phương hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đến thời điểm này Việt Nam đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng chống dịch Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế.

“Nhìn rộng hơn, chúng ta không chỉ thành công về phát triển kinh tế mà công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội”, theo Thủ tướng.

Như câu ngạn ngữ, thành công không chỉ được đo bằng những gì đạt được mà còn bởi những trở ngại đã vượt qua. Với những thành quả đặc biệt đó, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm qua về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên.

Thủ tướng cho biết, trong 5 năm qua, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP.

Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD – đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số con hổ của Đông Á.

Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng bao trùm hơn rất nhiều. Tăng trưởng kinh tế cả nước có sự đóng góp từ tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi, đây là nhân tố truyền cảm hứng khác cho nhiều địa phương khác vượt lên chính mình. Tăng trưởng cũng không phụ thuộc nhiều vào riêng thành phần kinh tế nào.

Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội. Việt Nam đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm, thu nhập và mức sống người dân ngày càng tăng lên...

Bất luận trong hoàn cảnh nào, Chính phủ đều nhận diện những hạn chế, khó khăn, như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được bảo đảm, mặt bằng thu nhập còn thấp, khu vực doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn, sức cạnh tranh thấp, những nút thắt về hạ tầng, nguồn nhân lực… Chất lượng giáo dục, y tế nhìn chung còn nhiều bất cập. Thủ tướng cũng nhắc tới những vấn đề sát sườn với người dân như tai nạn giao thông, cờ bạc, ma túy, ô nhiễm môi trường…

Nhắc tới những thay đổi hiện nay trong bối cảnh thế giới và thời đại, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam chưa thể trong nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực. Thủ tướng tin tưởng, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc sẽ giúp làm nên thành công, như cha ông ta đã đứng vững trước mọi thiên tai, đẩy lùi mọi cuộc xâm lược, giúp chúng ta đạt được những thắng lợi trong 35 năm đổi mới.

Hơn lúc nào, đây là thời điểm củng cố niềm tin, nền kinh tế, đất nước ta đang tiến nhanh về phía trước và chắc chắn dân tộc ta sẽ tiến nhanh hơn nữa về phía trước. Chúng ta không được chủ quan, chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa, theo Thủ tướng.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu khác.

Thủ tướng cho biết, những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình Covid-19 trong nước và thế giới. Mặc dù để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5%.

8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2021

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử HĐND các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 và các kế hoạch theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài.

Trong nước, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp; yêu cầu cho đầu tư phát triển, phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế.

Các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp xã hội, khoa học công nghệ… vừa là thời cơ, vừa là thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2021.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam thực hiện thành công 'mục tiêu kép'
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị hôm nay. Ảnh: Quang Hiếu

Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển " và đề ra 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành.

Thứ nhất, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thứ hai, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ các chính sách vĩ mô để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Theo dõi sát diễn biến, tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Đổi mới quản trị quốc gia. Xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với thực thi nghiêm pháp luật. Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ tư, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thứ năm, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, trí tuệ con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường, niềm tự hào dân tộc.

Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao.

Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại. Phát triển mạnh hạ tầng số.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các dự án liên kết vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập;

Phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

Thứ bảy, củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển nhanh, bền vững; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Thứ tám, làm tốt công tác thông tin, truyền thông, kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực để tạo niềm tin, đồng thuận trong toàn xã hội.