Thương mại điện tử 'tiếp tay' cho hàng lậu, hàng giả?

Tô Lan - 11:54, 21/04/2019

TheLEADERTiếng nói bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ các doanh nghiệp thương mại điện tử rất cần thiết trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái nhan nhản hiện nay.

Thương mại điện tử 'tiếp tay' cho hàng lậu, hàng giả?
Hàng lậu, hàng giả nhái vẫn được bày bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Báo cáo thống kê cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam đang tăng tốc với mức tăng trưởng trung bình một năm từ 25-30%. Năm 2018, thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng 30% với tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử lên tới 8 tỷ USD.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng chính sách Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh và có nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng cao.

Tuy nhiên, theo Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong những năm gần đây thương mại điện tử đã trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với các vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều gian hàng đăng hình ảnh hàng thật để thu hút người tiêu dùng nhưng lại bán hàng giả, hàng nhái giá rẻ, nhất là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, pháo… 

Thậm chí nhiều sản phẩm cao cấp hơn cũng bị làm giả, làm nhái để bán với giá rẻ hơn giá thị trường. Điển hình như đồng hồ Rolex E10, Guess, Movado, Tissot… có giá chỉ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng/sản phẩm trên một số trang mua bán trực tuyến, trong khi giá chính hãng của những sản phẩm này lên tới vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn USD.

Bên cạnh đó nhiều website, mạng xã hội nước ngoài nhất là của Trung Quốc về mua sắm, bán lẻ, du lịch, khách sạn,... đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhưng chưa được kiểm soát gây thất thu thuế, tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái tuồn vào. Các mặt hàng được bày bán chủ yếu trên mạng bao gồm: thuốc lá, xì gà, rượu ngoại, thuốc tân dược, thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ tiện tử, thời trang, hàng tiêu dùng có giá trị.

Việc tiếp cận các thông tin về chất lượng của sản phẩm cũng khó khăn hơn so với hình thức mua sắm truyền thống, đặc biệt khi nhiều gian hàng cung cấp thông tin sai lệch hoặc mù mờ để lừa dối người tiêu dùng. 

Ông Lê Anh Huy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ cho rằng, với đặc thù người mua không trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm và thường phải trả tiền trước khi nhận hàng trong thương mại điện tử, nếu người bán cố tình bán hàng giả thì người mua sẽ chịu thiệt thòi lớn nhất.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Hàng hóa được phân tán nhỏ lẻ, thậm chí chỉ bán hàng qua trung gian, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường. Vì vậy cần tăng cường thanh tra kiểm tra xử lý, rà soát những hành vi liên quan đến vi phạm về hàng rào trong thương mại điện tử, phân loại các website cũng như ứng dụng mua bán trực tuyến để giúp nhận diện các website có hành vi vi phạm hàng giả, lừa dối người tiêu dùng.

Mặc dù hành lang pháp lý về thương mại điện tử (Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013) đã được xây dựng khá chi tiết và phù hợp tại thời điểm ban hành, nhưng thị trường thương mại điện tử nhiều chuyển biến đã đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một số nội dung. 

Theo ông Trần Hữu Linh, mới chỉ 6 năm thôi mà thị trường xuất hiện những sản phẩm, dịch vụ mới, ví dụ sản phẩm vận chuyển sử dụng công nghệ như Uber, Grab, nhiều sàn thương mại điện tử hướng theo phương thức "nền kinh tế chia sẻ" như Shopee, Tiki, Lazada,... Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ bổ sung, sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP để tạo chế tài xử phạt vi phạm cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số chia sẻ, bên cạnh việc tăng cường phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công thương, các cơ quan quản lý nhà nước để công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả, cần nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website thương mại điện tử.

Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ, phần lớn các vụ vi phạm tập trung vào hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhái, hàng giả, phương thức cạnh tranh không lành mạnh, giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng và quảng cáo hàng hoá vi phạm trên trang thương mại điện tử, các trang web. 

"98% các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ mới xử lý bằng hành chính, nhiều vụ do đối tượng vi phạm không chịu đến làm việc nên cơ quan nhà nước chỉ có thể ra kết luận thanh tra, điều này chỉ tạo điều kiện để chủ thể quyền có thể mang kết luận thanh tra ra toà án để thu hồi tên miền vi phạm", bà Quỳnh cho biết.

Thương mại điện tử 'tiếp tay' cho tiêu thụ hàng lậu, hàng giả?
Adayroi, Lazada, Sendo, Shopee, Tiki ký cam kết "Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử"

Ngày 18/4 vừa qua, dưới sự chủ trì của Bộ Công thương, 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam bao gồm Adayroi, Lazada, Sendo, Shopee, Tiki vừa cùng thể hiện quyết tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng việc tham gia cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”.

Việc các sàn thương mại điện tử lớn nhất hiện nay ký cam kết “nói không với hàng giả” là một động thái cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Các sàn thương mại điện tử sẽ gắn logo “Nói không với hàng giả” trên website nhằm minh bạch thông tin về quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh, báo cáo về hàng giả khi mua sắm trên các sàn cũng như thể hiện quyết tâm không bao che, tiếp tay, làm lơ cho hàng giả, hàng nhái.

Các doanh nghiệp tham gia lễ ký cam kết cũng khẳng định luôn đặt ra những tiêu chí nhất định khi lựa chọn đối tác tham gia các sàn thương mại điện tử. Đó phải là những đối tác có uy tín về chất lượng, minh bạch về thông tin sản phẩm cũng như đã xây dựng được lòng tin với khách hàng. Việc tham gia cam kết đã thể hiện rõ mong muốn kết nối nhà cung cấp và người tiêu dùng của doanh nghiệp thương mại điện tử, từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững.

Đại diện các doanh nghiệp thương mại điện tử tham gia cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” cho biết khi nhiều sàn thương mại điện tử cùng thể hiện trách nhiệm với hàng hóa của mình, chung tay đẩy lùi hàng giả, không tiếp tay cho hàng nhái thì sẽ tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các sàn cũng như tạo niềm tin cho người tiêu dùng.