Tiến tới bước ngoặt trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Lan Hương - 13:14, 18/04/2019

TheLEADERNhững nỗ lực và đánh đổi của cả Mỹ và Trung Quốc trong đàm phán được kỳ vọng sẽ tạo ra thỏa thuận thương mại vào cuối tháng 5 tới.

Tiến tới bước ngoặt trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Chiến tranh thương mại là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại. Ảnh: CNBC

Các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đang lên kế hoạch bổ sung đàm phán thương mại trực tiếp nhằm tiến tới đạt được thỏa thuận vào đầu tháng 5 tới.

Trong viễn cảnh thuận lợi nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ kí kết thỏa thuận này vào cuối tháng sau, theo thông tin từ Bloomberg.

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin và đại diện thương mại Robert Lighthizer theo kế hoạch sẽ tới Bắc Kinh vào tuần bắt đầu từ ngày 29/4. Vào tuần thứ hai của tháng 5, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Washington để đàm phán.

Bloomberg cho biết chuyến thăm Mỹ của ông Hạc dự kiến sẽ tuyên bố về kết quả đạt được thỏa thuận giữa hai bên và chi tiết của việc ký kết. Lễ ký có khả năng diễn ra vào cuối tháng 5.

Hồi đầu tháng này, ông Trump cho biết hai bên có thể mất khoảng bốn tuần để cùng đưa ra một khuôn khổ cho thỏa thuận và hai tuần nữa để đạt được những chi tiết.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực trong các cuộc đàm phán nhằm tiến tới chấm dứt chiến tranh thương mại kéo dài 9 tháng qua, một cuộc chiến khiến thị trường lao đao và đe dọa tăng trưởng toàn cầu.

Kể từ tháng 12 năm ngoái, Washington cùng Bắc Kinh đã bắt đầu các cuộc đàm phán. Trung Quốc đồng ý tăng nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ, bao gồm sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và dịch vụ nhằm tiến tới xóa bỏ sự mất cân bằng trong thương mại với Washington.

Lời hứa này có thể đã tạo ra nền tảng cơ bản cho một thỏa thuận sơ bộ, Fortune nhận định. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vừa qua cho biết Mỹ và Trung Quốc đang tiến dần tới vòng đàm phán cuối cùng đầy hy vọng.

Mặc dù có những bước tiến quan trọng, cả Mỹ và Trung Quốc lại có khoảng cách khá lớn về yêu cầu của Washington đối với sự thay đổi cơ cấu lớn của Bắc Kinh liên quan đến sự tham gia sâu của Nhà nước vào nền kinh tế.

Ngoài ra, bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng là vấn đề Mỹ chú trọng. Tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã thông qua luật đầu tư nước ngoài mới, cho biết sẽ giải quyết vấn đề này.

Trong khi quan chức Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy Washington xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu, điều quan trọng hơn là liệu rằng phía Trung Quốc có đồng ý đi xa hơn lời hứa mua thêm hàng Mỹ hay không.

Chiến tranh thương mại bắt nguồn từ việc ông Trump coi thâm hụt thương mại lớn của Mỹ là biểu hiện của sự đi xuống, suy giảm của nền sản xuất cũng như sức mạnh nước Mỹ.

Cuộc chiến cũng đặt ra câu hỏi rằng ai sẽ tạo ra những quy tắc cho nền kinh tế toàn cầu trong tương lai. Điều này đã giải thích vì sao công nghệ lại trở thành trung tâm của căng thẳng, thể hiện qua những động thái của Nhà Trắng đối với Huawei.

Ngoài Trung Quốc, ông Trump còn gia tăng thuế quan lên sản phẩm thép và nhôm từ các nước đồng minh như Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU).

Mới nhất, người đứng đầu Nhà Trắng còn đe dọa gia tăng thuế lên hàng loạt sản phẩm từ EU, bao gồm máy bay, pho mát, rượu vang, một số loại mô tô với tổng giá trị khoảng 11 tỷ USD.

Căng thẳng thương mại khiến niềm tin kinh doanh bị tổn hại cũng như đảo lộn chuỗi cung ứng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới tới ba lần trong sáu tháng, một phần do căng thẳng thương mại.

Theo IMF, tăng trưởng toàn cầu dự kiến ở mức 3,3% trong năm 2019, thấp nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây.