Tìm nhiên liệu cho động cơ đổi mới trong doanh nghiệp

Tùng Anh - 09:05, 07/09/2023

TheLEADERKhông phải tiền bạc hay công nghệ mà tốc độ của nhận thức và biên giới của tư duy mới là rào cản lớn nhất khi thực hiện đổi mới trong doanh nghiệp.

Tìm nhiên liệu cho động cơ đổi mới trong doanh nghiệp
Kido đánh dấu sự trở lại của mình trên thị trường bánh kẹo vào năm 2021 với bộ 3 sản phẩm mới thuộc KIDO’s Bakerysau 6 năm vắng bóng

Tư duy đúng về đổi mới

Đổi mới là chủ đề đã quen thuộc trên thế giới, và cũng đã được áp dụng nhiều tại Việt Nam với những kỳ vọng lớn của nhiều “ông lớn” công nghệ như Google, Microsoft, Amazon… thông qua nhiều chương trình về đổi mới sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp, startup Việt tại thị trường mới nổi.

Tuy nhiên ông Albert Antoine, người từng là cố vấn chiến lược về đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu cho Văn phòng Thủ tướng Singapore đánh giá, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu đúng và áp dụng đúng cách.

Ông Albert chỉ ra ba dạng thức khác nhau của đổi mới sáng tạo, bao gồm: đổi mới nhờ sự tình cờ hoặc cơ hội; đổi mới sáng tạo mở, tức liên kết nhiều bên để đổi mới; và đổi mới sáng tạo sinh tồn. Trong đó, Việt Nam rất giỏi đổi mới sinh tồn nhưng hiện chưa có quy chuẩn nào để xác định đúng phương thức đổi mới này.

Vị chuyên gia đề xuất 3 phương thức để thay đổi tư duy và cách làm nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, từ đó trang bị động cơ đổi mới phù hợp cho doanh nghiệp, bao gồm: tối ưu hoá trải nghiệm khách hàng, tối ưu quy trình, nâng cấp mô hình kinh doanh.

Một trong những ví dụ nổi bật nhất về tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng là Netflix với cơ chế đề xuất những bộ phim mới theo thói quen xem phim của người dùng. Cơ chế này đã và đang được áp dụng trên các sàn thương mại điện tử, góp phần cá nhân hóa trải nghiệm và thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khi đó, Amazon cùng cam kết giao hàng trong 24 giờ trong mỗi mùa Black Friday là ví dụ điển hình cho tối ưu quy trình. Amazon đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nền tảng phục vụ mục đích kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, họ cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để nâng cấp môn hình kinh doanh, mở ra một ngành dịch vụ mới với tên gọi Amazon Web Services. Đây cũng chính là dịch vụ mang lại doanh thu lớn nhất cho Amazon trong nhiều năm trở lại đây.

Tại Việt Nam, Tập đoàn KIDO cũng được đánh giá là doanh nghiệp có động cơ đổi mới hiệu quả khi kết hợp hiệu quả giữa chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Tận dụng dữ liệu sẵn có của người dùng, KIDO phát triển hệ thống gợi ý những sản phẩm nên mua hoặc tặng vào những dịp phù hợp. Tập đoàn này cũng tối ưu hóa quy trình hoạt động bằng cách phát triển hệ thống sản xuất và logistic, giúp KIDO vững vàng vượt qua thời kỳ đại dịch đầy khó khăn.

Chung quy lại, đổi mới sáng tạo không phải khái niệm mới, nhưng trong thời kỳ thị trường kinh tế thế giới không ổn định như hiện nay, các doanh nghiệp cần quyết liệt hơn trong việc đổi mới để tìm lợi thế cạnh tranh mới.

Tìm nhiên liệu cho động cơ đổi mới trong doanh nghiệp
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO

Tài chính quan trọng nhưng không phải tiên quyết

Ông Albert nhấn mạnh 6 yếu tố để doanh nghiệp bắt đầu với các chương trình đổi mới: tư duy lãnh đạo; ý tưởng ​hay nhưng quan trọng vận hành; thất bại nhanh và học nhanh; bắt đầu nhỏ và bắt đầu sớm; đặt các mốc quan trọng và đo lường KPI liên tục; và xây dựng văn hóa đổi mới mỗi ngày.

Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong chương trình InnoEx 2023, động cơ đổi mới thường bắt nguồn từ tư duy phá khung, không đi theo các mô hình đã có trên thị trường. Để thật sự đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần xác định được điểm mới mẻ trên thị trường để tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới, thay vì “học theo” những mô hình thành công đã được chứng minh.

Theo TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, việc tư duy vượt giới hạn là một trong những điều kiện tiên quyết mà những người làm kinh doanh cần áp dụng để có thể tạo sự thay đổi.

Không giới hạn ở những startup hay các công ty vừa và nhỏ, chính những tập đoàn lớn với tuổi đời cao cũng hoàn toàn có khả năng “phá khung” và đổi mới vì công ty dù lớn hay nhỏ cũng đều bắt đầu từ “startup”. Đồng thời, trong nội tại các công ty lớn tồn tại một văn hóa đặc biệt là văn hóa tái sinh. Nghĩa là các công ty lớn, khi trải qua những giai đoạn thử thách, đã tìm ra cách tự thay đổi và biến hóa để thích nghi với điều kiện mới, từ đó trưởng thành hơn và tăng trưởng tốt hơn.

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO nhấn mạnh, cần kết hợp với công nghệ để nắm bắt xu thế thị trường và đi vào bên trong doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của hành vi người tiêu dùng. Ông Nguyên lấy ví dụ, nếu trước đây các gia đình luôn có thói quen trữ một thùng mỳ gói trong nhà thì giờ đây người tiêu dùng ưa chuộng đồ ăn tươi và tốt cho sức khoẻ, cũng nhờ đó mà dịch vụ giao hàng phát triển mạnh.

Đồng thời, cấu trúc và văn hóa doanh nghiệp cũng là một trong những nguồn “nhiên liệu” quan trọng thúc đẩy động cơ đổi mới hoạt động. Để có thể thúc đẩy động cơ đổi mới hoạt động tốt, theo lãnh đạo KIDO, chiến lược và văn hóa công ty là linh hồn, còn làm việc tập thể là quan trọng nhất.

Ngoài những yếu tố về tư duy hay văn hóa, tài chính cũng là một “nhiên liệu” được các chuyên gia nhắc đến nhiều khi nói về việc vận hành động cơ đổi mới. 

Ông Steven Trương, Tổng giám đốc VinBrain cho biết, mỗi năm công ty này dành ra 5-7% ngân sách cho các dự án vườn ươm doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Steven lưu ý, khi thay đổi cần có kế hoạch hành động rõ ràng, đo lường được rủi ro và quản trị được rủi ro.

Cũng coi trọng yếu tố ngân sách khi làm bất cứ dự án nào, tuy nhiên ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng giám đốc ngân hàng số Cake by VPBank cho rằng đó không phải là vấn đề đầu tiên. Doanh nghiệp muốn đổi mới cần dựa trên phân khúc và nhu cầu khách hàng, từ đó tạo ra sản phẩm dịch vụ tốt nhất để thu hút khách hàng.

“Công nghệ đắt chưa chắc là phù hợp. Chúng ta cần những văn hóa, đội nhóm có thể chiến đấu cùng nhau để có thể thay đổi, tạo nên một sản phẩm tốt hơn. Khi có kế hoạch rõ ràng như vậy thì chắc chắn sẽ có tiền”, ông Quang khẳng định.

Ông Nguyễn Công Tẩn, Chủ tịch HĐQT Citek nhận định, để xác định mức độ đầu tư cho đổi mới sáng tạo, trước tiên cần xác định mục tiêu của doanh nghiệp, từ đó có được tư duy đúng, hướng tiếp cận đúng. Khi đó, chi phí bỏ ra sẽ phù hợp.