Việc có thêm New Zealand thông qua đang giúp hiệp định thế kỉ tiến dần tới mục tiêu có hiệu lực vào đầu năm tới.
New Zealand mới đây đã chính thức thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), dự kiến hoàn tất quá trình vào cuối tháng 10, theo thông tin được đưa bởi Asian Nikkei Review.
Bước đi này đã giúp Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) phiên bản mới, hay còn gọi là TPP-11 đến gần hơn với mục tiêu có hiệu lực vào tháng 1 năm sau.
Tính đến nay, TPP-11 đã được thông qua bởi 4 quốc gia thành viên, bao gồm Nhật Bản, Mexico, Singapore và New Zealand. 3 quốc gia khác là Australia, Canada và Việt Nam đang “rục rịch” cho quá trình này.
Nghị quyết phê chuẩn CPTPP sẽ được Quốc hội Việt Nam xem xét, thông qua trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Thượng viện Australia cũng đã chấp nhận phê chuẩn hiệp định này và việc thông qua chính thức chỉ còn là vấn đề thời gian.
Phía Canada cũng lên kế hoạch hoàn tất thảo luận tại Quốc hội trong tuần này và dự kiến quá trình phê chuẩn sẽ kết thúc vào tháng 11 tới.
Theo quy định, hiệp định thương mại này sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi được phê chuẩn bởi ít nhất 6 trong tổng số 11 nước tham gia, tạo ra một vùng thương mại chiếm 15% tỷ trọng toàn cầu.
Từng là thỏa thuận mang bước đột phá thế kỉ dưới thời chính quyền Obama, TPP rơi vào cảnh bị bỏ rơi khi chính nước Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định này khi ông Donald Trump, người gọi TPP là một “thỏa thuận khủng khiếp”, lên nắm quyền.
Sự ra đi của Mỹ khiến tương lai TPP trở nên tối tăm hơn bao giờ, nhiều thành viên bày tỏ sự dè dặt và cùng với đó, nhiều quy định tại hiệp định vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.
Thế nhưng, nỗ lực của các quốc gia thành viên, đặc biệt là Nhật Bản đã vực TPP sống dậy và thậm chí, thúc đẩy hiệp định này hấp dẫn trở lại.
Theo nhận định của Asian Nikkei Review, xứ sở hoa anh đào đang rất mong ngóng hiệp định thương mại thế kỉ có hiệu lực vào đầu năm sau trong bối cảnh quốc gia này dự kiến khởi động đàm phán thương mại song phương với Mỹ vào giữa tháng 1 tới. Nếu CPTPP có hiệu lực, Nhật Bản sẽ có thêm lợi thế để thương lượng mặt hàng nông sản vốn được xem là rất nhạy cảm.
Nếu thành công, CPTPP có thể được xem là một trở ngại mới trên con đường viết lại các thỏa thuận thương mại song phương có lợi cho Mỹ mà vị Tổng thống Donald Trump đang thực hiện.
Sau khi có hiệu lực, bộ trưởng các nước thành viên sẽ thảo luận về việc mở cửa cho các quốc gia mới từng có mong muốn tham gia vào hiệp định này như Thái Lan hay Anh. Dự kiến quá trình mở cửa sẽ diễn ra sớm nhất vào giữa năm sau.