Trồng sầu riêng tự phát – Một cách “giết chết” chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột

Hương Giang - 12:07, 19/12/2022

TheLEADERMới đây, với sự phối hợp giữa tỉnh Đắk Lắk với Bộ NN&NT, tỉnh đã thành công xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chính ngạch lần đầu tiên với giá cao. Nhìn thấy mối lợi này, nhiều nông dân trong tỉnh đã ồ ạt chuyển sang trồng sầu riêng, đồng thời đe dọa sự phát triển của một loại cây đặc sản khác trong tỉnh – cà phê.

Trồng sầu riêng tự phát – Một cách “giết chết” chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột
Tỉnh Đắk Lắk vừa thành công xuất khẩu chính ngạch sầu riêng lần đầu tiên sang Trung Quốc (Ảnh: Hải Quan Online)

Trên thế giới, bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một xu thế phát triển bền vững và tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành nông nghiệp. Không đi ngoài xu hướng đó, Việt Nam cũng đã quan tâm, đẩy mạnh xây dựng và phát triển bảo hộ địa lý trong những năm gần đây. Với thế mạnh về điều kiện về tự nhiên, thổ nhưỡng, và độ nổi tiếng của cà phê, tỉnh Đắk Lắk cũng đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “cà phê Buôn Ma Thuột” cho sản phẩm cà phê ở thị trường Việt Nam và tiến tới đăng ký bảo hộ quốc tế.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý “cà phê Buôn Ma Thuột” đã chính thức được đăng bạ vào ngày 14/10/2005. Với chặng đường gần 20 năm, chỉ dẫn địa lý “cà phê Buôn Ma Thuật” đã mang lại giá trị to lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành cà phê Đắk Lắk nói riêng.

Vùng địa danh cà phê Buôn Ma Thuột được xác định nằm trong các huyện: Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Buk, Thị xã Buôn Hồ, Krông Năng, Krông Pắk và TP Buôn Ma Thuột.

Với điều kiện lý tưởng về tự nhiên như thổ nhưỡng, khí hậu cũng như cách chăm bón hợp lý, cà phê Buôn Ma Thuột không chỉ cho sản lượng cao vào bậc nhất thế giới mà còn có chất lượng thơm ngon đặc biệt. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn của sản phẩm cà phê địa phương.

Đặc biệt, trên thị trường cà phê Việt Nam, số lượng những loại cà phê mang chỉ dẫn địa lý như cà phê Buôn Ma Thuột còn đang rất hạn chế. Vì vậy, cà phê trong vùng thường bán được giá cao.

Thế nhưng, với thương vụ xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, người nông dân Đắk Lắk đang ồ ạt đua nhau phá vùng trồng cà phê để thay bằng sầu riêng. Điều này có khả năng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

Ông Bùi Văn Hạnh, xã Đắk Ha (Đắk Glong, Đắk Nông) cho biết, gia đình ông có khoảng 10 sào cà phê xen hồ tiêu. Mấy năm qua, hồ tiêu năng suất kém, bị bệnh chết nhiều, chưa kể giá rớt sâu nên gia đình ông vừa đầu tư tiền tỷ trồng hơn 300 cây sầu riêng Ri6 để thay thế cà phê, hồ tiêu.

Theo ông Hạnh, so với trồng cà phê và tiêu, sầu riêng khó chăm sóc hơn, song thu nhập từ loại cây này cao hơn nhiều lần; không ít hộ dân trong xã cũng ăn nên làm ra từ trồng sầu riêng nên gia đình mạnh dạn dốc vốn đầu tư. “Chúng tôi biết việc thay đổi cây trồng rất khó. Tuy nhiên, mỗi cây mỗi thời, nếu không thay đổi phù hợp với thời thế, người dân lấy gì thu hoạch. Tây Nguyên đang trúng đậm sầu riêng, biết đâu sau này ở đây hình thành vùng đặc sản sầu riêng tại đây”, ông Hạnh nói.

Trào lưu trồng sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên đang nở rộ trong thời gian gần đây. Thậm chí, nhiều người dân còn phá bỏ cả vườn cà phê, hồ tiêu...đã trồng cả chục năm nay để chuyển sang sầu riêng khiến diện tích cây trồng này đang tăng rất mạnh.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, sở khuyến cáo nông dân không chạy theo giá cả mà mở rộng diện tích sầu riêng trong thời điểm này. Khi nông dân tự tăng diện tích sầu riêng mà không gắn kết với hoạt động chế biến, tiêu thụ, có thể dễ dẫn đến cung vượt cầu, gây ra tình trạng được mùa mất giá rất phổ biến của nông sản Việt.

Mặt khác, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái cây trên quy mô lớn, trong đó có sầu riêng. Do đó, việc người dân tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ.

Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến nay, diện tích sầu riêng trên cả nước đã tăng gấp hơn 5 lần. Cụ thể, năm 2010 chỉ có 17.600ha, nhưng đến năm 2022 con số này đã tăng lên 90.000ha với sản lượng hằng năm khoảng 1,3 triệu tấn quả. Đặc biệt, chỉ trong 2 năm gần đây, diện tích sầu riêng đã tăng khoảng hơn 20.000 ha.

Về tỉnh Đắk Lắk nói riêng, diện tích sầu riêng toàn tỉnh có khoảng 15.100 ha (chiếm 17,6% diện tích cả nước) và con số này đang tăng lên nhanh chóng. Ước tính sản lượng thu hoạch năm 2022 khoảng 170.000 tấn và đến năm 2025 là hơn 300.000 tấn.

Cũng theo ông Dương: "Tỉnh đang tập trung xây dựng đề án phát triển ngành hàng sầu riêng và bơ là những cây trồng có tiềm năng thế mạnh. Nội dung đề án xác định rõ các khu vực, các vùng các điều kiện phù hợp để phát triển sầu riêng trong thời gian đến. Kèm theo đó là các nhiệm vụ giải pháp các sở ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân, người trồng cân tuân thủ thì mới đảm bảo được các điều kiện để có thể cạnh tranh, có thể đưa ra thị trường".

Ngoài ra, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và nông dân trong việc xây dựng và áp dụng những giải pháp hữu cơ, sinh học, từ đó đem đến hiệu quả cao về số lượng và chất lượng cho hoạt động trồng cà phê. Thêm vào đó, tỉnh cũng sẽ tạo dựng vùng trồng sầu riêng tập trung, tạo mối liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, khiến cho hoạt động sản xuất sầu riêng trở nên bền vững, lâu dài hơn hơn.

Việc mở rộng vùng trồng sầu riêng có thể là một bước đi đúng đắn của tỉnh Đắk Lắk, tuy nhiên, hoạt động này phải có quy hoạch, có sự kết hợp giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp chế biến. Nếu không, hoạt động mở rộng ồ ạt vùng trồng sầu riêng không chỉ khiến loại cây này rơi vào tỉnh cảnh được mùa, mất giá; mà còn khiến cho những loại cây trồng lâu năm như cà phê bị phá bỏ, từ đó gây ra tình trạng mất chỉ dẫn địa lý cho loại nông sản nổi tiếng này.

Thực tế, trước đây, người nông dân cũng đã có nhiều hoạt động trồng cây tự phát, từ đó khiến giá nông sản giảm xuống, đồng thời, khiến cho những loại cây khác phát triển không bền vững. Điển hình, năm 2017, khi giá tiêu “sốt” tới 200.000 đồng/kg, nhà nhà đổ xô đi trồng tiêu dẫn tới chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích cây tiêu tăng gấp 3 lần. Song cũng chính vào thời gian đó, giá tiêu rớt thảm xuống còn chỉ còn 15.000-20.000 đồng/kg khiến những hộ dân đầu tư vào cây “vàng đen” thiệt hại nặng.

Bộ NN&PTNT đã nhận diện được nguy cơ của xu hướng này. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT, cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên nôn nóng chuyển sang trồng sầu riêng, mà nên kết hợp trồng xen canh giữa cà phê, sầu riêng vì thực tiễn đã chứng minh hiệu quả kinh tế của mô hình xen canh rất tốt và bền vững. Đặc biệt, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, truyền thông rộng rãi cho người dân biết, tránh tình trạng đổ xô đi trồng sầu riêng”.