Từ vụ kiện Peppa Pig đến tương lai sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Hường Hoàng - 10:58, 22/12/2022

TheLEADERViệt Nam đã ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại nhằm thúc đẩy cải cách và thực thi luật sở hữu trí tuệ. Nhưng trên thực tế, ở Việt Nam, hoạt động này còn chậm chạp và có nhiều thiếu sót. Vậy, liệu vụ kiện giữa chú sói Wolfoo của Việt Nam và lợn Peppa Pig của Anh gần đây có góp phần làm thay đổi điều đó?

Từ vụ kiện Peppa Pig đến tương lai sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
Cuộc chiến về sở hữu trí tuệ giữa sói Wolfoo của Việt Nam và lợn Peppa Pig của Anh vẫn còn tương đối căng thẳng (Ảnh: Peppa Pig Fanon Wiki)

Chủ sở hữu của chú lợn Peppa Pig - công ty EOne đã kiện công ty SConnect của Việt Nam – chủ sở hữu của chú sói nổi tiếng Wolfoo tại Liên bang Nga và Vương quốc Anh. Theo đó, EOne cáo buộc rằng SConnect đã có hành vi vi phạm nhãn hiệu và bản quyền của bộ phim hoạt hình Peppa Pig. Cụ thể, EOne cáo buộc SConnect xây dựng nhân vật Wolfoo với tạo hình trông giống như Peppa Pig, khiến khán giả hiểu nhầm rằng hai bộ phim hoạt hình có liên quan đến nhau.

Trong đơn khiếu nại, EOne tuyên bố rằng Wolfoo đã sử dụng một phần âm thanh của các tập phim Peppa Pig, đồng thời hình ảnh của Peppa Pig cũng xuất hiện trên các vật dụng như đồng hồ và bình tưới nước trên nền các video của Wolfoo.

Vụ kiện giữa hai bên hiện đang được đưa ra tòa án ở Vương quốc Anh. Tuy nhiên, kiện lên tòa án không phải là phương pháp duy nhất để EOne đòi lại công bằng cho sản phẩm của mình.

Ngoài tòa án, EOne cũng đã tố cáo SConnect lên YouTube với cáo buộc tương tự. Ngay sau đó, YouTue đã gỡ 2.000 video của Wolfoo được cho là vi phạm bản quyền. Theo ước tính, tính đến tháng 10 năm nay, điều này đã khiến cho Sconnect mất đi doanh thu 2 triệu đô la Mỹ.

Đáp lại, Sconnect cũng đã tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam và đệ đơn kiện EOne ở Việt Nam và Nga. Hồi đầu năm, Tòa án Nga đã bác bỏ vụ kiện vi phạm bản quyền do EOne khởi xướng, nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, phán quyết quan trọng nhất sẽ diễn ra ở Tòa án tối cao của Anh và xứ Wales - nơi ra đời của luật sở hữu trí tuệ hiện đại. Nếu có kết quả tiêu cực, vụ kiện giữa sói Wolfoo và heo Peppa sẽ giáng một đòn nặng đối với nền sở hữu trí tuệ của Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong dân chúng, mang lại lợi ích lâu dài cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ.

Cải cách sở hữu trí tuệ ở Việt Nam: Câu chuyện từ bấy đến nay

Từ trước đến nay, Việt Nam được biết đến là một trong những tâm điểm hàng giả, hàng nhái giá rẻ của châu Á và thế giới.

Tại phố cổ Hà Nội, một đôi Converse All-stars có giá khoảng 20 đô la Mỹ – rẻ hơn rất nhiều so với giá 80 đô la Mỹ tại các cửa hàng bán lẻ chính hãng của Converse. Những chiếc túi xách giả của Gucci và Prada cũng có thể được mua với giá thấp hơn rất nhiều so với hàng thật, bên dưới những tấm bạt màu xanh giăng bên đường của thủ đô.

Nhưng đây có thể là buổi hoàng hôn của việc mua bán hàng giả, hàng nhái và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đã ký một loạt các thỏa thuận, thúc đẩy các cơ quan chức năng hành động chống lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, góp phần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu và nhà sản xuất nội dụng Việt Nam và quốc tế.

Năm 2021, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã đưa Phimmoi - trang web phát trực tuyến phim và chương trình truyền hình trái phép của Việt Nam vào Bản đánh giá về các thị trường hàng giả và vi phạm bản quyền tai tiếng năm 2021 (2021 Review of Notorious Markets for Counterfeiting and Piracy), đánh một đòn nặng vào nền tảng vi phạm bản quyền kỹ thuật số ở Việt Nam.

Với kiến nghị của những nhà phát hành phim, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Việt Nam đã có những biện pháp xử lý, và trang web Phimmoi sau đó đã bị gỡ xuống. Đáng chú ý, điều này vẫn chưa khiến phimmoi biến mất hoàn toàn. Mỗi khi bị gỡ bỏ, phimmoi lại sớm xuất hiện trở lại với thêm một chữ “z” vào tên miền, gây ra một tình cảnh khá bi hài đối với công chúng Việt.

Việt Nam cũng vẫn nằm trong danh sách theo dõi đặc biệt của Báo cáo 301 thuộc Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Theo đó, ở Việt Nam, “việc sử dụng các thiết bị và ứng dụng vi phạm bản quyền để truy cập nội dung nghe nhìn trái phép là một mối lo đáng kể”.

Tuy vậy, Việt Nam đang có hướng đi đúng đắn trong việc xây dựng một nền sở hữu trí tuệ trong sạch, lành mạnh. Cụ thể, theo Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, suốt giai đoạn từ năm 2011-2020, chỉ có 30 vụ tố cáo về hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, trong đó có 21 vụ ra tòa. Trong khi đó, chỉ riêng năm ngoái, trong số 24 cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, đã có 19 vụ được đưa ra tòa

Đầu năm 2022, Việt Nam cũng đã sửa đổi và phê chuẩn hàng loạt vấn đề của Luật sở hữu trí tuệ nhằm tăng cường khung pháp lý, áp dụng cho các trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Những sửa đổi này nhằm làm rõ quyền sở hữu bản quyền, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, sao cho việc quản lý sở hữu trí tuệ của Việt Nam trở nên phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế.

Thái độ đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Ngoài việc truy tố và trừng phạt những kẻ vi phạm, hoạt động nâng cao nền sở hữu trí tuệ Việt Nam còn đòi hỏi nhiều hơn thế.

Trên nhiều phương diện, việc vi phạm sở hữu trí tuệ đã trở thành một việc bình thường ở Việt Nam. Một cuộc khảo sát của Liên minh Chống vi phạm bản quyền của Hiệp hội Công nghiệp Video Châu Á thực hiện vào năm 2021 cho thấy 60% người Việt Nam thừa nhận đã từng phát trực tuyến nội dung vi phạm bản quyền.

Tương tự, giám đốc sáng tạo cho video clip “Sao anh chưa về?” của ngôi sao nhạc pop Việt Nam AMEE đã sao chép một cách có chủ đích nội dung video âm nhạc Blank Space của Taylor Swift. Người phát ngôn của AMEE đã trả lời Zing: “Chúng tôi nghĩ: Tại sao không?” khi được hỏi về mối liên hệ giữa hai video.

Việc nâng cao kiến thức và thay đổi thái độ của công chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, và vụ kiện nổi tiếng giữa EOne và SConnec có thể góp phần tạo ra những thay đổi đó.

“Chúng tôi tin rằng trường hợp này đã thu hút sự chú ý của những người sáng tạo nội dung ở Việt Nam và cũng nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ của họ,” Bà Yến Phạm, Giám đốc thương hiệu và luật sư sở hữu trí tuệ cao cấp tại công ty luật Schmitt & Orlov Đông Nam Á, nói với Asia IP. 

Kết quả của vụ kiện có thể sẽ có tác động lớn đến hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp tham gia vào thương mại dịch vụ xuyên biên giới.

Với quyết tâm chuyển đổi nền kinh tế từ một nền sản xuất giá rẻ thành một cường quốc công nghệ cao, Việt Nam cần phải có những biện pháp nâng cao nhận thức và bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn nữa.

Tương lai của ngành sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Bất kể tranh chấp giữa EOne và Sconnect tại Tòa án tối cao Vương quốc Anh có kết quả như thế nào, vụ kiện sẽ có những tác động nhất định đến nhận thức về sở hữu trí tuệ của công dân và doanh nghiệp địa phương. Trong vụ kiện, những quy tắc, chuẩn mực quốc tế sẽ được áp dụng, từ đó thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng về luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Trong tương lai, các nhà sản xuất nội dung tại Việt Nam sẽ theo sát vụ việc và đánh giá lại những mô hình và quy trình kinh doanh để đảm bảo họ không bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột tương tự.

Và đối với các công ty nước ngoài, vụ kiện chắc chắn sẽ mang đến những tác động tích cực, không chỉ nâng cao nhận thức và hiểu biết của công chúng ở một thị trường tiềm năng, giúp ngăn chặn hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trước khi nó xảy ra, mà còn góp phần làm giảm nhu cầu truy tố và trấn an các chủ sở hữu quyền rằng những nhãn hiệu, thiết kế, phim… của họ đang được bảo vệ tại Việt Nam.