UDNP: 4 khía cạnh định hình con đường tới kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Phương Anh - 14:30, 29/06/2022

TheLEADERThúc đẩy thành phố và đô thị thông minh, tuần hoàn là một trong những khuyến nghị đáng chú ý, khi giao thông vận tải xanh sẽ giúp giảm ô nhiễm và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, nhận định cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và bản dự thảo Chiến lược quốc gia với biến đổi khí hậu, cùng những chương trình hướng tới mục tiêu đã cam kết chính là những phương tiện và đường hướng để thực hiện kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn tới, trước hết 2022 – 2025.

Và cùng nhau, những văn kiện đó sẽ tạo thành hòn đá tảng giúp Việt Nam thực hiện những mục tiêu này.

“Quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn không thể thiếu sự thay đổi tư duy một cách căn bản về hệ thống năng lượng, những vấn đề sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, nguồn vốn xã hội”, bà nhấn mạnh tại Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam mới đây.

Theo vị chuyên gia này, để hướng đến kinh tế tuần hoàn, trước hết, cần lên khung cho một mục tiêu mới – sự phục hồi kinh tế xanh.

Việc phục hồi kinh tế hậu Covid-19, những chương trình và hoạt động tài chính ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác cần có mục đích 3 trong 1, tức là có phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững, xử lý vấn đề bất bình đẳng về bao trùm.

Ước tính Việt Nam sẽ cần đầu tư 330 - 370 tỷ USD để đạt được cam kết tại COP26, với số vốn đầu tư ban đầu lớn. FDI và các doanh nghiệp khác đóng vai trò quan trọng trong cung cấp công nghệ, nguồn nhân lực và tài chính.

Đã và đang là một điểm đến hấp dẫn với FDI, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để có thể thu hút thêm vốn đầu tư cần thiết nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và tuần hoàn.

Gợi ý thứ hai là thúc đẩy các thành phố và đô thị thông minh, tuần hoàn.

Với 70% dân số sống ở các vùng ven biển và vùng đồng bằng trũng thấp, việc di dời đến các thành phố và trong các thành phố có thể sẽ nhanh chóng được đẩy nhanh. Trong 30 năm qua, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên 38%, và ước tính tỉ lệ này sẽ là 57% vào năm 2050.

Đà Nẵng là thành phố đầu tiên xây dựng và thực hiện lộ trình cấp thành phố về kinh tế tuần hoàn, cũng đồng thời phê duyệt kết quả nghiên cứu về vấn đề kinh tế tuần hoàn.

Tại các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam, việc xây dựng lộ trình cụ thể vẫn chưa được thực hiện hóa. Theo đó, Việt Nam nên tiếp tục xây dựng hướng dẫn và giải pháp cho các tỉnh đang trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 – 2026.

UDNP: 4 khía cạnh định hình con đường tới kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Thúc đẩy các thành phố và đô thị thông minh, tuần hoàn là một trong các cách thúc đẩy nhanh mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Ảnh: MOC.

Giao thông vận tải xanh sẽ đóng vai trò quan trọng tại các đô thị, thành phố, đặc biệt là khi các loại xe điện gia tăng, đem lại cơ hội di chuyển, giảm thiểu carbon, giảm ô nhiễm không khí cục bộ và cải thiện chất lượng cuộc sống.

“Chuyển sang các phương tiện điện có thể là một trong những cơ hội lớn nhất để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0, đồng thời mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế và hỗ trợ cho xã hội”, bà Caitlin Wiesen phân tích.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, xanh, carbon thấp.

Không chỉ vậy, quốc gia này cần giảm nhiên liệu hóa thạch và tăng cường năng lượng tái tạo.

Sau thành công ban đầu với sự phát triển nhanh chóng của năng lượng mặt trời và gió ven biển trong giai đoạn 2018 – 2020 nhờ cơ chế giá FIT, chính sách năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng có những vấn đề cần giải quyết, như khả năng tiếp cận tài chính dài hạn, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài xanh.

Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức kỹ thuật như hệ thống kết nối và truyền tải; lưới điện hiện tại không đủ công suất để đối phó với sự biến động của việc sản xuất năng lượng tái tạo từ tất cả các trang trại năng lượng mặt trời và gió. Đồng thời, cần đầu tư vào khả năng lưu trữ của năng lượng tái tạo.

Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam lưu ý và nhấn mạnh rằng, quá tình chuyển đổi phải mang lại lợi ích cho người dân, và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. “Sự chuyển đổi này cần sự tham gia của tất cả mọi người, tất cả mọi người đều phải là đối tượng hưởng lợi”.

Vấn đề chính thức hoá những khu vực kinh tế phi chính thức, đặc biệt là sự tham gia của lao động nữ cần được chú trọng.

“Kinh tế tuần hoàn là một cơ hội kinh tế cho Việt Nam, và việc đầu tư vào hệ thống quản trị, phát triển các thể chế và chính sách mạnh mẽ, thúc đẩy kinh doanh bền vững, và giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm khác đi trước sẽ giúp chúng ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, bà nhấn mạnh.

Thời gian qua, nhiều cơ chế hợp tác thúc đẩy vận hành kinh tế tuần hoàn đã được thiết lập và triển khai tại Việt Nam.

Đơn cử, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) quy tụ 19 ông lớn ngành FMCG nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành bao bì. PRO Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2030 tái chế 100% bao bì được các thành viên sử dụng, thông qua việc thay đổi thiết kế bao bì theo hướng thuận lợi cho thu gom, tái chế.

Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, giáo dục về kinh tế tuần hoàn, và đóng góp ý kiến xây dựng khung chính sách mở đường cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Ngoài ra, UNDP và Bộ Tài nguyên và môi trường đã chính thức khai trương Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam, với mục đích tăng cường đối thoại, tạo ra sáng kiến và huy động hành động tập thể hướng tới quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn.

Mạng lưới cung cấp những hiểu biết mới nhất từ tất cả các cá nhân và cộng đồng trong các lĩnh vực chính sách kinh tế tuần hoàn, nghiên cứu, đầu tư và giáo dục. Hiện hơn 25 thành viên đã tham gia vào mạng lưới này.

Việt Nam đã bắt đầu xây dựng chương trình chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn khi thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2020, đánh dấu cột mốc trong việc lần đầu tiên đưa các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn vào khung chính sách.