Ứng xử với nhân sự bốc đồng

Đặng Hoa - 08:00, 15/06/2021

TheLEADERTheo ông Mai Xuân Sang, nhà sáng lập Like A Tree, người sếp cần đủ nhu để không tạo ra phản ứng bất lợi từ cấp dưới nhưng cũng phải đủ cương để trấn áp được bản tính bốc đồng của đối phương.

Ứng xử với nhân sự bốc đồng
Nguyên nhân gốc rễ của một hành vi bốc đồng có thể đến từ một trong hai phía: nhân viên hoặc lãnh đạo doanh nghiệp

Một ngày cuối tuần cuối tháng 4/2021, Hà Nội vắng vẻ và yên ắng hơn mọi ngày vì mọi người đổ về quê nghỉ lễ 30/4 - 1/5. 

Đến Việt Nam làm việc trên cương vị tổng giám đốc của một số tập đoàn lớn đã được gần chục năm, vị doanh nhân người nước ngoài ngồi một góc khá yên tĩnh trong quán ăn, trầm ngâm nhìn ra bên ngoài.

“Cô sẽ rất bất ngờ khi biết chuyện gì đã diễn ra với tôi gần đây”, ông mỉm cười nói khi nhận được một câu hỏi của người bạn đã nhiều tháng chưa gặp lại đang muốn cập nhật tình hình cuộc sống, công việc của ông.

Chỉ vào khuôn mặt của mình, ông tiết lộ: “Tôi đã bị một gã khổng lồ đánh vào mặt bốn lần liên tiếp”. Sau các cuộc chụp chiếu, kiểm tra, cũng may là sức khoẻ của ông không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Người hành hung là cấp dưới của ông, cũng là một người nước ngoài. Người này cũng đồng thời giữ một ví trí cao cấp tại chi nhánh Việt Nam của doanh nghiệp.

Vị doanh nhân cho biết, người này thường to tiếng với mọi người trong công ty, không bất kể là ai và sẽ nổi giận nếu bị ai đó làm phật lòng hoặc yêu cầu không được đáp ứng. Người này cũng không bao giờ lắng nghe góp ý của bất cứ ai.

Là một lãnh đạo khá ôn hoà, vị doanh nhân luôn cố gắng bình tĩnh, nói chuyện nhẹ nhàng và lý lẽ. Tuy nhiên, những yêu sách người cấp dưới kia đưa ra quá vô lý, nhiều hành động đã “vượt giới hạn” của ông và ông buộc để người kia lựa chọn hoặc rút lại yêu cầu, hoặc nghỉ việc. 

Sau một số hiểu lầm đáng tiếc, bạo lực đã xảy ra, nhân sự cấp cao kia cũng rời công ty. 

Người lãnh đạo cần "đủ nhu và đủ cương"

Trước câu hỏi “liệu có cảm hoá được những nhân sự bốc đồng như người lãnh đạo cấp cao kia hay không”, ông Mai Xuân Sang, nhà sáng lập Like A Tree – tổ chức đào tạo chuyên sâu về tinh thần cho lãnh đạo và doanh nghiệp cho rằng, mọi sự trên đời đều thay đổi, bao gồm cả cảm xúc và tính cách.

Tuy nhiên các thói quen phản ứng bên trong mỗi người đã ăn sâu, bám rễ lâu dài nên việc chuyển hoá không dễ dàng. 

Từ “cảm hoá” ở đây nếu được hiểu là một sự tự nguyện thay đổi các phản ứng từ bốc đồng bạo lực sang hợp tác và hoà hợp, sẽ cần nhiều nỗ lực từ cả hai phía. Hoặc nếu ban đầu, sự tự nguyện thay đổi chỉ xuất phát từ người sếp thì người sếp đó cần có nhiều bản lĩnh, nhẫn nại và thấu hiểu.

“Người sếp cần đủ nhu để không tạo ra phản ứng bất lợi từ đối phương nhưng cũng đủ cương để trấn áp được bản tính bốc đồng nơi đối phương”, ông Sang nói. 

Ứng xử với nhân sự bốc đồng
Ông Mai Xuân Sang, nhà sáng lập Like A Tree

Vì vậy, theo ông Sang, việc cảm hoá một người bốc đồng và bạo lực như nhân sự kể trên là có thể, tuy nhiên vấn đề cần đặt ra trước tiên là điều này có đáng hay không, đã là phương án tốt nhất chưa, có phù hợp trong bối cảnh hiện tại hay không.

Trong trường hợp vị lãnh đạo cấp cao (người hành hung) có kết quả làm việc không tốt, cư xử lại chưa đúng mực với những người xung quanh, trước hết, cần xem lại giả thiết “một người đã nắm giữ vị trí lãnh đạo cấp cao mà lại có kết quả làm việc không tốt và cư xử không đúng mực với mọi người xung quanh”.

Các câu hỏi mà vị tổng giám đốc doanh nghiệp cần thẳng thắn nhìn nhận là: một người với những phẩm chất như vậy liệu có thể trở thành lãnh đạo cấp cao được hay không, có điều gì uẩn khúc hay không, cần xem lại liệu có vấn đề gì khiến người này bất mãn, không muốn làm việc và hợp tác.

Có thể vấn đề không chỉ đến từ nhân sự đó mà đến từ chính công ty hoặc người lãnh đạo cao nhất. Vì vậy, trước khi suy xét cho nghỉ việc, người lãnh đạo cao nhất cần xem lại bản thân mình cũng như công ty và môi trường làm việc, trao đổi thẳng thắn và công bằng với nhân sự để xác định rõ ràng bối cảnh, sau đó mới đưa ra quyết định

Trong trường hợp nếu vẫn cần cho nghỉ, lãnh đạo cấp cao nhất của doanh nghiệp nên suy xét hợp tình hợp lý, trao đổi thẳng thắn và chân thành với nhân sự kia, lắng nghe hết những tâm tư của họ. Nếu họ sai thì họ sẽ phải tâm phục khẩu phục chấp nhận. Bằng không, việc lấy ý kiến thống nhất (bỏ phiếu) của tập thể cũng sẽ khiến họ phải chấp nhận kết quả.

Tuy nhiên, ông Sang cho rằng, tất cả quyết định đều nên dựa trên sự thấu hiểu và chân thành chứ không phải từ cảm tính hay quan điểm cá nhân. 

Trong trường hợp nhân sự thể hiện quá xuất sắc trong công việc nhưng thái độ chưa đúng mực, nhà sáng lập Like A Tree nhận định, người tài thường có tật. Đây là điều mà lãnh đạo cấp cao nhất nên chấp nhận. 

Thái độ chưa đúng mực của nhân sự có thể đến từ chính họ cũng có thể đến từ cách thức quản trị của lãnh đạo và văn hoá doanh nghiệp.

Tất cả quyết định đều nên dựa trên sự thấu hiểu và chân thành chứ không phải từ cảm tính hay quan điểm cá nhân.
Ông Mai Xuân Sang
Nhà sáng lập Like A Tree

Vì vậy, điều cần làm trước tiên là xem lại bản thân và công ty trước. Hãy đảm bảo rằng lãnh đạo đã làm tốt nhất vai trò của mình, đã đối xử công bằng và tạo ra văn hoá làm việc tốt nhất.

“Người xưa có câu dụng nhân như dụng mộc. Người tài thì có thể dùng bất kỳ kiểu người nào. Vì vậy người lãnh đạo cần thấu hiểu được đặc tính của nhân sự để sắp xếp công việc và môi trường phù hợp, giúp nhân sự phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm”, ông Sang nói.

Cuối cùng, hãy trao đổi chân thành và thẳng thắn với nhân sự, cho họ niềm tin và quyền hạn để tạo ra giá trị. Nhân sự thế nào cũng phản ánh năng lực của người lãnh đạo. Một con ngựa hoang nếu có thể thu phục sẽ mang lại sức mạnh lớn. 

Ông Sang lưu ý thêm, các lãnh đạo đừng quên: “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Làm lãnh đạo doanh nghiệp đã là một công việc với nhiều áp lực đủ đường. Như vị lãnh đạo doanh nghiệp kia thậm chí cho biết đã phải “dành 200% thời gian cho công việc ở cơ quan những ngày dịch bệnh” mà lại phải đối mặt với những nhân sự như vậy, áp lực lại càng tăng cao. Lúc này, câu chuyện quản trị cảm xúc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo ông Sang, không phải cứ bận rộn sẽ hiệu quả. Người lãnh đạo nên học cách thấu hiểu bản thân, biết điều gì mình muốn, điều gì thực sự quan trọng và tập trung cho những điều quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, người lãnh đạo nên học cách thấu hiểu con người và thu phục nhân tâm. Như vậy, thay vì biến nhân sự của mình trở thành chướng ngại, họ sẽ có được những người cộng sự tốt.

Khi gặp bất cứ vấn đề gì, không chỉ trong công việc, “nhận thức” và “thái độ” của bản thân là hai kim chỉ nam mỗi người nên nhìn lại trước khi hướng tâm trí ra ngoài để giải quyết vấn đề.