Vận hạn của Boeing kéo dài sau vụ rơi máy bay tại Iran

Phương Linh - 20:01, 08/01/2020

TheLEADER2020 bắt đầu không mấy suôn sẻ với nhà sản xuất máy bay Boeing khi thêm một vụ tai nạn máy bay nữa diễn ra.

Một máy bay của hãng hàng không Ukraine International Airlines chở 176 hành khách đã bị rơi mới đây, chỉ vài phút sau khi cất cánh từ sân bay chính của thủ đô Iran, biến vùng đất nông nghiệp ở ngoại ô thành phố thành những mảnh vụn rực lửa. Toàn bộ hành khách và và phi hành đoàn đã thiệt mạng, hãng thông tấn AP đưa tin.

Thông báo trên trang web chính thức của Ukraine International Airlines cho biết chuyến bay trên được khai thác bằng máy bay Boeing 737-800NG có số hiệu đăng ký UR-PSR. Chiếc máy bay này được sản xuất vào năm 2016 và được Boeing giao trực tiếp cho hãng hàng không.

Như vậy, chiếc phi cơ này có tuổi đời chưa tới 4 năm và được sử dụng bởi duy nhất một nhà khai thác. Lần bảo dưỡng cuối cùng diễn ra cách đây 2 ngày (6/1/2020).

Vụ tai nạn của chiếc Boeing diễn ra vài giờ sau khi Iran phóng hơn một chục quả tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ có lực lượng của Mỹ và liên minh ở Iraq nhằm trả đũa vụ không kích của Mỹ làm tướng Qassem Soleimani của Iran thiệt mạng.

Đại sứ quán Ukraine tại Iran cho biết hiện nguyên nhân vụ tai nạn chưa được tiết lộ và mọi bình luận trước đây đều không chính thức. Trong khi đó, truyền hình quốc gia Iran cho biết vụ tai nạn là do sự cố kỹ thuật không xác định, Reuters đưa tin.

Phía Ukraine cho rằng hiện còn quá sớm để bình luận về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay. "Bất kỳ phiên bản nào trước khi có kết luận chính thức chỉ là sự thao túng", CNN dẫn lời Thủ tướng Ukraine trong cuộc họp báo trước câu hỏi liệu rằng một cuộc tấn công tên lửa đã gây ra vụ tai nạn.

Theo quy định quốc tế, vì máy bay rơi trên lãnh thổ của Iran nên Iran sẽ đứng đầu cuộc điều tra. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn quốc gia trên thế giới không có đủ chuyên môn và kỹ thuật để thực hiện toàn diện cuộc điều tra nên thông thường Mỹ và Pháp sẽ cung cấp hỗ trợ. Chẳng hạn, hộp đen của máy bay thường được trích xuất dữ liệu tại phòng thí nghiệm đặc biệt mà chỉ có tại một vài nơi trên thế giới.

Quốc gia sản xuất máy bay gặp nạn cũng phải tham gia vào cuộc điều tra nhưng mối quan hệ đang căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể cản trở các nhà chức trách của Washington cũng như Boeing.

Vụ tai nạn Boeing 737 mới nhất tiếp tục kéo dài vận hạn của nhà sản xuất máy bay này dù năm 2019 đầy u tối đã qua đi. Trước đó, Boeing đã chìm sâu vào khủng hoảng khi liên tiếp hai vụ rơi máy bay dòng 737 Max diễn ra chỉ trong vòng 5 tháng.

Sau khi Cơ quan quản lý hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh tạm ngừng hoạt động đối với Boeing 737 MAX, trên 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã “cấm cửa” dòng máy bay này trên hoạt động trên không phận và nhiều hãng hàng không đã quay lưng.

Giữa tháng 12 năm ngoái, Boeing buộc ra quyết định ngừng sản xuất máy bay 737 MAX từ tháng 1/2020, khiến giá cổ phiếu giảm tới hơn 5% ngay sau đó.

Không chỉ vậy, Boeing còn thay thế Tổng giám đốc điều hành Dennis Muilenburg trong nỗ lực khôi phục danh tiếng sau hai vụ tai nạn thảm khốc.