VASEP: Lượng đơn hàng xuất khẩu giảm 20 - 50%

Phương Anh - 13:04, 14/04/2023

TheLEADERVASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản chỉ có thể hồi phục dần từ quý III năm nay.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến 2025 là 12,5 – 14 tỷ USD, nhiều khó khăn, thách thức đang ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành.

Cụ thể, năm 2023, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính, và tác động xấu đến sản xuất trong nước, khiến cho lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp giảm từ 20 – 50%. Cùng với đó, lượng tồn kho tăng.

Không chỉ vậy, thị trường khó khăn, sản xuất nguyên liệu trong nước bị chững lại. Cả bà con nông ngư dân và doanh nghiệp đều thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biến, Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết trong phát biểu tại hội nghị với Thủ tướng.

Bà cho biết thêm chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao, và bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công cũng tăng giá. Trong khi đó, thủy sản Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nguồn cung khác từ Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu hải sản khai thác gặp nhiều khó khăn để có thể xuất khẩu được lô sản phẩm hải sản khai thác vào EU, do còn nhiều bất cập theo quy định IUU.

Kết quả là quý I/2023, xuất khẩu sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,8 tỷ USD, và giảm sâu ở tất cả các sản phẩm và thị trường chính.

“Với diễn tiến này, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý III/2023. Tập trung lớn nhất hiện nay là sản xuất, chế biến trong nước phải sẵn sàng nguồn cung ứng ngay khi thị trường hồi phục”, bà Sắc lưu ý.

Một số kiến nghị

Tại buổi làm việc, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đề xuất một số kiến nghị.

Thứ nhất là về nguyên liệu và duy trì năng lực sản xuất nguyên liệu.

Trước tình hình người dân ngại thả nuôi vụ mới do chi phí tăng cao, và e ngại thị trường tiếp tục xấu, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm có một chương trình kích cầu để tạo tâm lý yên tâm cho nông – ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu.

Hiệp hội cũng đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ VND với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoại tệ) cho doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua, và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch.

Về dài hạn, xin kiến nghị Chính phủ thúc đẩy việc sửa đổi Luật Đất đai, đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành hàng có thể phát triển được các vùng nuôi, và sản xuất giống tập trung phù hợp.

Vì nguồn nguyên liệu hải sản khai thác trong nước ngày càng hạn chế, theo VASEP, Chính phủ cần xem nguồn nguyên liệu hải sản đánh bắt hợp pháp từ nước ngoài là nguồn tài nguyên lớn mà Việt Nam có thể đẩy mạnh thu gom, nhập khẩu để phục vụ cho ngành chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần có quy hoạch và chính sách bảo tồn nguồn lợi biển, quy định những vùng nuôi, những loài hải sản được khai thác với kích cỡ nhất định, đồng thời, có chính sách khuyến khích nuôi biển.

Thứ hai là vấn đề liên quan đến chứng nhận hải sản khai thác và khơi thông xuất khẩu.

Thứ ba là vấn đề tín dụng và lãi suất. VASEP khuyến nghị điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; có chính sách hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên – bao gồm thủy sản.

Cùng với đó, rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3 – 5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý I – II/2023.

Thứ tư là việc tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam.

VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo duy trì một số chính sách giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, bao gồm các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí, giảm mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đến hết 2023.

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT, nghiên cứu sửa đổi, đề xuất mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương.

Không chỉ vậy, VASEP còn đề xuất các giải pháp liên quan đến chi phí tuân thủ xử lý môi trường, khơi thông và phát triển thị trường, cũng như vấn đề biến đổi khí hậu và hạ tầng thiết yếu cho khai thác, nuôi trồng thủy sản.